07/04/2025 09:08 GMT+7

Thực phẩm bổ sung không thể thay thế chế độ ăn lành mạnh

Alice Levitt, cây bút trên trang Eating Well, chia sẻ trải nghiệm của chính bản thân khi uống hơn 20 loại thực phẩm bổ sung mỗi ngày. Cô muốn khỏe hơn, nhưng thực tế lại bệnh nặng hơn.

Thực phẩm bổ sung không thể thay thế chế độ ăn lành mạnh - Ảnh 1.

Người tiêu dùng đang bị bủa vây bởi những cuộc trò chuyện về thực phẩm bổ sung hằng ngày - Ảnh minh họa tạo bởi AI

Levitt mắc bệnh Lyme (một căn bệnh viêm nhiễm do bọ ve đốt) và sau đó gặp biến chứng về thần kinh. Thời điểm bệnh trở nặng, một bác sĩ đã kê cho Levitt hàng loạt thực phẩm bổ sung và cam đoan rằng cách này giúp cô đi lại được, phục hồi chức năng nhận thức đang suy giảm.

Thực phẩm bổ sung không thể thay thế bữa ăn

"Cuối cùng, hóa ra việc bổ sung liều cao các loại vitamin mà tôi đã có thể hấp thu qua thực phẩm lại khiến tôi bệnh nặng hơn", cô viết.

Theo Levitt, người tiêu dùng đang bị bủa vây bởi những cuộc trò chuyện về thực phẩm bổ sung hằng ngày. Đó có thể là những sản phẩm được những người có ảnh hưởng giới thiệu trên mạng xã hội, với đầy lời lẽ "có cánh", hoặc khéo léo xuất hiện trong nhiều chuyên mục quảng cáo. 

"Mọi người luôn tìm cách nói rằng ăn uống lành mạnh thôi là chưa đủ", cô cho biết.

Vậy thực phẩm bổ sung có thể hữu ích khi dùng đúng cách không? Hay chúng ta nên tập trung vào chế độ ăn cân bằng để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể? Khoa học nói gì về những nguy cơ thực sự của việc dùng quá nhiều thực phẩm bổ sung?

Levitt đã trò chuyện với một chuyên gia dinh dưỡng để hiểu rõ hơn, tránh những sai lầm trong ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung đang bùng nổ nhưng thiếu kiểm soát hiện nay.

Về cơ bản, thực phẩm bổ sung là bất cứ thứ gì bạn tiêu thụ mà không phải là thức ăn hay thuốc. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thực phẩm bổ sung có thể bao gồm vitamin (như A, B, C và D), thảo dược, hợp chất thực vật (như bột rau xanh), khoáng chất (như canxi, magiê), thậm chí là vi sinh vật sống - thường được gọi là "probiotic".

"Nếu thật sự có thiếu hụt thì việc bổ sung là hợp lý. Nhưng thực phẩm bổ sung không nên thay thế một chế độ ăn lành mạnh", Beth Czerwony, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Dinh dưỡng con người của Hệ thống Cleveland Clinic (Ohio), giải thích.

Nói cách khác, thực phẩm bổ sung không thể và không nên thay thế bữa ăn, hay cả thuốc men. Chính cái tên của chúng đã nói lên điều đó.

Tuy nhiên, bác sĩ David W. Victor III, trưởng bộ môn gan tại Bệnh viện Houston Methodist (Texas), nói rằng cũng đừng xem nhẹ tác động của chúng: "Mỗi loại thực phẩm bổ sung đều có thể được coi là một dạng thuốc, vì chúng là những chất được sử dụng với mục đích điều trị".

Uống nhiều thực phẩm bổ sung chưa chắc tốt

Trong khi một số thực phẩm bổ sung có thể gây nguy hiểm do tương tác với thuốc hoặc do các vấn đề sức khỏe nền, thì thường độc tính của chúng xuất hiện khi dùng quá liều.

Bác sĩ John W. Downs, giám đốc Trung tâm Chống độc Virginia (VCU Health), nói: "Cũng như thuốc, uống nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Việc dùng quá liều vitamin và thực phẩm bổ sung có thể gây hại tương tự như dùng thuốc vượt liều quy định".

Mặc dù nhiều người không nhận đủ vitamin D từ thực phẩm, nhưng việc dùng quá mức có thể dẫn đến rối loạn chức năng thận. Một ví dụ khác là trà xanh. Chiết xuất trà xanh, nổi tiếng với đặc tính chống oxy hóa, cũng có thể gây tổn thương gan khi dùng quá mức. Liều nguy hiểm được cho là trên 800mg mỗi ngày, tương đương 24 tách trà xanh.

Theo bà Czerwony, thông thường triệu chứng của dùng quá liều là buồn nôn hoặc nôn mửa. Một số người bị tiêu chảy, đau đầu. Rối loạn tiêu hóa và đau đầu là các triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng nhiễm độc mãn tính, nhưng triệu chứng sẽ khác nhau tùy vào từng loại thực phẩm bổ sung.

Nếu bạn đang dùng thuốc kê toa, các chuyên gia đều đồng ý rằng có thể xảy ra các tương tác nghiêm trọng.

"St. John's wort (cây Ban Âu - PV) có thể tương tác với các loại thuốc chống trầm cảm khác, gây ra tình trạng gọi là ngộ độc serotonin, có thể đe dọa tính mạng", bác sĩ Downs nói thêm.

Thảo dược này cũng làm giảm hiệu quả của kháng sinh. Đây là đặc điểm chung của nhiều loại thực phẩm bổ sung, bao gồm magiê, canxi, sắt và các vitamin A, C, D. Không chỉ kháng sinh, một số thuốc điều trị ung thư cũng có thể bị giảm tác dụng nếu người bệnh dùng kèm các loại bổ sung để "tăng miễn dịch".

Downs khuyên nên chọn thực phẩm bổ sung từ những thương hiệu uy tín, và hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về liều dùng phù hợp. "Nếu quảng cáo thực phẩm bổ sung nghe có vẻ quá tốt thì bạn nên nghi ngờ", ông cảnh báo.

Thực phẩm bổ sung không thể thay thế chế độ ăn lành mạnh - Ảnh 2.Tại sao đậu đen là thực phẩm bổ sung tuyệt vời?

Theo báo USA Today, gần đây một số người dùng mạng xã hội đang lan truyền nỗi lo về nguy cơ từ việc ăn các loại đậu, bao gồm đậu đen.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên