13/01/2023 20:34 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu xử lý sai phạm, tổ chức lại đăng kiểm

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rút kinh nghiệm, xử lý những sai phạm, đồng thời thay đổi cách làm để không xảy ra tiêu cực trong đăng kiểm.

Thủ tướng yêu cầu xử lý sai phạm, tổ chức lại đăng kiểm - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải - Ảnh: TRẦN HUY HÙNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra chỉ đạo này tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải vào chiều 13-1.

Không để đăng kiểm thành bất bình thường, ô tô xếp hàng cả đêm

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải nắm chắc vấn đề, chỉ đạo điều hành quyết liệt, toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành trong năm 2022; hoàn thành sớm các quy hoạch ngành; là một trong những bộ giải ngân cao nhất; hoàn thành và khởi công nhiều dự án trong thời gian chuẩn bị rất ngắn…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đánh giá bộ còn có những điều chưa làm được, nhức nhối, kéo dài nhiều năm. Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo bộ xử lý bình tĩnh nhưng cương quyết, chắc chắn, khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập thời gian qua.

"Vụ tiêu cực trong đăng kiểm ô tô không hiểu sao sinh ra một cơ chế để sinh ra tiêu cực. Bây giờ không bắt thì không được, bị bắt thì cũng rất khổ, công an mất nhiều thời gian công sức, rồi xét xử cũng mất nhiều thời gian công sức, mất người, mất uy tín. 

Tôi đề nghị các đồng chí phải rút kinh nghiệm tổ chức lại đăng kiểm ô tô không để một cái rất bình thường tạo ra một cái bất bình thường khi ô tô xếp hàng mấy tiếng, cả đêm... Cái này phải rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc xử lý những sai phạm, đồng thời có tư duy, cách nghĩ cách làm mới không để tình trạng này xảy ra" - Thủ tướng yêu cầu.

"BT chả có tội tình gì..." 

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ vướng mắc pháp lý liên quan đến các dự án BOT và BT. Theo Thủ tướng, chính sách phải nhất quán, nếu thay đổi chính sách thì phải có khoản chuyển tiếp để nhà đầu tư tiếp tục làm.

"Cố gắng làm, để đề xuất với Bộ Chính trị khởi động lại đầu tư BT để có nguồn lực đầu tư. Chúng ta huy động tối đa khả năng đầu tư công mới được 500.000 tỉ đầu tư hệ thống giao thông trong nhiệm kỳ này. 

Nhưng nguồn lực từ xã hội rất lớn, chủ trương của Đảng nói rất rõ đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội. Muốn kích hoạt phải có cơ chế. BT chả có tội tình gì, chỉ mấy ông thực hiện có tội tại sao phải kết liễu nó? Cả thế giới vẫn làm BT, chúng ta làm chưa tốt" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các dự án phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, phải làm minh bạch và trong sáng vì cái chung.  Một số dự án, trong đó có sân bay Long Thành, đấu thầu không xong phải đấu thầu lại thì phải đi thanh tra, kiểm tra, điều tra lại mất nhiều công sức, mất người, mất của, mất uy tín.

Thủ tướng nhấn mạnh không nên chia nhỏ dự án, gói thầu làm dàn trải: "Một dự án đường cao tốc 5 - 10 ngàn tỉ đồng là chuyện bình thường, chia ra 2 - 3km/gói thầu đi kiểm tra rối cả đầu. 

Có 10km mà 3 nhà thầu thì phải 3 thủ tục, 3 ông tư vấn giám sát, tổ chức thi công 3 ông có khớp nhau không. Bộ Giao thông vận tải phải thay đổi  tư duy, dự án lớn phải làm lớn, ông nào có đủ năng lực thì mời vào, đấu thầu quốc tế sòng phẳng".

Với các ban quản lý dự án, Thủ tướng lưu ý đừng để đấu thầu xong rồi bán đến nhiều cấp. Khi xảy ra tai nạn hay sự cố thì nhà thầu là F5, quay lại tìm không thấy F1. 

"Các ban quản lý dự án phải xem lại, rút kinh nghiệm. Những cái làm được tôi đã nói rồi nhưng cái này phải rút kinh nghiệm, không chia be bét dự án ra, phải dứt khoát dẹp bỏ để tránh tiêu cực, tham nhũng ở đây" - Thủ tướng đề nghị.

"Các trung tâm đào tạo lái xe cứ để tư nhân làm"

Với dự thảo luật đường bộ, Thủ tướng nói: "Ta cứ băn khoăn mãi một luật thành hai luật, Bộ Giao thông vận tải chỉ kiểm soát phần hạ tầng, còn Bộ Công an kiểm soát phần người và phương tiện.

Các đồng chí làm sao để luật đường bộ, phần các đồng chí là xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng đúng chuyên môn, còn di chuyển trên đường có cảnh sát giao thông rồi, các đồng chí làm không hết được. Cần làm rõ và nhanh chóng có luật. Đừng nghĩ liên quan đến đăng kiểm, đào tạo lái xe thì phải nhà nước làm. Cái nào nhân dân làm tốt hơn thì giao cho người ta, giữ làm gì". 

Theo Thủ tướng, các trung tâm đào tạo lái xe cứ để tư nhân làm, quản lý nhà nước thiết kế công cụ kiểm tra giám sát để nhà nước đỡ làm, đỡ tiêu cực.

Thủ tướng cũng yêu cầu tránh tiêu cực trong điều hành vận tải. "Slot (giờ cất, hạ cánh - PV) ở các sân bay hiện nay có tiêu cực. Tôi nói thẳng, tranh nhau slot, tại sao có anh tập trung vào giờ tốt, tại sao có anh không được, tại sao chỉ ưu tiên một số hãng, có hãng không được ưu tiên. 

Chỗ này phải làm sao cho bình đẳng, tránh tiêu cực, mất sĩ diện, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất. Cứ để cái gì bao cấp, quyền anh, quyền tôi, xin cho là tiêu cực, làm sao trong hoạt động vận tải để thị trường điều tiết, dừng can thiệp điều tiết vào thị trường. Xin - cho thì sẽ tiêu cực, không sờ vào thì thôi, sờ vào thì chết" - Thủ tướng nhận định.

Đường sắt tốc độ cao làm 200km/h là vừa

Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ này Chính phủ vẫn tập trung nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc. Mục tiêu đề ra là tất cả các địa phương đều phải cao tốc, tăng kết nối vùng, phát triển kinh tế. Nhiệm kỳ sau sẽ tập trung đầu tư đường sắt.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải triển khai quyết liệt nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao. "Trước đây ta định làm đường sắt cao tốc thì khó, vốn lớn, thực chất chưa cần thiết. Làm đường sắt tốc độ 200km/h từ Hà Nội vào TP.HCM đi 8 tiếng là được. 8h tối đi từ Hà Nội, 6h sáng đến TP.HCM vừa đẹp, đánh răng rửa mặt, làm tô hủ tiếu rồi đi làm. Thế là vừa với chúng ta", Thủ tướng bày tỏ quan điểm.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đường sắt từ TP.HCM tới Cần Thơ trước. Thủ tướng gợi ý tuyến đường sắt này cứ thẳng tắp mà làm, qua sông thì bắc cầu, qua ruộng thì đổ đất, đổ cát, tìm hướng tuyến thẳng nhất vừa tránh thị trấn, thị tứ khiến giải phóng mặt bằng vất vả, vừa tạo không gian phát triển mới.

Trước đó, báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu một số thành tích và tồn tại hạn chế của ngành giao thông vận tải trong năm 2022. Trong đó bộ đã trình và được Quốc hội thông qua 6 dự án quan trọng quốc gia; triển khai hoàn thành 22 dự án, khởi công 18 dự án.

Đến hết năm 2022, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được 47.905 tỉ đồng, đạt khoảng 87% kế hoạch (bình quân cả nước 75%), dự kiến hết năm tài chính sẽ giải ngân được 95,5% kế hoạch được giao.

Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến Bộ Công an gỡ vướng cho đăng kiểmBộ Giao thông vận tải xin ý kiến Bộ Công an gỡ vướng cho đăng kiểm

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Công an xin ý kiến về phương án giải tỏa ùn tắc tại các đơn vị đăng kiểm xe, phục vụ nhu cầu cấp thiết của nhân dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên