Nhiều chuyên gia cho rằng cần thuê hiệu trưởng để điều hành trường ĐH. Trong ảnh: lãnh đạo các trường ĐH trong cuộc họp nhóm xét tuyển phía Nam - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Vụ chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long ở Quảng Ninh được cho là "tình huống đặc biệt, là giải pháp tình thế trước mắt". Nhưng theo nhiều chuyên gia, việc ông Nguyễn Văn Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - nói nếu ông "không làm thì trường không có hiệu trưởng, vậy nên dù mình có làm ít hay làm nhiều thì cũng còn hơn là để trường không có hiệu trưởng" là điều không thuyết phục.
Hiệu trưởng là một nghề đòi hỏi chuyên nghiệp trong quản trị nhà trường nên cần lựa chọn người được đào tạo và có kinh nghiệm trong quản trị nhà trường, nhưng hiện tại việc đào tạo quản trị ĐH chưa rõ ràng nên cần người có kinh nghiệm quản trị ĐH.
TS Lâm Thành Hiển
Hiệu trưởng là CEO
Vấn đề thuê hiệu trưởng ĐH trước đây đã được nhiều người đề cập đến. Tại hội thảo khoa học "Tự chủ ĐH thời kỳ hội nhập" diễn ra ở TP.HCM ngày 15-11-2019, vấn đề thuê hiệu trưởng đã được nhiều học giả, chuyên gia giáo dục bàn luận sôi nổi.
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, việc triển khai tốt tự chủ ĐH hiện nay phụ thuộc nhiều vào người lãnh đạo tại trường.
"Theo tôi, lãnh đạo trường ĐH cần có hai người là chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng. Hai người này phải tâm đầu ý hợp, phải có phản biện khoa học, có tinh thần vì chất lượng thì tự chủ ĐH sẽ thành công. Vậy nên chăng mở ra cơ chế cho thuê hiệu trưởng? Nếu tại trường có người thì tốt, còn không thì thuê hiệu trưởng ở bất kỳ trường công tư. Có được và có nên làm việc này không?" - ông Hoàng đặt vấn đề.
GS.TS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết thực chất lâu nay thế giới đã xem hiệu trưởng là người làm thuê và việc thuê hiệu trưởng nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã làm hàng chục năm nay.
TS Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cũng cho hay nhiều trường ĐH công lập ở các nước đã áp dụng cơ chế này từ lâu. Có những hiệu trưởng ĐH xuất thân từ doanh nghiệp, chỉ có quá trình ngắn công tác trong ngành giáo dục với vai trò thành viên hội đồng trường nhưng được thuê làm hiệu trưởng 15 năm, trong khi chỉ có trình độ thạc sĩ.
"Hiện nay nghị quyết 19 cũng đã cho phép việc này rồi. Hiệu trưởng thực ra chỉ là một giám đốc điều hành. Nếu hiệu trưởng quản trị nhà trường tốt, trường được thăng hạng sẽ tiếp tục được thuê. Người thuê không bị giới hạn tuổi tác và nhiệm kỳ. Nếu làm thất bại thì cho thôi, không thuê làm nữa. Cơ chế nhân sự như vậy mới thực sự là của ĐH tự chủ" - ông Danh nhấn mạnh.
TS Lâm Thành Hiển - phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - cũng cho rằng việc thuê hiệu trưởng sẽ tạo được luồng gió mới cho trường ĐH. "Hiện nay, hội đồng trường định hướng chiến lược phát triển chung của nhà trường. Hiệu trưởng sẽ tổ chức thực hiện giống CEO trong công ty" - ông Hiển nói.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - cũng cho biết theo Luật giáo dục ĐH, quyền lực quản lý nhà trường được trao cho hội đồng trường - đứng đầu là chủ tịch hội đồng trường, còn hiệu trưởng thực thi quyền quản trị nhà trường.
"Nếu là quyền quản trị thì hiệu trưởng có thể coi là một nghề. Không tham gia quản trị trường này thì có thể tham gia quản trị trường khác nếu được thuê. Ý tưởng chọn hiệu trưởng bằng hình thức thi trong các trường công cũng đã được đưa ra trong vài năm gần đây. Có điều là người tuyển chọn hiệu trưởng hay hội đồng tuyển chọn xem ra chưa phù hợp. Chưa kể, ở các trường công lập, hiệu trưởng còn chịu nhiều ràng buộc khác (ví dụ vì là cấp hàm tương đương vụ trưởng nên phải là đảng viên, đã học xong chương trình cao cấp lý luận chính trị, đã được đưa vào quy hoạch...). Đến nay, những quy định trên vẫn tồn tại trong thực tế nên chọn hiệu trưởng giống như nhà quản trị ĐH ở VN còn gian nan" - ông Hồng nhận định.
Cũng theo ông Hồng, nhiều tập đoàn giáo dục không coi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là nhà lãnh đạo ĐH, đơn thuần họ là nhà quản trị được thuê quản trị những lĩnh vực cụ thể nên không ít chức danh tương đương phó hiệu trưởng được giao cho các nhà quản trị với chức danh giám đốc điều hành (tài chính, hỗ trợ và phát triển người học, liên kết với doanh nghiệp...).
Làm chủ hay làm thuê?
TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Đại học FPT - cho rằng cần phải làm rõ khái niệm "thuê" nhân sự quản lý cấp cao trong trường ĐH. Vì thực tế hiện nay mọi người đang hiểu rằng làm việc cho tổ chức tư nhân là "làm thuê", còn làm cho tổ chức công là "làm chủ".
"Như vậy tất cả hiệu trưởng trường tư là làm thuê, ngược lại hiệu trưởng trường công là làm chủ. Tức là với trường ĐH công "thuê" hiệu trưởng về để làm chủ. Bên cạnh đó, luật còn quy định hợp đồng với hiệu trưởng trường tư là "hợp đồng lao động", còn với hiệu trưởng trường công lập là "hợp đồng làm việc". Trong khi lao động và làm việc là khác nhau. Do vậy hệ thống văn bản pháp quy phải làm rõ vấn đề này mới có thể tạo cơ chế thuê hiệu trưởng được" - ông Tùng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Luật giáo dục ĐH sửa đổi đã có độ mở để giải quyết vấn đề thuê hiệu trưởng. Luật trước đây quy định nhiệm kỳ của hội đồng trường theo nhiệm kỳ hiệu trưởng nhưng hiện nay quy định này được sửa đổi, nhiệm kỳ hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định trong nhiệm kỳ của hội đồng trường.
"Như vậy có nghĩa không có quy định số năm của nhiệm kỳ hiệu trưởng. Hội đồng trường đánh giá năng lực hiệu trưởng để thuê làm việc theo mức thời gian phù hợp. Luật đã mở ra cơ chế này rồi. Tuy nhiên, trường ĐH không chỉ hoạt động tuân theo Luật giáo dục ĐH, mà còn theo các luật khác, trong đó có Luật công chức, viên chức liên quan đến vấn đề chức danh quản lý trường ĐH công, những quy định cũng phải thay đổi mới có thể thực hiện được việc thuê hiệu trưởng" - bà Phụng nói.
Thiếu cơ chế
Theo ông Lê Vinh Danh, điều khó hiện nay là đang thiếu cơ chế để thuê và cho thuê hiệu trưởng ĐH.
"Khi có cơ chế, một trường ĐH có thể sang trường khác để thuê người về làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Việc thuê này được thực hiện theo hợp đồng, trong một thời gian nhất định. Như vậy mới là cơ chế nhân sự của ĐH tự chủ đúng nghĩa, còn hiện nay còn đang nặng nề chuyện biên chế, công chức, viên chức, cán bộ nên rất khó.
Ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng việc thuê hiệu trưởng là hoàn toàn đúng và cần thiết - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Chỉ có tự chủ và chuyển sang chính sách thuê mới tận dụng được nhân lực giỏi, có kinh nghiệm quản trị ĐH.
Phải nên áp dụng cơ chế thuê hiệu trưởng, hiệu phó để điều hành trường ĐH. Vấn đề là chúng ta cần phải làm thật minh bạch, có hệ thống pháp quy cho việc này thì hệ thống trường ĐH lúc đó sẽ rất tự chủ.
Người đi thuê khi đó không còn bị giới hạn tuổi tác, nhiệm kỳ mà chỉ cần điều kiện quản trị ĐH tốt, hiệu trưởng làm cho nhà trường phát triển tốt, tiếp tục được thăng hạng dứt khoát sẽ được thuê. Người 80 tuổi cũng có thể thuê làm hiệu trưởng được.
Ngược lại, nếu làm thất bại thì sau 1, 2 năm dừng hợp đồng, không thuê nữa. Lúc đó ĐH mới linh hoạt, cơ động, đáp ứng mọi nhu cầu xã hội" - ông Danh khẳng định.
Đáng lo ngại
"Một trường ĐH mà không có ai đủ chuẩn hiệu trưởng thì thật đáng lo ngại. Các tiêu chuẩn hiệu trưởng đã được pháp luật quy định rõ ràng, cần phải tuân thủ, tránh tình trạng vượt rào trở thành tiền lệ không tốt cho nền giáo dục. Không biết từ bao giờ cho phép các cơ quan lại hiểu luật theo ý của mình đến như vậy. Đã đến lúc những người không đủ chuẩn tối thiểu theo quy định cần phải biết từ chối, không nên mặc cái áo quá rộng" - một tiến sĩ luật Trường ĐH Luật TP.HCM nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận