23/11/2016 09:51 GMT+7

Thương cho roi cho vọt là ngụy biện?

M.ANH tổng hợp
M.ANH tổng hợp

TTO - Trong khi hàng trăm ý kiến bạn đọc cho biết mình từng bị đòn mà vẫn trưởng thành tốt, và dạy trẻ nên có lúc dùng đòn roi, thì "trường phái không đòn roi" cũng cất lên tiếng nói của mình. Rất nhiều câu hỏi "thời trung cổ hay sao mà còn đánh trẻ?"

Dạy con bằng bạo lực sẽ ảnh hưởng đến tâm lý con - Tranh: NOP

Bất lực nên mới đánh con?

Bạn đọc AQ khẳng định "Đòn roi thể hiện bố mẹ bất lực, thiếu kiên nhẫn và áp đặt. Trẻ con rất giỏi quan sát và học hỏi từ người lớn vậy". Bạn đọc BBT thì kêu trời "Thời đại nào rồi mà còn tư tưởng thế này trời @@, mình kém thì không phải ai cũng kém như mình, làm ơn ngẩng mặt lên mà nhìn những nền giáo dục tiên tiến kia kìa"

"Bạo lực sẽ đưa tới bạo lực. Cách dạy dỗ con trẻ của người xưa là do sự áp đặt của xã hội người lớn lên con trẻ quá nặng nề. Hậu quả là tuổi thơ luôn gắn liền với những trận đòn đến nỗi đi cả vào thơ.

Không phải thời nay khác thời xưa mà là nhận thức thời nay đúng và nhân văn hơn. Tôi cũng là đứa trẻ được dạy dỗ bằng đòn roi và tôi khẳng định những mặt tốt mà tôi có được không phải từ đó mà ra. Câu "Thương cho roi cho vọt-Ghét cho ngọt cho bùi" chỉ là ngụy biện", bạn đọc Nguyễn Tiên Điền viết.

Bạn đọc Duy Hùng thì gay gắt hơn: "Đánh con mình là một hành động ngu xuẩn nhất mà tôi từng biết. Có thể bạn đúng, đánh bọn trẻ sẽ giúp nó vâng lời, "ngoan" hơn. Nhưng bạn có thể không biết điều đó tạo ra tâm lý sợ hãi nơi bọn trẻ, từ đó dẫn đến mất sự tự tin, và nhiều hệ lụy sau này? Bọn trẻ vốn rất ngây thơ và không nhận thức được cái nào đúng cái nào sai, vậy tại sao không từ tốn dạy các bé mà phải đánh, chửi, mắng các em".

"Đòn roi không làm bạn lớn lên, nó chỉ thể hiện sự bất lực và sự thiếu kiềm chế của bố mẹ. Người bố mẹ tốt là người kể cho con cái nghe về những thứ họ trải qua, cách họ nghĩ về tốt và xấu, nhắn nhủ con mình hãy làm những gì nó cho là đúng và đừng để ai bắt nó sống như thế nào.

Không ai sống cuộc đời tốt nhất, những người trẻ và cả những người già tất cả đều bị kẹt giữa cái đúng và cái sai, đều đi tìm mục đích thật sự của cuộc sống. Vì vậy bố mẹ chỉ nên kể câu chuyện của mình rồi để cho con quyết định cái đúng cái sai, để nó lựa chọn con đường của mình. Kỉ luật nghiêm khắc chỉ có ở đầu óc những kẻ bảo thủ, thích kiểm soát và thậm chí là ngu dốt sợ những thứ khác mình", bạn đọc tên bổ sung.

"Khi thất bại mới nhận ra yêu thương trong roi vọt, theo tôi câu này nói lên một cách nghĩ "đúng ở thời phong kiến". Ngày đó không có trường ĐH nghiên cứu tâm lý, không có Internet, không có thông tin các nước tiên tiến họ sử dụng phương pháp nào để đem đến hiệu quả cao nhất trong việc dạy dỗ.

Đòn roi là sự bế tắc trong phương pháp giáo dục cũng giống như bạo lực là bế tắc trong phương pháp hòa bình... Muốn làm tốt, từng người, từng nhà, từng gia đình, nhóm, làng xã, quốc gia, lãnh đạo phải biết học hỏi", bạn đọc Asian Angel nêu ý kiến.

Cha mẹ không đánh con làm trẻ hạnh phúc hơn? 

Bạn đọc thuyaanh@... thì thừa nhận: "Tôi là sản phẩm của đòn roi, tôi ngoan, tôi chăm học, tôi không dám phá vỡ quy tắc, tôi yêu ba mẹ tôi, nhưng tôi sợ họ và tôi không cảm thấy hạnh phúc với điều đó. Nên, dạy con, tôi nghiêm khắc nhưng không muốn dùng đòn roi, tôi tin rằng mỗi đứa trẻ có một trái tim, trẻ sẽ cảm nhận được thái độ của bạn và biết cách dừng lại nếu bạn cương quyết mà không cần đòn roi.

Với những trải nghiệm của mình, tôi thấy những gia đình mẹ nghiêm khắc nhưng không dùng đòn roi, chỉ dùng lời, con hạnh phúc hơn, tỷ lệ con ngoan nhiều hơn, và sau này lớn lên, gần gũi nhau hơn, ít đố kỵ ghanh ghét nhau, yêu thương nhau hơn.

Còn những gia đình hay sử dụng đòn roi, xu hướng tránh né đòn roi, tránh né luôn bố mẹ, và như vậy, bố mẹ không phải là những người tư vấn đầu tiên khi con cần đến. Mà, cái gì con không học được từ bạn, đường phố sẽ dạy nó".

Chia sẻ câu chuyện của mình, bạn đọc quangdong901@... viết: "Tôi 45 tuổi, tôi dạy các con mà không dùng đòn roi. Xưa kia bố mẹ cũng không dùng đòn roi đối với tôi , mà tôi vẫn ngoan chẳng kém ai, hihi... Trong thế kỷ 21 này, dùng roi dạy con, là cách dạy tồi.

Hồi xưa, cưới vợ, gả chồng, các cụ cứ "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy", còn ngày nay, các cụ còn "đặt" nổi không hay là "con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy"? Phải thay đổi cách dạy con theo các nước văn minh các bạn ạ, cái gì họ hay thì ta học hỏi mà áp dụng ít nhiều, đừng có thế kỷ 21 rồi mà còn dạy con bằng roi như các cụ hồi cải cách ruộng đất, kỳ lắm".

Trong khi đó bạn đọc Hai Hai cho rằng bố mẹ đánh đòn roi con là "đang quăng sự bế tắc, căng thẳng và lười biếng của bản thân bố, mẹ vào con". 

"Bố mẹ liên tục đòn roi là thể hiện sự vô trách nhiệm đối với sự phát triển tinh thần của con. Kĩ năng dạy con tràn ngập trên sách, báo, internet, nhưng nhiều phụ huynh không thèm trau dồi cho mình, dẫn đến điều đáng buồn là nhiều bà mẹ có thể dành hàng giờ ngồi tám, xem phim, trang điểm, nhưng lại không chịu dành cho con vài phút để hướng dẫn, động viên hay tỉ tê với con để rồi khi thấy con làm không đúng ý mình hay mắc phải lỗi gì đó thì ra đòn bạo lực luôn. 

Tôi chứng kiến nhiều cháu rất đáng thương, bị đánh đòn nhưng không hiểu tại sao bị đánh, cháu muốn thanh minh nhưng lại không dám lên tiếng do sợ bị phụ huynh đánh thêm, hay chỉ vì ngủ quên bật chuông báo thức mà bị mẹ xông vào tát tới tấp vào mặt, vào đầu...", bạn đọc này viết.

Bạn đọc Nhan Le Nghia viết: "Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ sử dụng đòn roi bạo lực khi còn nhỏ thì tâm lý sẽ bị tổn thương rất lớn.

Đòn roi không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn, học làm chủ hành vi tốt hơn mà ngược lại sẽ chai lì, biết cách né tránh. Đặc biệt, trẻ thường “tạc dạ ghi lòng” những lúc mình bị trừng phạt, đánh đập hơn là lý do vì sao mình bị phạt.

Đòn roi bạo lực khiến những giá trị bình an, yêu thương, tôn trọng, khoan dung, đoàn kết cũng như kỹ năng sống: thương lượng, giao tiếp thuyết phục không có. Hễ xảy ra tranh cãi, xung đột, chỉ có một cách ứng xử là bạo lực."

--------------------

Bạn có ý kiến gì về câu chuyện dạy con có nên dùng đòn roi? Bạn có đồng tình với những ý kiến trên? Bạn có những kinh nghiệm, câu chuyện hay nào liên quan đến dạy con? Mời bạn chia sẻ ở ô BÌNH LUẬN dưới bài viết.

 

 

 

M.ANH tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên