27/12/2010 07:54 GMT+7

Mơ ước thuốc giá rẻ

LÊ THANH HÀ - LAN ANH
LÊ THANH HÀ - LAN ANH

TT - Không thể có nổi 20 triệu đồng mỗi tháng đề điều trị, nhiều bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C đã phải ngậm ngùi về nhà chờ chết. Không ít người phải bán nhà, bán đất, vay mượn khắp nơi để có tiền điều trị...

jkOrRLXW.jpgPhóng to
Bệnh nhân viêm gan siêu vi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Xem bàn tin tiếng Anh

Gần hai năm trước, khi đang mang thai con trai đầu lòng, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (ngụ ở Mỹ Đình, Hà Nội) được thông báo nhiễm viêm gan siêu vi B. Và giờ đây sau hơn một năm điều trị, chị đang nợ 200 triệu đồng, khoản tiền quá lớn ở một gia đình chồng bộ đội, vợ công chức...

Vay tiền, bán nhà để mua thuốc

“Khi số lượng virut đã lên đến 10 mũ 7, tôi buộc phải ngừng cho con bú để bắt đầu giai đoạn điều trị. Lúc đó là tháng 3-2009, chồng tôi lương thượng úy được 3,5 triệu đồng, còn tôi được 1,5 triệu đồng, phải ở nhà thuê. Bác sĩ điều trị khuyên tôi nên sử dụng biện pháp tiêm, giúp thời gian điều trị ngắn hơn. Nhưng đúng là họa vô đơn chí, tôi được tiêm thuốc trong vòng tám tháng, mỗi tháng bốn mũi Inteferon giá trên 3 triệu đồng/mũi, kèm thuốc uống trên 2 triệu đồng/vỉ 30 viên, uống trong một tháng mà lượng virut giảm rất ít, chỉ xuống 10 mũ 5, bác sĩ nói tôi đáp ứng thuốc không tốt”- chị Bích hồi tưởng.

Viêm gan siêu vi (B và C) là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm nhất trên thế giới. Bệnh này được Tổ chức Y tế thế giới xếp loại thứ chín trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho con người. Một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy có đến 18% người dân Việt Nam nhiễm viêm gan B và 5% nhiễm viêm gan C. Phần lớn người bệnh Việt Nam với mức thu nhập bình quân hiện tại không thể với tới thuốc đặc trị độc quyền giá cao.

Do chị Bích không đủ tiền mua thuốc nên cha mẹ chị quyết định bán nhà, về quê sống để lo mua thuốc cho con. Chồng chị không dám phiền cha mẹ, cố gắng vay mượn bạn bè, nhưng chỉ vay mỗi người một ít để... dễ vay và sau này dễ trả. Tiếng là mỗi người một ít nhưng cũng phải vay mỗi người trên 10 triệu đồng.

Chị Bích cho biết gần một năm nay chị ngừng tiêm để chuyển sang điều trị hoàn toàn bằng uống thuốc, may mắn hơn nữa là chị mua thuốc được từ nhà phân phối, chỉ mất 2 triệu đồng/vỉ, trong khi mua thuốc của bác sĩ là 2,5 triệu đồng/vỉ vì phải gánh khoản hoa hồng đến 20%. “Hợp” với loại thuốc này, lượng virut viêm gan B đã giảm xuống dưới 10 mũ 3, chị đã khỏe hơn.

Nhưng món tiền gần 200 triệu đồng nợ nần vẫn đang là gánh nặng với hai vợ chồng trẻ. “Rất may là bạn bè chồng tôi đã khá hơn, thấy hoàn cảnh hai vợ chồng chúng tôi nên nói sau này khỏe trả nợ họ cũng được”- chị Bích tâm sự.

“Tới đâu hay đó”

Rất nhiều người bệnh khác như chị Bích, trước cái chết được báo trước của viêm gan C, dù không có khả năng nhưng họ đã cố gắng chạy tiền bằng đủ mọi cách để được điều trị bệnh. Anh Trần Trọng Trường (ngụ ở khu căn cứ 26, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) năm nay mới 30 tuổi, mắc bệnh viêm gan C cách đây 15 tháng.

Mẹ anh ở Bình Thuận thấy con trai còn quá trẻ, cháu nội còn nhỏ, phải thuê nhà sống tạm bợ ở TP.HCM nên đã phải bán nhà, vay mượn thêm để có tiền lo cho con trai điều trị bệnh. Từ khi anh bị bệnh, người vợ trẻ gầy gò gần như không dám nghỉ ngơi mà suốt ngày miệt mài, cặm cụi bên chiếc máy may cũ kỹ để may quần áo cho khách, kiếm thêm tiền mua thuốc cho chồng. Ngoài mẹ già, vợ trẻ, anh Trường còn may mắn được anh em trong công ty - nơi anh làm bảo vệ - vận động nhau hỗ trợ thêm cho anh ít tiền điều trị.

Ngày 24-12, anh Trường cho biết đến nay anh đã điều trị bệnh được hơn 14 tháng, với tổng số tiền thuốc điều trị hơn 250 triệu đồng. Hiện nay, mỗi tuần anh phải đến nhà thuốc ở gần bệnh viện nơi anh điều trị mua thuốc Pegasys (Hãng Roche sản xuất) để chích với giá 4.310.000 đồng/liều. Chỉ riêng tiền mua thuốc đặc trị Pegasys mỗi tháng anh đã tốn 17,2 triệu đồng. Ngoài thuốc chích, anh còn phải uống thêm một số thuốc viên trị viêm gan khác mất khoảng 3 triệu đồng.

Theo anh Trường, lương bảo vệ của anh mỗi tháng được hơn 2 triệu đồng. Dù bệnh nhưng anh vẫn cố gắng làm tăng ca để có thêm 1 triệu nữa mua thuốc. Tiền lương và tăng ca của anh mỗi tháng chưa đến 3,5 triệu đồng, không đủ để mua một lọ Pegasys. Bệnh của anh bác sĩ bảo phải chích thuốc 18 tháng mới đủ liều. Thế nhưng, mới đây mẹ anh gọi vào nói: “Mẹ ráng hết nổi rồi, hết khả năng rồi con ơi”. Kể đến đây, giọng anh Trường chùng lại, lặng một hồi lâu, anh bảo: “Tôi định hết tuần này đi khám, xét nghiệm lại, nếu số lượng virut trong máu giảm nhiều rồi thì thôi không chích nữa. Chích được 14 tháng chắc cũng được rồi. Tới đâu hay đó vậy...”.

Khi nghe chúng tôi nói sắp có thuốc trong nước với giá rẻ hơn nhiều so với thuốc ngoại, anh Trường nói ngay: “Bệnh của chúng tôi là bắt buộc phải chích, không chích thì bệnh ngày càng nặng. Nếu có thuốc rẻ hơn thì người bệnh chúng tôi mừng lắm”.

Ông C.H.T. (hẻm 101 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) - một bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C đã ngưng điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sáu tháng nay - cho biết: “Người bệnh viêm gan chúng tôi nghe thông tin có thuốc trị viêm gan giá rẻ ai cũng mừng. Bệnh này không thể không điều trị, nhưng đã có rất nhiều người không có khả năng điều trị vì giá thuốc quá mắc.

Tôi đã phải bán miếng đất dưỡng già để có mấy trăm triệu đồng mua thuốc”. Theo ông T., ông đã điều trị qua hai bác sĩ, với hai loại thuốc là Pegasys của Hãng Roche và Peg-Intron của hãng Schering - Plough. “Tôi chích Pegasys ở bác sĩ C. hết hơn 100 triệu đồng nhưng không hết bệnh. Sau đó được bác sĩ H. cho chuyển sang chích Peg-Intron cũng hết gần 100 triệu nữa. Sau 13 tháng điều trị với hai loại thuốc nói trên, tôi đã ngưng điều trị nửa năm nay vì chích thuốc không đem lại hiệu quả” - ông T. cho biết.

Người giàu cũng... khóc!

Thực tế không như mong ướcNanogen có thể kiện lại RocheMục đích cuối cùng: vì người dân!Mơ ước thuốc giá rẻLuật bản quyền cần được thay đổiĐừng để người nghèo không mua được thuốcVừa được cấp phép đã bị khiếu nại Thuốc rẻ cứu sống người nghèo

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, đang làm việc tại một phòng khám nước ngoài, cho biết: “Cô tôi không nghèo nhưng rồi cũng trắng tay vì mua thuốc trị viêm gan”. Cô ruột của bác sĩ Lan hơn 50 tuổi, ở Q.3, TP.HCM, đang làm việc cho một công ty tư nhân với mức lương 900 USD/tháng (khoảng 18 triệu đồng) nhưng phải điều trị viêm gan C với chi phí 24 triệu đồng/tháng.

Trong đó chỉ riêng tiền thuốc chích Pegasys mỗi tháng đã hết tháng lương của cô. 6 triệu còn lại là tiền mua các loại thuốc uống khác theo chỉ định của bác sĩ. Cô bị nhiễm siêu vi C type 6, bác sĩ bảo phải điều trị tối thiểu 12 tháng, có khi phải điều trị kéo dài 18 tháng. Được bác sĩ giải thích việc điều trị viêm gan C như chơi trò đỏ đen, tức là “5 ăn 5 thua”, chưa biết kết quả thế nào nhưng dù còn 1-2% hi vọng cô vẫn quyết tâm điều trị, dù biết rằng sẽ trắng tay vì số tiền ky cóp bao năm sẽ “bay” hết theo tiền mua thuốc hằng tháng.

Tổng giám đốc một công ty dược phẩm lớn cho biết gia đình bà có 90% người thân bị viêm gan siêu vi B. Tốn kém vô cùng. Có những lúc cùng một lượt hai người cháu của bà bị bệnh và đều phải chích thuốc. Bà phải đem hết tiền lương, tiền thưởng của bà cho cháu có tiền chích thuốc nhưng cũng không đủ khả năng để chích ròng rã hàng năm trời. Cuối cùng, các cháu của bà phải chuyển qua thuốc uống, dù biết rằng chích thuốc có cơ may điều trị khỏi bệnh nhiều hơn.

Theo bà, hiện nay nếu bị bệnh viêm gan thì chỉ có đại gia mới có thể điều trị nổi. Còn người dân bình thường, đặc biệt những người thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn thì chỉ có thể bán nhà, bán đất hoặc về nhà chờ chết, không thể nào tiếp cận được việc điều trị với giá thuốc độc quyền quá đắt như hiện nay.

LÊ THANH HÀ - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên