Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo - Ảnh: VGP
Vấn đề bạo lực học đường đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra ngay khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2019 sáng nay 2-4.
"Đây có phải vấn đề báo động không? Bộ Giáo dục - đào tạo trách nhiệm ra làm sao, cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào? Các đoàn thể, cơ quan có chức năng, trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Sau đó, phát biểu trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường, có hành vi xâm hại trẻ em. Người quản lý cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, nếu để xảy ra vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm.
"Chúng ta cần xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được chuyện này", bộ trưởng Dung cho biết Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng Bộ Giáo dục - đào tạo lập các đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm trong vấn đề này.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thì cho rằng dù đã có nhiều văn bản pháp quy về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm.
Nhất trí với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng tình trạng bạo lực học đường gia tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nhận thức, cần xử lý nghiêm để răn đe, lập lại kỷ cương.
Ông Nhạ cho biết gần đây Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị, theo đó nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẽ bị đưa ra khỏi ngành.
Bộ trưởng Nhạ nói đã có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ, theo đó chính quyền địa phương các cấp cũng cần cụ thể hóa thành các nhiệm vụ chi tiết.
"Tuy nhiên, một số địa phương chưa sâu sát vấn đề này. Công tác giáo dục văn hóa, phòng chống bạo lực học đường cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì mới hiệu quả", ông Phùng Xuân Nhạ cho biết tới đây Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với một số bộ, ngành thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra và xây dựng các chương trình về tâm lý học đường, hóa giải các bức xúc, những vấn đề về đạo đức nhà giáo…
Trao đổi với các vị trưởng ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện đúng Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các địa phương về quản lý giáo dục - đào tạo đối với các vi phạm này.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí nêu đúng, nêu đủ, không làm phức tạp tình hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận