05/05/2016 07:47 GMT+7

Thúc đẩy thượng tôn pháp luật ở Biển Đông

QUỲNH TRUNG thực hiện (trungpq@tuoitre.com.vn)
QUỲNH TRUNG thực hiện (trungpq@tuoitre.com.vn)

TTO - Hôm nay (5-5), Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. Nhân dịp này, ông đã trả lời phỏng vấn riêng với báo Tuổi Trẻ.

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) và Bộ trưởng Fumio Kishida trong cuộc gặp tại Hà Nội năm 2014 - Ảnh tư liệu
Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) và Bộ trưởng Fumio Kishida trong cuộc gặp tại Hà Nội năm 2014 - Ảnh tư liệu

 

 

* Thưa Ngoại trưởng Fumio Kishida, những lĩnh vực hợp tác nào giữa hai nước có được bước tiến quan trọng thời gian qua?

- Tôi đã nhiều năm đảm nhận vai trò tổng thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt và hết sức vui mừng khi có chuyến thăm lần thứ hai tới Việt Nam, một đất nước tôi có tình cảm gắn bó, trên cương vị bộ trưởng ngoại giao.

Chuyến thăm lần trước của tôi vào tháng 7-2014, được thực hiện ngay sau khi hai nước nâng tầm quan hệ hợp tác lên “Đối tác chiến lược sâu rộng” vào tháng 3-2014.

Thời gian qua, hợp tác giữa hai nước đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực đúng như tên gọi của nó, đồng thời mối quan hệ tin cậy lẫn nhau càng trở nên sâu sắc hơn.

Trong chuyến thăm lần này, tôi dự kiến sẽ gặp các vị lãnh đạo mới để một lần nữa củng cố và phát triển mối quan hệ tin cậy với Việt Nam. Thời gian vừa qua, hợp tác giữa hai nước đã có những tiến triển to lớn không chỉ trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, mà cả ở lĩnh vực an ninh biển.

Theo những kết quả đạt được thời gian qua, tôi hi vọng sẽ trao đổi thẳng thắn với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các vị lãnh đạo mới của Việt Nam.

Đặc biệt, cần phải thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới sự phát triển của Việt Nam, quốc gia đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển chung của tiểu vùng sông Mekong, hai nước sẽ tổ chức phiên họp của Ủy ban Hợp tác Nhật - Việt nhằm tăng cường quan hệ kinh tế song phương bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, nông nghiệp, môi trường và biến đổi khí hậu.

Tôi cho rằng Nhật Bản mong muốn khẳng định hai nước sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong các diễn đàn khu vực như Hội nghị ngoại trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan, Hội nghị cấp cao ASEAN cũng như vấn đề an ninh biển nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế.

* Xin ông cho biết chính sách của Nhật trong vấn đề ODA (viện trợ phát triển chính thức) đối với Việt Nam? Theo ông, Việt Nam cần làm gì để sử dụng vốn vay ODA của Nhật một cách hiệu quả?

- Quan hệ hai nước hiện nay đã chín muồi và đang đi vào chiều sâu. Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam trên cả hai phương diện “phần cứng” và “phần mềm” như cải thiện hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... và việc hai nước liên kết chặt chẽ xúc tiến các dự án hợp tác thông qua dự án ODA là điều quan trọng để hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của Việt Nam với vai trò là quốc gia dẫn dắt cho sự phát triển của khu vực Mekong thời gian tới.

Trong khuôn khổ “Đối tác hạ tầng chất lượng cao” đã công bố vào tháng 5 năm ngoái, Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng hạ tầng giúp tăng cường tính kết nối của tiểu vùng sông Mekong, đồng thời giúp ích cho người dân Việt Nam như là cầu Nhật Tân tượng trưng cho quan hệ hữu nghị Nhật - Việt.

Ngoài ra, do đào tạo nguồn nhân lực có tầm quan trọng tương đương với cải thiện hạ tầng để thực hiện phát triển kinh tế bền vững, trong khuôn khổ “Sáng kiến hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp” mà Nhật đã khởi xướng vào tháng 11 năm ngoái, toàn thể chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân Nhật sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực công nghiệp góp phần cho Việt Nam hoàn thành chiến lược công nghiệp hóa đã đề ra.

Tôi rất mong Việt Nam sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ thông qua viện trợ ODA của Nhật với hình thức làm sao để Việt Nam đạt được sự phát triển hơn nữa, đồng thời sự phát triển của Việt Nam có thể lan tỏa ra các nước khác.

* Liên quan vấn đề Biển Đông, sự hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Nhật hiện nay ra sao? Vấn đề Biển Đông được đề cập trong các cuộc họp của nhóm G7 như thế nào?

- Việt Nam là đối tác quan trọng trong cộng đồng quốc tế chia sẻ giá trị chung về thượng tôn pháp luật với Nhật. Ngoài ra, Việt Nam nằm ở khu vực hết sức quan trọng đối với an ninh khu vực, xuất phát từ vị trí nằm trên tuyến đường vận tải trên biển của Nhật.

Với quan điểm thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật trên biển, Nhật đang hợp tác nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Cụ thể trong chuyến thăm đầu tiên của tôi, Nhật đã cam kết cung cấp 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng cho Việt Nam và hiện nay đã bàn giao xong.

Trong chuyến thăm Nhật của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9 năm ngoái, Nhật cũng đã cam kết sẽ cung cấp thêm tàu đã qua sử dụng và cũng đang chuẩn bị cung cấp tàu tuần tra đóng mới cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhật cũng đang thực hiện hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực như tiếp nhận cán bộ của Việt Nam, trong đó có cơ quan như Cảnh sát biển Việt Nam, sang đào tạo tại Nhật.

Đối với vấn đề Biển Đông, tôi cho rằng việc thực thi thượng tôn pháp luật là quan trọng. Vì vậy trong bài phát biểu tại Bangkok vào ngày 2-5, tôi đã khẳng định lập trường của Nhật về vấn đề Biển Đông dựa trên quan điểm tăng cường trật tự khu vực trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Trong Hội nghị ngoại trưởng G7 tại thành phố Hiroshima hôm 11-4, các bên đã khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết giữa các nước G7 nhằm bảo đảm và thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển.

* Giữa hai nước có triển vọng hợp tác gì trong vấn đề chống biến đổi khí hậu?

- Tôi sẽ đề cập các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cuộc hội đàm trong chuyến thăm Việt Nam lần này.

Hiện nay, Nhật đang hỗ trợ vốn vay để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện hỗ trợ chính sách góp phần giúp Việt Nam đối phó với tình trạng hạn hán như vận hành các hồ, đập trữ nước một cách phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt.

Tôi mong muốn thảo luận với phía Việt Nam cả về việc vận dụng hơn nữa những khuôn khổ hỗ trợ này.

Ngoài ra, việc đối phó với xâm nhập mặn cũng rất quan trọng. Tôi mong muốn cùng với phía Việt Nam chia sẻ nhận thức một cách chặt chẽ và xem xét phương án hợp tác cụ thể.

QUỲNH TRUNG thực hiện (trungpq@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên