Phóng to |
Nhiều cá nhân, tổ chức đấu tranh với các tập đoàn dược để mong đem lại điều kiện chữa trị tốt cho người dân châu Phi nghèo đói - Ảnh: cytecs.com |
Phóng to |
TS Nguyễn Đức Thái |
Đó là hai câu hỏi lớn chúng tôi đặt lên bàn TS Nguyễn Đức Thái - trưởng ban và cố vấn khoa học công nghệ sinh học, Khu công nghệ cao TP.HCM. Ông mở đầu cuộc trò chuyện: “Đại diện Hãng Roche phản ứng và yêu cầu Công ty Nanogen ngừng ngay việc sản xuất interferon ở VN là một thách thức lớn về quyền lợi không chỉ cho Công ty Nanogen mà còn là một sự kiện cần được quan tâm và chuẩn bị một chiến lược thích hợp cho việc phát triển công nghệ sinh học ở VN”.
* Ở góc độ pháp lý, ông nhìn nhận vụ khiếu nại bản quyền sáng chế của Roche đối với Công ty Nanogen như thế nào?
- Về pháp lý, luật bản quyền đặt ra để khuyến khích đầu tư nghiên cứu qua việc bảo vệ các phát minh. Theo đó, những khám phá đầu tiên và ứng dụng là hai nền tảng cần và đủ cho việc thành lập bản quyền phát minh. Tuy nhiên trên thực tế, nền tảng của bản quyền không phải là chân lý mà mọi nơi phải tuân theo.
- Đừng để người nghèo không mua được thuốc- Vừa được cấp phép đã bị khiếu nại - Thuốc rẻ cứu sống người nghèo |
- Đúng vậy! Nếu nhìn qua lăng kính thị trường tư bản thì luật bản quyền được tuyệt đối bảo vệ vì liên quan đến quyền lợi huyết mạch của những đại công ty liên quốc gia. Tuy nhiên, ngày nay đã có rất nhiều tiếng nói phản kháng hoặc những phong trào với nhiều đề xuất để thay đổi quyền hạn của các bằng phát minh. Các phong trào này dựa trên nguyên tắc căn bản cho rằng khoa học là sản phẩm chung của nhân loại và cần được chia sẻ đến những nơi cần thiết.
Một số tổ chức, cá nhân đã đấu tranh khi nhận thấy 90% các nghiên cứu và thành quả khoa học nhằm phục vụ dân số ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu. Ngược lại, những nước kém phát triển phần lớn ở châu Phi và châu Á chỉ được hưởng 10% của những tiến bộ khoa học. Trong khi đó, vì điều kiện xã hội thấp kém, 90% bệnh tật lại đang xảy ra ở hai châu lục này so với 10% bệnh tật xảy ra cho các nước ở Mỹ và châu Âu.
Vì sự chênh lệch quá lớn lao này, những nhà nhân quyền cho rằng việc áp dụng luật bản quyền cần được thay đổi và phân loại cho thích hợp tùy môi trường và hoàn cảnh. Ở VN cũng đã có chính sách bảo vệ quyền sản xuất những sản phẩm có nhu cầu thiết yếu cho người dân trước những bệnh hiểm nghèo hay do dịch bệnh gây ra.
* Trên thế giới đã có những nỗ lực gì để mang lại lợi ích y tế thiết thực cho dân nghèo, thưa ông?
- Vào thập niên 1990, Brazil là một trong những nước bị tàn phá nặng nề bởi bệnh AIDS. Cũng trong thời kỳ này thế giới đã có những thành tựu quan trọng về thuốc trị AIDS do các hãng dược quốc tế lớn như Roche, Merk Sharp&Dohme... bào chế. Vì sự bảo vệ bằng sáng chế và giá thuốc cao của các hãng thuốc này, đa số bệnh nhân AIDS của Brazil đã không có khả năng điều trị và tử vong rất nhiều.
Chính phủ Brazil đã mạnh dạn cho các hãng dược quốc doanh sản xuất những loại thuốc chống HIV, đồng thời gây áp lực giảm giá thuốc với các hãng dược nước ngoài. Trước áp lực sản xuất ồ ạt ở Brazil, các công ty đa quốc gia đã phải chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc chống AIDS tới các nước châu Phi và phải giảm giá thuốc từ 50-90%.
* Như vậy, thành tựu khoa học ở các nước phát triển đóng góp không được bao nhiêu cho xã hội và cuộc sống của loài người?
- Các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện nay ở những nước phát triển đóng góp rất ít ỏi cho vấn nạn y tế của các nước chậm tiến. Phần lớn các chương trình nghiên cứu ở nước phát triển đã nhằm vào lợi ích kinh tế cho các nhu cầu y tế của họ. Tuy nhiên những thành tựu, nỗ lực của Brazil và Thái Lan đã tạo tiền đề cho các nước kém phát triển làm giảm thiểu sự chi phối của những hãng dược phẩm quốc tế, đặc biệt đối với dược phẩm cho những bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng số đông người dân do các dịch bệnh gây ra.
VN là một nước mà đa số dân chúng còn có mức sống thấp. Chương trình phát triển công nghệ của Công ty Nanogen để tạo các sản phẩm sinh học đặc trị cho những bệnh hiểm nghèo như ung thư và các bệnh dịch khác là một thành quả rất cần thiết về mặt y tế. Đó cũng là những đóng góp quan trọng cho mục tiêu phát triển khoa học ở VN.
Phản ứng của Roche cần được xem xét ở nhiều khía cạnh và mức độ, gồm so sánh sự khác biệt về đặc tính khoa học giữa hai sản phẩm interferon của Roche và Nanogen. Ngoài ra, cần đánh giá đúng nhu cầu cấp thiết sản xuất interferon nội địa để trị liệu các bệnh hiểm nghèo như ung thư gan và nhiều bệnh ung thư khác đang có tần suất bột phát mạnh ở VN.
Về định hướng tương lai, VN cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa công nghệ sinh học để tạo một nội lực y tế cho việc phòng ngừa và chữa trị cho dân chúng. Chúng ta cần tự chủ trong việc xây dựng công nghệ tân tiến này để tạo những sản phẩm có ứng dụng chẩn đoán và điều trị cao.
Đang xác minh khiếu nại của Nanogen Thông tin từ Bộ Y tế hôm 23-12 cho biết tổ công tác của bộ đang xác minh khiếu nại của Công ty Nanogen về việc đăng ký thuốc Pegnano điều trị bệnh viêm gan. Các nội dung xem xét gồm có hay không việc chậm trễ trong cấp phép và vi phạm nguyên tắc bảo mật dữ liệu trong, sau quá trình cấp phép lưu hành (điều này dẫn đến việc Roche khiếu kiện Nanogen). Dự kiến kết quả xác minh sẽ có trong tuần tới đây. Theo Bộ Y tế, Pegnano không phải là loại thuốc đầu tiên bị khiếu nại liên quan đến sở hữu trí tuệ. Hiện VN đã cấp phép sản xuất hàng chục hoạt chất điều trị HIV/AIDS, thuốc điều trị rối loạn cương, rối loạn lipit máu... Bộ Y tế cho biết trong một số tình huống nhằm bảo đảm an sinh xã hội và quyền tiếp cận thuốc, các quy định bảo hộ sở hữu trí tuệ của thế giới mà VN đã ký kết cho phép cơ quan quản lý dược được quyền cưỡng chế nhượng quyền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận