Phóng to |
Bệnh nhân viêm gan siêu vi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Một vấn đề toàn cầu mà nhân loại đang phải đối mặt là bệnh tật gắn liền với nghèo đói. Các nước thứ ba có lượng dân số đông và cũng là vùng dịch tễ của các bệnh dịch nghiêm trọng như HIV/AIDS, sốt rét, lao, viêm gan siêu vi... nhưng lại không thể có đủ thuốc để điều trị cho người bệnh. Hầu hết thuốc đặc trị các bệnh hiểm nghèo này là do các đại công ty dược của các nước giàu có sản xuất nên giá thành rất đắt đỏ, khiến nhiều người nghèo phải chờ chết vì không có tiền mua thuốc.
Nhu cầu bức thiết này đã được đưa vào nghị trình của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nước thế giới thứ ba yêu cầu được phép chuyển giao công nghệ sản xuất các thuốc thiết yếu có bản quyền từ các công ty mẹ. Mãi đến năm 2003, WTO mới chuẩn y vĩnh viễn quyền hạn này cho các nước thứ ba sau mười năm thử nghiệm với việc áp dụng tạm thời.
Theo luật mới này, WTO cho phép các nước thứ ba ngoài sản xuất còn được nhập các thuốc phiên bản của thuốc còn bản quyền nhằm điều trị các bệnh nghiêm trọng hoặc các đợt dịch. Tuy nhiên, cũng theo luật định, các nước đang phát triển cần phải thông báo cho WTO các thuốc họ cần và tên các nhà sản xuất thuốc phiên bản để thông báo cho giới chức trách cấp quốc gia các công ty mẹ của thuốc có bản quyền.
Chẳng hạn như năm 2004, Malaysia đã ban hành một lệnh cấp quyền sử dụng của chính phủ, cho phép các công ty địa phương nhập các thuốc phiên bản điều trị HIV/AIDS từ Hãng dược phẩm Cipla của Ấn Độ để phân phối trong các bệnh viện công. Nhờ lệnh đó, lập tức chi phí điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS ở đây giảm đến 80% và số lượng bệnh nhân được nhận thuốc điều trị tăng hơn gấp ba lần. Ngược lại, Chính phủ Malaysia đã chi một khoản bù lỗ 4% tính trên giá thành của thuốc phiên bản cho các công ty thuốc gốc hiện đang có mặt trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, luật mới này của WTO gây ra nhiều quan ngại đối với các quốc gia cũng như công ty sở hữu bản quyền thuốc gốc, nhất là vấn đề lạm dụng chính sách ưu tiên đó, các công ty sản xuất thuốc phiên bản tìm cách xuất khẩu sản phẩm phiên bản ra thị trường thế giới làm phá giá thuốc gốc. Điều đó gây ra thiệt hại kép cho các công ty mẹ bởi chính họ đã không những “biếu không” bản quyền mà còn mất cả một thị trường tiêu thụ ở các nước thứ ba do thuốc phiên bản có giá rẻ.
Mỗi con người trên Trái đất có một quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận là quyền được chữa bệnh. Thế nhưng người dân nước nghèo khó có thể được chữa bệnh với giá thuốc “cắt cổ” của các công ty dược phương Tây. Để điều chỉnh sự bất cập này, WTO đã có luật. Tuy nhiên, chính phủ sở tại cũng như các nhà chức trách chuyên môn cần phải có một số thay đổi trong chính sách quy định các điều khoản ưu tiên về y tế, cũng như trong các ký kết hợp tác song phương nhằm tránh khỏi sự ràng buộc về mặt sở hữu bản quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận