Dạy con là cả một nghệ thuật - Ảnh minh họa: ekantipur.com |
Bạn đọc Thanh Vân chia sẻ sau khi đọc băn khoăn của một bà mẹ trẻ trên Tuổi Trẻ Online về việc có nên dùng đòn roi trong dạy con?
Bạn đọc này viết: "Tôi nghĩ thời nào thì giáo dục con cái bằng đòn roi vẫn là một phương cách, vẫn có giá trị của riêng nó. Tất nhiên không chỉ đơn thuần dạy bằng đòn roi mà phải kết hợp bằng lời lẽ, khuyên bảo, thậm chí là khuyến khích.
Bạn tôi từng kể hay dùng đòn roi với đứa con trai cho tới một ngày anh phải... suy nghĩ lại!
Hôm đó thằng bé học lớp 6 không chịu đi học, anh bắt nằm lên giường đánh 5 roi rồi bảo đứng dậy đi học. Thằng bé vẫn chần chừ không chịu đi. Anh hỏi: "Giờ đi học hay muốn ăn 50 roi?". Không suy nghĩ lâu thằng bé lên lên giường chấp nhận đòn roi. Bạn giật mình nhận ra lâu nay mình chỉ biết đánh chứ không dạy bảo gì thêm nên thằng bé lì đòn.
Tôi nghĩ đòn roi cũng cần có trong chừng mực nào đó, không chỉ trong gia đình mà cả với nhà trường.
Thế hệ tuổi thơ của tôi hơn 40 năm về trước rất “quen” với đòn roi từ cha mẹ, thầy cô… Và hiệu quả của nó là điều không thể phủ nhận: thế hệ tuổi thơ chúng tôi ngày trước ngoan hơn ngày nay nhiều, không có những “ông trời con”, không “phát huy” quá đáng cái tôi, cá tính…
Tôi từng gặp cảnh đứa bé chỉ độ 4 tuổi mè nheo với mẹ không chịu ăn cơm, nắm tay lôi kéo mẹ, gạt đổ chén cơm và… đánh mẹ! Trông cảnh đó thật chướng mắt, nhất là sự nhu nhược của người mẹ (hay là cưng chìu con mù quáng?).
Trường hợp đó tôi nghĩ một cái tát tay thật mạnh vào mông là cần thiết và hợp lí, bởi với mức độ đó thì lời lẽ (năn nỉ, khuyên lơn, dỗ dành…) là hoàn toàn không tác dụng.
Tuy ngày nay không ai khuyến khích dạy trẻ bằng đòn roi (thậm chí là cấm) nhưng tôi nghĩ trong phạm vi gia đình nó hoàn toàn có thể sử dụng. Cái chính là phải biết kết hợp giáo dục bằng lời lẽ, bằng những nguyên tắc, qui phạm, phân tích phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi trẻ con. Làm sao cho trẻ thấy được sức mạnh của đòn roi, biết tránh đòn roi chứ không phải “ám ảnh” đòn roi.
Tất nhiên giáo dục bằng hình thức nào thì cái cần trước hết chính là sự nghiêm khắc và bản lĩnh của các bậc cha mẹ. Tránh dọa nạt theo kiểu bông đùa, mắng yêu…Dù là hình thức kỷ luật nhẹ nhất như khoanh tay cũng phải được thực thi nghiêm túc nếu trẻ có sai phạm.
Đôi khi chính sự thiếu quyết tâm thực thi “gia phong” vô tình dung dưỡng thái độ ỷ lại, xem thường, dẫn đến “phá sản” mọi cung cách, hình thức giáo dục".
"Thương con thì cho roi cho vọt" * "Cha ông ta từ xưa đã bảo rằng thương con thì cho roi cho vọt. Từ nhỏ tôi bị đánh hoài nhưng tôi có bị lì đâu. Nên học người xưa" (bạn đọc Thanh Sơn) * "Tôi đét mông vài lần giờ đứa 4 tuổi, đứa 7 tuổi chỉ cần tôi trừng mắt thôi là tụi nó sợ khiếp vía. Bây giờ tụi nhỏ hết bị ăn đòn rồi vì chỉ cần la thôi". (Thanh) "Kinh nghiệm hàng ngàn năm của ông cha ta, đó là: "Thương cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt, cho bùi". Vậy á. Tuy nhiên, không nên lạm dụng đòn roi, chỉ đánh khi.....hết chịu được. Đánh ít, nhưng phải thiệt đau". (Ngo Hai Son) * "Đòn roi hay không không quan trọng, quan trọng là con phải biết nó sai cái gì để lần sau không lặp lại. Điều quan trọng khi đánh con là vì thương con vì giáo dục chứ không phải vì nóng giận vì con không nghe lời. Bạn phải suy nghĩ lại coi lúc bạn đánh con bạn có nóng giận không, nếu có thì đó là bạn đã dạy sai rồi. Nếu không nóng giận thì bạn dạy đúng". (Khánh) |
Bạn có ý kiến gì về câu chuyện dạy con có nên dùng đòn roi? Bạn có đồng tình với những ý kiến trên? Bạn có những kinh nghiệm, câu chuyện hay nào liên quan đến dạy con? Mời bạn chia sẻ ở ô BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận