Khi đồng hồ nhích dần về những phút cuối của ngày 21-9 ở Việt Nam, buổi sáng cùng ngày tại New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp 6 giáo sư, chuyên gia của các trường đại học hàng đầu của Mỹ về kinh tế và xã hội Việt Nam.
6 giáo sư chuyên gia tham gia cuộc tọa đàm với Thủ tướng là những người am hiểu về kinh tế, xã hội Việt Nam thuộc ba trường nổi tiếng Mỹ là Trường Harvard Kennedy, Trường Columbia và Trường đại học Yale.
Góp mặt và cho ý kiến còn có tỉ phú gốc Việt Chính Chu vốn được báo Mỹ đặt cho biệt danh "Người đàn ông đáng gờm" của Phố Wall.
Cuộc gặp kéo dài hơn 90 phút với các khuyến nghị rất sát với thực tiễn Việt Nam và được Thủ tướng đánh giá cao, trân trọng ghi nhận.
6 chuyên gia Mỹ đối thoại với Thủ tướng
1. Giáo sư Anthony Saich - giám đốc Viện Nghiên cứu Rajawali về châu Á, Trường Harvard Kennedy
2. Ông Thomas Vallely - giám đốc Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard
3. Giáo sư David Dapice - Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy
4. Giáo sư Shang-Jin Wei - Đại học Columbia
5. Ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright Việt Nam, cán bộ nghiên cứu Rajawali, Trường Harvard Kennedy
6. Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng - Đại học Columbia
Việt Nam sẵn sàng học hỏi
"Chúng tôi coi trọng trao đổi, học hỏi để nâng tầm tư duy", Thủ tướng bày tỏ với các học giả và mong nhận được góp ý của các giáo sư, học giả cho những vấn đề trước mắt lẫn tương lai.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết đang tập trung cho tăng trưởng, các ngành sản xuất đặc biệt là sản xuất chip bán dẫn, cải thiện môi trường đầu tư.
Ngồi cạnh Thủ tướng, ông Thomas Vallely - giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy - đánh giá Việt Nam đã làm rất tốt trong nhiều vấn đề khủng hoảng, như trong đại dịch COVID-19. Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực mới nổi.
Dù chưa có kinh nghiệm nhưng Việt Nam đã chủ động tìm hiểu, kết nối và mở cơ hội hợp tác với tất cả các nước, trong đó có Mỹ.
Giáo sư Anthony Saich - giám đốc Viện nghiên cứu Rajawali về châu Á thuộc Trường Harvard Kennedy - đánh giá vai trò của Việt Nam trong sự dịch chuyển kinh tế, thương mại toàn cầu.
"Việt Nam đã thúc đẩy tự do hóa thương mại", ông Saich khẳng định và cho rằng nội lực Việt Nam vẫn rất tiềm năng.
Bối cảnh thế giới hiện nay, theo ông Saich, đang đặt ra nhiều câu hỏi cho Việt Nam để đảm bảo lợi ích kinh tế, dung hòa giữa các mối quan hệ. Thách thức trong ngắn hạn với Việt Nam là môi trường kinh tế toàn cầu vẫn chậm lại.
Ông khuyến nghị Việt Nam xem xét cải thiện môi trường đầu tư, huy động tài chính từ đó tăng khuyến khích đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực chất bán dẫn và tạo lập môi trường ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Tăng hàm lượng tri thức trong hàng xuất khẩu
Giáo sư David Dapice đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tốc độ hội nhập kinh tế thế giới nhanh và mạnh nhất thế giới. Điều đó đem lại nhiều lợi thế nhưng cũng khiến Việt Nam dễ bị tác động khi có biến động.
Ông khuyến nghị Việt Nam cần tập trung nhiều hơn cho lực lượng lao động, trang bị kỹ năng của họ từ những điều cơ bản để tăng tính cạnh tranh với các nước khác trong khu vực và đón đầu xu thế dịch chuyển thương mại.
Vị giáo sư Harvard khẳng định Việt Nam có lợi thế thu hút FDI, song việc chỉ sản xuất hàng xuất khẩu da giày hay dệt may không đem lại giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ thấp.
Để có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng, ông Dapice khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng hàm lượng tri thức và công nghệ trong các mặt hàng xuất khẩu.
Muốn làm được điều đó, theo giáo sư Mỹ, Việt Nam cần liên kết với các nguồn lực có sẵn, các doanh nghiệp hay viện nghiên cứu của thế giới.
Với công cuộc chống tham nhũng, giáo sư Dapice góp ý Việt Nam cần xác định rõ những gì chấp nhận được và không thể chấp nhận được.
"Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng chấp nhận rủi ro để được việc. Đây cũng là một điều đáng lo ngại", ông nêu thực trạng.
Liên kết và chọn chip tiên tiến để tăng giá trị
Cũng có mặt tại tọa đàm, tỉ phú gốc Việt Chính Chu khẳng định tương lai nền kinh tế Việt Nam rất xán lạn nhưng đây là lúc Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa trong lựa chọn hợp tác chứ không phải chậm lại.
Ông khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Mỹ trong những ngành có giá trị cao như công nghệ bán dẫn, hướng tới vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng.
"Việt Nam không cần sản xuất những thứ như tivi, máy rửa bát mà cần hợp tác với Mỹ để sản xuất chip bán dẫn", ông gợi ý và khuyên Việt Nam lựa chọn đầu tư loại chip tiên tiến để tăng giá trị, mở rộng hợp tác với các nước EU như Anh, Đức, Pháp.
Ông Chính Chu cũng gợi ý Việt Nam có thể tham khảo mô hình của Singapore là lập quỹ đầu tư nhà nước. Quỹ Temasek của Singapore không chỉ giúp tăng lợi nhuận quốc gia bằng đầu tư ra ngoài mà còn đem lại lợi ích cho người dân.
Ông Erik Harms - trưởng khoa Đông Nam Á, Đại học Yale - thì nêu bật câu chuyện quy hoạch đô thị ở Việt Nam. "Tôi thường nghe bị quy hoạch hơn là được quy hoạch", ông Harms nêu vấn đề và cho rằng trong quy hoạch chính quyền nên lắng nghe tiếng nói của người dân trước.
Dẫn ví dụ là Singapore với sự quy hoạch tốt, giáo sư Harms tin rằng Việt Nam có thể trở thành nước dẫn đầu thế giới về quy hoạch đô thị nếu kết hợp nhiều yếu tố như ý kiến, kinh nghiệm quốc tế và công nghệ.
Việt Nam sẽ lựa chọn cái phù hợp, làm đẹp cho mình
Lắng nghe kỹ các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá những trao đổi của các giáo sư và chuyên gia hữu ích, đưa ra nhiều khía cạnh và nhiều chiều, tính phản biện cao.
"Những khuyến nghị này sẽ giúp Việt Nam đưa ra lựa chọn phù hợp với điều kiện, con người, cách thức Việt Nam hiện nay", Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam không tách rời xu thế của thế giới, mà chọn kết hợp sức mạnh bên trong lẫn bên ngoài, với quan điểm nguồn lực bên trong là lâu dài và cơ bản, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
Có những thứ Việt Nam sẽ lựa chọn để tận dụng sao cho phù hợp với tình hình quốc gia, ví dụ dân số trẻ, sự cần cù, sự cởi mở và ham hiểu biết, sự cầu thị.
Thủ tướng khẳng định dù lựa chọn phương hướng gì, cuối cùng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, con người là quyết định. Do đó phải tập trung vào đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với tình hình, yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn.
"Trong tất cả những bông hoa đẹp, phải biết chọn bông hoa nào, màu sắc nào để tôn vinh bản thân mình lên. Đó là lựa chọn của Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuộc tọa đàm trưa 21-9 (giờ New York) nằm trong loạt hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến công tác đến Mỹ từ ngày 17 đến 23-9.
Năm ngoái, trong chuyến công tác Mỹ tháng 5-2022, Thủ tướng cũng đã có cuộc gặp với các giáo sư Harvard.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận