31/08/2024 09:15 GMT+7

Thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư: Lò sản xuất 'trùm mền' vì vướng cơ chế

Trong khi bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện ung bướu ở TP.HCM phải chờ đợi, chạy vạy khắp nơi để chụp PET-CT chẩn đoán ung thư do thiếu thuốc thì công ty cung ứng thuốc dù được Bộ Y tế cấp phép lại 'trùm mền' vì vướng cơ chế suốt nhiều năm.

Thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư: Lò sản xuất 'trùm mền' vì vướng cơ chế - Ảnh 1.

Sản xuất thuốc tiêm phóng xạ chứa Fluorin 18 flurodeoxy glucose (18F-FDG) sử dụng để chụp ảnh PET/CT trong chẩn đoán và theo dõi hỗ trợ điều trị ung thư tại Công ty cổ phần y học Rạng Đông (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, thời gian qua nhiều bệnh viện tại TP.HCM cạn thuốc phóng xạ khiến các hệ thống chụp chiếu trị giá hàng chục tỉ đồng đang phải hoạt động cầm chừng.

Người bệnh chạy vạy khắp nơi

Theo đó, hiện nay tại TP.HCM chỉ có lò sản xuất thuốc phóng xạ giúp chẩn đoán một số bệnh ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hoạt động, cung cấp nhỏ giọt. Một lò khác của Công ty cổ phần y học Rạng Đông được đầu tư 200 tỉ đồng, có thể cung ứng đủ thuốc cho 10 hệ thống chụp PET-CT, lại đang "trùm mền" dù được Bộ Y tế cấp phép.

Nguồn cung ứng thuốc phóng xạ bị hạn chế khiến nhiều bệnh nhân phải chạy vạy khắp nơi, nhiều người phải ra Hà Nội để thăm khám, chụp PET-CT chẩn đoán ung thư. Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến lò sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG (loại thuốc sử dụng để chụp PET-CT chẩn đoán ung thư) của Công ty cổ phần y học Rạng Đông bị ngừng sản xuất do vướng quy định, thủ tục sử dụng tài sản công.

Cụ thể, Công ty cổ phần y học Rạng Đông cho biết do hợp đồng hợp tác khoa học kỹ thuật giữa đơn vị và Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma) chưa phù hợp theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, do địa điểm sản xuất của công ty nằm trong khuôn viên thuộc Vinagamma (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam). Vì vậy, công ty buộc tạm dừng sản xuất do một số thủ tục liên quan đến quản lý tài sản công chưa đầy đủ.

Trước nhu cầu cấp bách này, Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Ung bướu vừa đồng loạt có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị tháo gỡ để Công ty cổ phần y học Rạng Đông tiếp tục hoạt động, đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư: Lò sản xuất 'trùm mền' vì vướng cơ chế - Ảnh 2.

Bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Chí Thành - viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho hay Công ty cổ phần y học Rạng Đông và Vinagamma có quan hệ hợp tác từ năm 2017.

Tại thời điểm đó, đơn vị sự nghiệp nhà nước có thể hợp tác khoa học kỹ thuật với doanh nghiệp tư nhân để lắp đặt máy gia tốc sản xuất chất phóng xạ chẩn đoán ung thư (18F-FDG) phục vụ nhu cầu lớn của khu vực TP.HCM.

Công ty cổ phần y học Rạng Đông đã gửi hồ sơ đề án hợp tác đặt nhà máy sản xuất chất phóng xạ sử dụng trong chẩn đoán ung thư tại Vinagamma, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và đảm bảo an toàn bức xạ của cán bộ kỹ thuật Vinagamma.

Sau khi xem xét các yếu tố, đặc biệt trong bối cảnh tại TP.HCM chỉ có Bệnh viện Chợ Rẫy sản xuất thuốc phóng xạ sử dụng trong chẩn đoán ung thư với số lượng sản xuất có hạn, trong khi nhu cầu sử dụng là rất lớn, nguồn cung không đủ đáp ứng.

Vì vậy, Vinagamma đã hợp tác với Công ty cổ phần y học Rạng Đông với mục tiêu đưa khoa học kỹ thuật ứng dụng vào việc sản xuất phục vụ nhu cầu lớn của xã hội. Mục tiêu chính là giúp có thêm một đơn vị cung cấp thuốc phóng xạ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Sau khi ký kết hợp tác, Vinagamma đã giao cho Công ty cổ phần y học Rạng Đông diện tích khoảng 301m2, nằm trong một góc của trung tâm, trên diện tích đất này có một phần nhà kho đã cũ. Sau đó, công ty xây nhà xưởng và đưa thiết bị về, lắp đặt, sản xuất. Những thiết bị này đều rất tốt, được nhập khẩu với giá trị lớn và bắt đầu vận hành thử nghiệm vào đầu năm 2019.

Công ty vận hành thử nghiệm được hơn 1 năm thì phải tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đến năm 2022, đoàn kiểm tra của Bộ Khoa học và Công nghệ vào làm việc và có kết luận công ty hoạt động chưa đúng quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cho đến nay Vinagamma và công ty đã thanh lý hợp đồng hợp tác và dừng toàn bộ hoạt động.

Ông Thành cho biết sau khi thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo quy định, viện đã báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời nói rõ nhu cầu của xã hội về chất phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị ung thư để bộ có phương án hỗ trợ công ty được tiếp tục hoạt động theo đúng quy định hiện hành.

"Thực tế, máy móc liên quan đến sản xuất chất phóng xạ là một hệ máy móc hiện đại, phải bảo quản liên tục trong điều kiện theo quy định chặt chẽ của nhà sản xuất và không sử dụng lâu năm sẽ rất dễ hỏng hóc. Nếu không được đưa vào sử dụng vừa khiến người dân, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư chịu thiệt thòi mất đi cơ hội được kéo dài sự sống vừa gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Hiện viện và công ty đã lập đề án phối hợp trình lên Bộ Khoa học và Công nghệ xin chủ trương để có thể tiếp tục thực hiện các bước theo đúng quy định. Chúng tôi cũng đang chờ bộ tiến hành các thủ tục theo quy định hiện hành để có chủ trương này" - ông Thành nói.

Theo ông Thành, do nhu cầu cấp bách trong việc chẩn đoán cho bệnh nhân ung thư, Bộ Y tế cũng đã có trao đổi, đề nghị viện hỗ trợ giúp công ty sớm vận hành trở lại, phục vụ người dân. "Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng hơn đối với những trường hợp đặc biệt để các đơn vị có thể sử dụng hiệu quả con người, tài sản, đóng góp cho xã hội, phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư" - ông Thành kiến nghị.

Khó di dời đến nơi khác?

Về phương án công ty chuyển ra khỏi khu vực của Vinagamma, ông Thành cho hay khi hệ máy móc đã vận hành thử nghiệm thì đã có phóng xạ nên việc di dời phải theo quy định về quản lý an toàn bức xạ.

Đây là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp về kỹ thuật (việc tháo dỡ, di dời máy móc thiết bị có phóng xạ). Bên cạnh đó, công ty làm việc tại đơn vị của viện là môi trường có các chuyên gia kỹ thuật hiểu biết về máy móc thiết bị phóng xạ, đảm bảo an toàn bức xạ sẽ thuận tiện hơn.

Đặc biệt về các vấn đề kỹ thuật, công ty cần sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia của viện, đảm bảo các quy định về an toàn phóng xạ. Vì vậy, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ tìm cách tháo gỡ để sớm có chủ trương, cho phép công ty hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ung thư chính đáng của người dân tại TP.HCM và các vùng lân cận.

Thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư: Lò sản xuất 'trùm mền' vì vướng cơ chế - Ảnh 3.Cạn thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư, bệnh nhân lại gặp khó

Việc cạn thuốc phóng xạ khiến các hệ thống chụp chiếu trị giá hàng chục tỉ đồng đang phải hoạt động cầm chừng, bệnh nhân thì chạy vạy khắp nơi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên