11/11/2015 07:44 GMT+7

Thuở còn thơ, ngày... ba buổi đến trường!

MINH THANH
MINH THANH

TT - Một trong những mục tiêu quan trọng của đổi mới giáo dục ở cấp tiểu học là giảm tải chương trình, khiến việc học trở nên nhẹ nhàng, để mỗi ngày đến trường đúng là một ngày vui với trẻ em.

Sau giờ học chính khóa ở trường, nhiều học sinh tranh thủ ăn vội bánh mì, mì gói… để đến nơi học thêm cho kịp giờ - Ảnh: Như Hùng
Sau giờ học chính khóa ở trường, nhiều học sinh tranh thủ ăn vội bánh mì, mì gói… để đến nơi học thêm cho kịp giờ - Ảnh: Như Hùng

Khi nhà thơ Giang Nam viết “Thuở còn thơ, ngày hai buổi đến trường”, chắc ông không ngờ sẽ đến lúc trẻ em ngày nay “Thuở còn thơ, ngày ba buổi đến trường”.

Áp lực học tập không hoàn toàn ở chương trình quá nặng, mà một phần ở một số giáo viên quá chú trọng việc bắt toàn thể học sinh phải đi học thêm!

Thế nhưng trên thực tế, không ít trẻ em cấp I ngày đi học bán trú ở trường, tối lại xách cặp tới nhà cô giáo tiếp tục sự nghiệp học hành.

Lẽ nào chương trình bây giờ nặng đến mức thời gian ở trường chưa đủ để các em hoàn thành bài vở? Câu trả lời là không phải thế…

Ai cũng hiểu những năm tháng đầu đời của trẻ là thời gian hình thành các phẩm chất đạo đức và rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết, chứ không phải để nhồi nhét kiến thức.

Gia đình chúng tôi có ba anh chị em đều công tác trong ngành giáo dục nên chúng tôi luôn tâm niệm ở lứa tuổi cấp I, việc học hành phải đi liền với nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi cũng xác định sẽ không cho con đi học thêm, ngoại trừ các môn năng khiếu.

Vậy nên gia đình khá choáng váng khi ngày đầu tiên đi học lớp 1 về, cháu tôi lập tức lấy trong cặp ra cuốn vở có ghi địa chỉ nhà cô giáo chủ nhiệm và nói:

- Mẹ ơi, cô bảo cả lớp nên đi học thêm để cô rèn cho viết chữ đẹp hơn. Cô còn bảo tối nay ai đi học cô sẽ có thưởng.

Thì ra, ngay ngày đầu tiên nhận lớp cô đã dành thời gian giới thiệu về lớp dạy thêm của mình, và vận động các cháu đi học bằng cách đưa ra những hứa hẹn về phần thưởng.

Tôi nghĩ việc dạy thêm nên xuất phát từ nhu cầu và sự tự nguyện của người học. Nếu cảm thấy cần thiết, phụ huynh sẽ hỏi thăm cô có dạy hay không, chứ cô không nên giới thiệu việc dạy thêm trong lớp, ghi địa chỉ nhà cô rồi cổ vũ, kêu gọi các cháu đi học như vậy.

Đem suy nghĩ này chia sẻ với chị hàng xóm có đứa cháu học chung trường với cháu tôi nhưng trên một lớp, chị cho biết ở lớp của cháu chị năm ngoái tình hình không khá hơn.

Do điều kiện kinh tế nhà chị khá eo hẹp nên dù cô giáo đã giới thiệu nhưng chị vẫn không cho cháu đi học thêm. Kết quả là trong hai tuần đầu của năm học, cô liên tục phê vào vở của cháu “viết ẩu, chữ xấu, chậm tiến bộ”.

Chúng ta đều biết đâu có đứa trẻ nào viết chữ xấu lại có thể tiến bộ thần tốc, tới mức ngày hôm sau chữ đã đẹp lên. Việc cô ngày nào cũng phê như vậy khiến cháu rất buồn và chán nản việc học.

Đến một ngày nọ cháu chị mang thư ngỏ của cô giáo về. Cả nhà đều tưởng trường lớp có việc gì quan trọng, thì ra không phải. Đây là bức thư cô viết riêng cho gia đình chị với mục đích: yêu cầu đưa cháu tới nhà để cô dạy thêm cho cháu mau tiến bộ. Dĩ nhiên cô không dạy miễn phí.

Nhà chị tuy khó khăn nhưng vì quá lo cháu mình bị cô ghét bỏ nên đành bấm bụng chở cháu đi học cho mọi sự êm xuôi. Kết quả là trong tập của cháu chị sau đó toàn những lời phê mang tính ngợi khen: “Chữ viết đã đẹp hơn, tiến bộ rất nhiều…” dù thực tế chữ cháu cũng chẳng khác trước bao nhiêu!

Câu chuyện của chị hàng xóm khiến tôi suy nghĩ nhiều. Là một giáo viên, tôi luôn tin rằng có rất nhiều thầy cô tận tâm với sự nghiệp trồng người, không vì “cơm áo gạo tiền” mà đối xử thiếu công bằng với học sinh. Tuy nhiên tôi vẫn lo âu vì ngành nào cũng vậy, luôn có những con sâu làm rầu nồi canh, nếu có những người như cô giáo của cháu tôi hay cô giáo của cháu chị hàng xóm thì sao?

Cho cháu đi học thì thương cháu mất đi những giờ phút tuổi thơ tươi đẹp. Không cho cháu đi học thì sợ phật lòng cô, cô không tận tâm uốn nắn thì sao cháu có cảm hứng đến trường được?

Lớp 1, giỏi để làm gì?

Con trai tôi hiện học lớp 1/5, lớp của cháu có hơn 50 học sinh, và may thay cô giáo của con tôi không nổi tiếng “dạy giỏi” nên gia đình tôi cũng bớt lo lắng.

Ngày con vào lớp 1 tôi cũng chẳng nề hà gì chuyện chọn cô nào dạy con. Cứ mặc kệ cho các phụ huynh khác đi tìm cô, và không ít phụ huynh xin cho con mình được học với cô X, bởi theo họ được học với cô X thì các cháu “sẽ học giỏi”.

Quả thật, hàng xóm tôi có cu Bin cũng học cùng khối với con tôi nhưng cháu lại được học với cô X, đúng là cháu “nhanh giỏi”: học mới được hai tháng nhưng cháu đã đọc khá tốt, làm toán nhanh, được cô giáo chấm điểm 9 - 10 khi ra bài tập ở tại nhà cô.

Cô X nhận khoảng 30 cháu, học xong buổi sáng là có ôtô chở về nhà cô cho ăn, ngủ trưa, dạy thêm vào buổi chiều cho các cháu, vì thế số cháu học với cô đều có thành tích tốt ở lớp. Còn con tôi thì vợ chồng tôi bằng lòng với cô giáo hiện nay đang dạy cháu.

Tuy nhiên, thời gian đầu chúng tôi cảm thấy áp lực vô cùng, con mình thì tiến bộ chậm, học mãi vẫn chưa đọc thạo, ghép vần còn lủng củng, làm toán thì loay hoay mãi mới ra kết quả. Dẫu vậy, đến thời điểm này vợ chồng tôi lại cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn so với các bậc phụ huynh có con đang học nhà cô X.

Cô giáo của con tôi không bắt học sinh phải thế này thế khác, đương nhiên là không chấm điểm như học với cô X ở nhà, chủ trương của cô là học mà chơi, chơi để học. Cô không bao giờ nhận học sinh về nhà để học thêm cũng như ăn nghỉ tại nhà cô.

Có lần vợ chồng tôi định gửi con ở nhà cô sau khi học xong buổi sáng, nhưng cô nhất quyết không nhận bất cứ trường hợp nào. Nhưng “cái khó lại ló cái khôn”, việc không học ở nhà cô đã giúp gia đình tôi mạnh dạn rèn cháu tính độc lập (như đến trường mà không phải đưa đón dù cách nhà gần 1km. Sau khi tan học cháu biết tự lo liệu bản thân, từ việc đội nón đến học cách qua đường, tránh tiếp xúc với người lạ...). 

Có lẽ quyết định ban đầu không kén chọn cô của vợ chồng tôi lại là điều tốt. Buổi tối, vợ chồng tôi chỉ giúp cháu hoàn thành những bài tập cô giáo giao cho chứ không phải làm thêm nội dung gì khác, thời gian còn lại để cháu vui chơi thoải mái.

Mỗi buổi tối con tôi chỉ học khoảng một tiếng rưỡi là nghỉ ngơi, chứ không phải học tới tận khuya như cậu Bin hàng xóm (nào là tập viết, nào bài tập ở lớp, ở nhà cô...).

Mong rằng các phụ huynh đừng quá coi trọng thành tích của con. Hãy cho trẻ một khoảng không gian, thời gian, một khoảng trời riêng để các bé thật thoải mái với những niềm vui trẻ thơ. Niềm vui cũng chính là liều thuốc giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

Lớp 1 đâu chỉ có chuyện học!

VĂN CÔNG (Biên Hòa, Đồng Nai)

MINH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên