06/12/2016 08:11 GMT+7

Thực phẩm kiểm tra an toàn, chưa chắc sạch?

LAN ANH - LÂM HOÀI - 
ĐÌNH DÂN
LAN ANH - LÂM HOÀI - 
ĐÌNH DÂN

TTO - Không chỉ quy chuẩn môi trường “có vấn đề” mà tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thực phẩm, nhà ở cũng vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều quy chuẩn có cũng như không vì bị vi phạm nhiều...

Hoa quả Trung Quốc được các cơ quan kiểm tra ở cửa khẩu khẳng định an toàn mới được vào VN. Tuy nhiên theo các chuyên gia, để phát hiện tất cả các loại hóa chất có thể có trong rau củ là không đơn giản. Trong ảnh: Bưởi vàng Trung Quốc được chuyển từ xe container của Trung Quốc tại Pò Chài sang xe tải chở về Hà Nội tiêu thụ - Ảnh: Vân Trường

Nhiều người dân, cả các chủ đầu tư bất động sản “phát bệnh” vì các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các dự án nhà ở. Còn nhiều loại thực phẩm cứ kiểm tra là… an toàn vì thiếu quy chuẩn, danh mục chưa cập nhật.

Dễ “an toàn” nếu ngoài danh mục

Cũng bức xúc về vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn, ngày 5-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, một viện trưởng viện nghiên cứu về thực phẩm tại Hà Nội cho biết vì thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn nên nhiều khi cứ kiểm tra là có kết quả an toàn...

Từ câu chuyện một quả lê Trung Quốc để 5 tháng vẫn... bình thường, vị viện trưởng nhắc lại một cuộc tổng kiểm tra chất lượng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc do Bộ Y tế thực hiện với mẫu lấy tại cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và ngay tại chợ Long Biên, Hà Nội. Kết quả không phát hiện bất kỳ điều gì bất thường.

Bà Trần Việt Nga (phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế):

Đang xây dựng danh mục

Hiện hai bộ Y tế, NN&PTNT đang phối hợp xây dựng dự thảo danh mục thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y được phép sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt và tồn dư trong thực phẩm. Với danh mục phụ gia thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành danh mục và sẽ cập nhật hằng năm. Trường hợp chưa có trong danh mục cho phép của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế thì VN áp dụng danh mục của EU, Mỹ và các nước phát triển...

Tuy nhiên, theo vị viện trưởng này, thời điểm lấy mẫu có khoảng 2.000 loại hoạt chất bảo vệ thực vật được sử dụng, nhưng kiểm nghiệm không thể phát hiện tất cả 2.000 hoạt chất trên, mà phải xác định được hóa chất sử dụng bảo quản trái cây mới kiểm nghiệm để xác định mức độ tồn dư. Đó là chưa kể các trường hợp sử dụng hóa chất ngoài danh mục theo quy định là không phải kiểm tra. “Nên hầu hết các cuộc kiểm tra đều có kết quả là không phát hiện bất thường, nhưng thực tế là chưa kiểm tra được” - vị viện trưởng nói.

Hàm lượng phenol, xyanua trong hải sản cũng chưa có quy định. Tháng 5-2016, khi phát hiện hai chất trên trong hải sản, Bộ Y tế bảo dùng được trong khi Sở Y tế Quảng Trị lại khẳng định cá nhiễm phenol là độc.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cũng cho biết hiện có khoảng 1.600 hoạt chất, hỗn hợp hoạt chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở VN, nhưng có tới trên 4.000 tên thương phẩm. Về nguyên tắc, nếu có đủ chất thử và phương pháp thử đúng thì sẽ phát hiện được các hóa chất này.

Tuy nhiên, ông Hồng nêu hiện nếu phát hiện một hóa chất vượt ngưỡng, cơ quan chức năng có thể xử lý nhưng có trường hợp dùng 2-3, thậm chí nhiều hơn các loại hóa chất, tính riêng rẽ không loại nào vượt ngưỡng (nhưng tổng cộng tồn dư lại ở mức cao) thì lại không có quy định để xử lý. “Như mới đây, kiểm nghiệm phát hiện tại một quán bia nổi tiếng ở Hà Nội có rau cải chuẩn bị phục vụ khách có 3 loại hóa chất” - ông Hồng nói.

Ảnh hưởng đến kinh tế, sinh mạng con người

Trong lĩnh vực xây dựng, không chỉ thiếu quy chuẩn mà còn có tình trạng chủ đầu tư... kiên quyết phớt lờ tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Ngày 5-12, đến tòa chung cư mà 50 hộ gia đình vừa dọn vào ở tại quận 8, TP.HCM, anh Đoàn, một cư dân, khẳng định đã phải chờ nhà quá lâu nên khi chủ đầu tư bàn giao nhà là vào ở dù biết nguy hiểm. “Chưa nói đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế xây dựng mà nhiều cam kết với khách hàng họ cũng chưa thực hiện” - anh Đoàn nói.

Từ tháng 6-2013, Bộ Xây dựng đã ban hành hướng dẫn về “chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà cao tầng”, trong đó về chỉ tiêu chỗ đỗ xe, bắt buộc 100m2 diện tích sử dụng căn hộ phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (với nhà ở thương mại) và 12m2 chỗ để xe (với nhà ở xã hội). Tuy nhiên thực tế, nhiều chung cư cao tầng tại TP.HCM và Hà Nội hiện nay đều không áp dụng hoặc không thể áp dụng.

Chị Nguyễn Ngọc Diễm, chủ nhân căn hộ 70m2 tại một dự án ở quận 2, TP.HCM, phản ảnh hầm đậu xe ở đây chỉ được... một góc quy định, không đủ để chứa xe của cư dân. Có mặt tại các khu tập trung chung cư cao cấp tại Hà Nội như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, các chung cư ở đường Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng... thực tế khảo sát cũng cho thấy hầu hết không hề đáp ứng tiêu chí này.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành đầu năm 2015 cũng quy định tại các công trình xây dựng chung cư phải đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận được công trình công cộng, đặc biệt phải dành ít nhất 2% chỗ đỗ môtô ba bánh, xe lăn để người khuyết tật vận động. Tuy nhiên, cơ bản các khu chung cư dù mới xây đều “quên” quy định này.

PGS.TS Trần Chủng, nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, công nhận bên cạnh việc nhiều quy chuẩn không được thực hiện thì hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng ở VN còn “hỗn độn”. Có quá nhiều tiêu chuẩn VN đã cũ và lạc hậu. Thực tế, theo ông Chủng, các tiêu chuẩn VN gần đây thường được biên soạn hay biên dịch lại, xuất phát từ việc tham khảo tiêu chuẩn của nhiều quốc gia khác nhau như Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc...

Trong đó, một quy chuẩn đặc biệt quan trọng về an toàn cháy mà Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 rất công phu với 102 trang, quy định chi tiết về vật liệu, biện pháp thi công nhưng nhiều chủ đầu tư... không thực hiện. Như quy định về tường, vách, sàn ngăn cháy thì thực tế vụ cháy khu đô thị Xa La (Q.Hà Đông) hồi cuối năm 2015, sau khi đám cháy đã thiêu rụi hơn 1.000 ôtô, xe máy của dân, chủ đầu tư mới cho thi công tường ngăn cháy...

Quy chuẩn về PCCC cũng quy định rất chặt chẽ về đường ống cấp nước chữa cháy, nguồn cấp nước dự phòng. Tuy nhiên mới đây, khi xảy ra cháy ở tòa chung cư Rainbow (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), lực lượng cứu hỏa đấu nối đường ống vào họng cứu hỏa để dập lửa thì vòi phun ra toàn... bùn đen. Quy định về bố trí các thang chữa cháy ngoài nhà cũng hiếm chủ đầu tư nào tuân thủ.

Để đảm bảo an toàn cho người dân và xã hội, ngoài việc cần hoàn thiện quy chuẩn, ông Trần Chủng nhắc lại việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật là bắt buộc. Việc vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải buộc bồi thường. Nếu việc không tuân thủ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, sinh mạng con người... thì phải bị xử lý hình sự. “Chế tài xử lý, tôi khẳng định là đã rất mạnh và đầy đủ. Xử lý ra sao là trách nhiệm của cơ quan quản lý” - ông Chủng nói.

Ông Hoàng Hải (phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng):

Đang hoàn thiện

Với hành vi vi phạm về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chế tài xử lý được áp dụng theo các quy định trong nghị định 121 ban hành năm 2013. Công trình đưa vào sử dụng mà phát hiện sai thì quá trình thẩm định chưa tốt hoặc do chủ đầu tư cố tình làm sai. Nếu xảy ra trường hợp này thì vẫn còn một bước nữa đó là nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Thực tế vẫn có chủ đầu tư cố tình chây ì, phớt lờ cơ quan chức năng để đưa công trình vào sử dụng.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng cần phải sát với thực tế, có thể ở thời kỳ này là cần thiết và phù hợp nhưng thời kỳ sau thì cần phải điều chỉnh cho hợp lý hơn. Hiện Bộ Xây dựng đang hoàn thiện để ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng để đưa vào áp dụng.

LÂM HOÀI ghi

LAN ANH - LÂM HOÀI - 
ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên