21/08/2023 10:46 GMT+7

Tham nhũng do tiền quá lớn, kiếm quá dễ

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với TS ĐINH VĂN MINH - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ - về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua nhìn từ vụ Việt Á và "chuyến bay giải cứu".

Từ trái qua: ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và ông Phạm Xuân Thăng - Ảnh: T.L

Từ trái qua: ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và ông Phạm Xuân Thăng - Ảnh: T.L

TS Đinh Văn Minh nêu rõ với kết luận điều tra vụ Việt Á, có lẽ không chỉ ông mà nhiều người cảm thấy choáng trước các hành vi tham nhũng, tiêu cực khủng khiếp của các quan chức. Trước hết chính là số lượng tiền tham nhũng, tiêu cực quá lớn.

Nguy hiểm hơn, các hành vi vi phạm đó lại xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 rất căng thẳng trên cả nước và liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

TS Đinh Văn Minh

TS Đinh Văn Minh

Cùng với đó, trong số người vi phạm lại có những người có trọng trách rất cao như cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng...

Lẽ ra họ phải nhận thức rất sâu sắc về bối cảnh khó khăn lúc đó của cả nước, trong khi Đảng và Nhà nước tập trung mọi nguồn lực, người dân phải đùm bọc chia sẻ với nhau để qua cơn đại dịch thì họ lại tìm cách để trục lợi.

Đó là những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Lòng tham vô cùng!

* Theo dõi kết luận điều tra vụ Việt Á, ông suy nghĩ gì về các hành vi tham nhũng của các quan chức?

- Một điểm đáng chú ý mà báo chí đã nêu đó là ông Nguyễn Thanh Long - người đứng đầu ngành y tế lúc đó - còn chủ động gợi ý, yêu cầu Phan Quốc Việt (cựu chủ tịch Việt Á) phải đưa tiền để lo việc.

Ở tất cả các vụ án, vụ việc đều có những tình tiết khác nhau thể hiện vi phạm ở mức nào, có người làm cho người ta đưa tiền đến như vụ "chuyến bay giải cứu" vừa xét xử. Nhưng ở đây, cựu bộ trưởng lại chủ động nhắn thông qua thư ký để thực hiện hành vi phạm tội.

Với tất cả những gì được kết luận điều tra nêu, đây là hành vi vi phạm rất rõ ràng, trực tiếp, đặc biệt nghiêm trọng.

Dù không phải quy kết tất cả nhưng những hành vi vi phạm này là một trong các nguyên nhân khiến hậu quả đại dịch nặng nề, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng chống dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời làm hạn chế kết quả phòng chống đại dịch mà chúng ta đã rất quyết tâm thực hiện.

* Ông có thể lý giải vì sao trong lúc đại dịch căng thẳng, sức khỏe và tính mạng của người dân bị đe dọa mà các quan chức vẫn sẵn sàng nhận hối lộ, tham nhũng số tiền lớn như vậy?

- Trước hết chính là lòng tham và con người có lòng tham vô cùng. Trong vụ Việt Á có thể thấy số tiền nhận hối lộ, tham nhũng là rất lớn và những người có hành vi phạm tội đó cũng không thiếu tiền.

Tổng bí thư đã từng nói về việc những người đó có thiếu gì đâu sao mà tham thế. Tiền của những người phạm tội đó có thể nói không tiêu gì cho hết và họ nhận nhưng chưa chắc đã biết tiêu gì. Song như các nhà kinh điển từng nói rằng khi lợi ích quá lớn người ta sẵn sàng làm, kể cả bị treo cổ.

Nhưng nhìn trở lại, rõ ràng việc kiểm soát bên ngoài bằng các cơ chế, chính sách, pháp luật và bên trong, tức là ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống của những người phạm tội này đều có vấn đề. Họ có thể kiếm tiền một cách quá dễ dàng như "mỡ để miệng mèo" và chính từ đây khiến việc kiểm soát bên trong rất khó.

Nói cách khác tiền quá lớn, kiếm quá dễ, họ không kiểm soát được lòng tham của mình nên đã suy thoái, biến chất. Đây là những vấn đề cực kỳ đáng báo động mà Đảng, Nhà nước đã nhìn thấy. Đảng đã có những quy địnhrất cụ thể về chống suy thoái tưtưởng, đạo đức, lối sống trongcán bộ, đảng viên.

Đồng thời, gần đây tiếp tục mở rộng không chỉ chống tham nhũng mà chống cả tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật nhà nước để kiểm soát tốt hơn từ bên ngoài. Nhưng đồng thời không thể xem nhẹ việc kiểm soát từ bên trong và "bệnh" từ bên ngoài xâm nhập vào nên phải xây dựng được "đề kháng, vắc xin" cho cơ thể từ bên trong để chống lại.

Anh phải nhận thức được danh dự mới là điều thiêng liêng, cao cả nhất như Tổng bí thư vẫn thường nói. Chỉ khi nào đức lớn, "cơ thể" khỏe mạnh cùng với các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát tốt từ bên ngoài mới không lo; còn khi đức mỏng, cơ thể yếu đuối thì chắc chắn "vi rút quyền, tiền" sẽ xâm nhập, gây hại.

Số liệu: Ban Nội chính Trung ương - Đồ họa: N.KH.

Số liệu: Ban Nội chính Trung ương - Đồ họa: N.KH.

* Nhiều người cho rằng dù cùng xảy ra trong thời điểm đại dịch nhưng vụ Việt Á nghiêm trọng hơn rất nhiều so với "chuyến bay giải cứu"?

- Đúng như vậy. Với vụ "chuyến bay giải cứu" chỉ chủ yếu xoay quanh việc cấp phép hay không cấp phép để ăn hối lộ. Còn vụ Việt Á chính là việc bắt tay nhau, câu kết giữa cán bộ thoái hóa biến chất với tội phạm để cùng thực hiện hành vi vi phạm, nâng khống, tìm cách này cách khác để mọi người phải mua kit xét nghiệm với giá cao.

Các quan chức trong vụ Việt Á đã nhận hối lộ để tiếp tay cho hành vi vi phạm khác. Vụ án này cũng là điển hình cho nhận định của Tổng bí thư về việc tham nhũng không còn ở một chỗ mà có sự liên kết trên dưới, trong ngoài, từ trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, vụ án này còn cho thấy một tính chất rất nguy hiểm, đó là về "cơ chế" khi không phải tự nhiên hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều mua kit xét nghiệm Việt Á như vậy. Ở đây, chỉ cần một lời nói, cuộc điện thoại, văn bản, công văn của cấp trên là có lý do để họ làm. Nói không quá, đây còn là thể hiện tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm.

Các bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" nghe tòa tuyên án vào chiều 28-7 - Ảnh: NAM ANH

Các bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" nghe tòa tuyên án vào chiều 28-7 - Ảnh: NAM ANH

Không thể có chuyện quà cảm ơn nhiều tỉ đồng

* Qua các vụ án thời gian qua cho thấy hình như nhiều quan chức đang có sự mơ hồ, không phân biệt được giữa "cảm ơn" và nhận hối lộ?

- Câu chuyện "ơn huệ, quà cáp cảm ơn" ở Việt Nam có thể coi là một văn hóa. Nhưng ranh giới giữa nhận quà tặng và nhận hối lộ rất rõ ràng. Khi người ta mang lại điều tốt đẹp, giúp đỡ mình trong cuộc sống thì cảm ơn bằng lời nói, một chút quà là điều bình thường. Món quà chỉ được coi là quà tặng khi nó có giá trị vật chất không lớn.

Với vụ "chuyến bay giải cứu", phần nhiều các cán bộ đều có chức vụ cao, được học tập, rèn luyện về chính sách, quy định pháp luật nên nhận tiền của doanh nghiệp rồi giải trình không biết đã vi phạm pháp luật là khó chấp nhận. Cán bộ không phải bỏ công sức ra mà nhận tiền lúc này đương nhiên là nhận hối lộ, không thể nói quà tặng cảm ơn.

Hơn nữa, số tiền lên đến hàng tỉ đồng thì người bình thường cũng hiểu đó không thể là quà tặng tình cảm thông thường.

* Mặc dù công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian qua rất nghiêm khắc nhưng cũng có ý kiến đặt ra tại sao vụ sau phát hiện lại lớn hơn vụ trước. Theo ông, nên hiểu thế nào?

- Ở đây cũng giống như uống thuốc, tác dụng phải từ từ. Với vụ Việt Á, "chuyến bay giải cứu" xảy ra trong giai đoạn chống dịch nhưng nhiều vụ án được đưa ra vừa qua đều xảy ra từ nhiều năm trước.

Thời gian qua, chúng ta đã xử lý rất nhiều cán bộ, kể cả bộ trưởng, ủy viên Trung ương Đảng về hành vi tham nhũng, nhận hối lộ... cho thấy căn bệnh gần như lên đến đỉnh điểm. Đồng thời, thể hiện rõ sự cương quyết, nghiêm minh, bất cứ vi phạm dù ở đâu, là ai cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng, truy cứu tới tận cùng bản chất.

Trong vài năm trở lại đây, công tác phòng chống tham nhũng đã rất khác, không còn chuyện nương nhẹ với người đương chức, "hạ cánh an toàn" với người nghỉ hưu. Chúng ta có thể tin rằng giống như đồ thị lên cao điểm và khi đã dùng thuốc rất mạnh sẽ ngấm vào, bệnh sẽ giảm xuống.

Bên cạnh đó, như vụ Việt Á đã có sự phân hóa trong xử lý các trường hợp vi phạm. Chỉ nghiêm trị những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, có chức vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định... Các nhóm còn lại sẽ có xem xét giảm nhẹ xử lý...

Việc này thể hiện góc nhìn rất mới về bối cảnh của vụ việc và tính nhân văn trong chính sách hình sự.

Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được dẫn giải đến tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được dẫn giải đến tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

* Theo ông, thời gian tới cần phải làm gì để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng?

- Nhiều người đặt ra việc nên ưu tiên cái nào trước, cái nào sau trong "4 không" này. Có người nói cần ưu tiên phải trị thật nặng để không dám, có người nói ưu tiên hoàn thiện cơ chế để không thể, xây dựng đạo đức để không muốn hay cải thiện thu nhập đều không cần.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không cái gì ưu tiên trước, mỗi "không" này lại có giá trị riêng. Không thể nói làm mạnh cái này, chưa làm mạnh cái kia. Tất cả phải thực hiện đồng thời như Tổng bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh cần kiên quyết, kiên trì.

Trong đó, mấu chốt vẫn là công tác cán bộ, nói cách khác con người chính là yếu tố "cốt tử" trong phòng chống tham nhũng. Ngoài tuyển chọn, đào tạo, phát triển cán bộ phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Vì khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hay chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để sai phạm.

Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong đó, việc đầu tiên là hoàn thiện thể chế công khai đăng ký tài sản, hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý để tẩu tán, che giấu tài sản.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng đề án cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập và phải có công cụ để giúp kiểm soát tài sản, thu nhập.

Các cơ quan phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản đăng ký, đặc biệt là đất đai, tài sản gắn liền với đất. Theo đó, phải có sự kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý tài sản với các cơ quan liên quan như công an, công chứng, ngân hàng, thuế, thi hành án... để kịp thời theo dõi sự biến động cũng như xử lý khi có vi phạm.

Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Trong đó, chú trọng các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện thông qua ngân hàng để ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.

Song song với đó, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng cần nghiên cứu sửa đổi nội dung để phù hợp với tình hình mới theo hướng phải quy định thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp.

Xem xét không xử lý người phải đưa hối lộ

Trong thời gian tới nên nghiên cứu sửa Luật Hình sự để có thể không xem xét xử lý đối với người phải đưa hối lộ để thực hiện những lợi ích hợp pháp của họ. Bởi khi đó sẽ giúp những người đưa hối lộ có động lực để tố cáo các cán bộ nhận hối lộ. Từ đó giúp phát hiện, xử lý nhiều hơn hành vi này.

Đồng thời, cán bộ nhận hối lộ cũng sẽ rất sợ khi người đưa cho mình sẽ được miễn xử lý nên sẵn sàng tố cáo.

* Ông ĐẶNG VĂN DŨNG (phó trưởng Ban Nội chính Trung ương):

Xét xử vắng mặt cả những đối tượng bỏ trốn

Thời gian qua đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả những đối tượng bỏ trốn, mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác. Là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội và nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.

Bên cạnh đó kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách. Trên cơ sở đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, xin thôi chức vụ, nghỉ công tác. Kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Trong đó, đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác với 15 cán bộ diện trung ương quản lý. Các địa phương cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác gần 150 cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có 65 cán bộ diện tỉnh, thành ủy quản lý.

Cần đưa bộ trưởng đến vùng sâu, vùng xa...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng cán bộ thăng tiến quá dễ dàng, thiếu rèn luyện đạo đức là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng tham nhũng ở nhiều bộ, ngành, địa phương hiện nay.

* Theo ông, vì sao nhiều quan chức giàu, có cả trăm tỉ rồi nhưng vẫn tiếp tục tham nhũng?

- Khi cán bộ có quyền lực thì lợi dụng quyền lực để tham nhũng rất lớn, rất dễ sa ngã nếu đạo đức không vững, không được giáo dục, rèn luyện. Nhiều cán bộ sinh ra trong gia đình có truyền thống, con đường thăng tiến quá dễ dàng dễ bị sa ngã, dính vào tham nhũng.

Tình trạng nhiều cán bộ được cho là có tiềm năng dính vào tham nhũng thời gian qua cho thấy công tác đào tạo cán bộ có vấn đề. Cần học Trung Quốc, đưa những cán bộ có tài, có năng lực đến vùng sâu, vùng xa để thể hiện tài năng của họ, để họ vượt lên cái khó làm giàu cho đất nước. Với những vị trí cán bộ từ bộ trưởng trở lên cần được đưa đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để thử thách cán bộ.

Hiện nhiều cán bộ của ta "chạy và mua chức", con đường thăng tiến của họ quá dễ dàng thì tha hóa là tất yếu. Vụ "chuyến bay giải cứu" cho thấy rõ nhất con đường thăng tiến của nhiều cán bộ ngoại giao quá dễ dàng, chủ yếu sống trong nhung lụa, không biết đến nỗi khổ của người dân nên đã thò tay lấy những đồng tiền "chết chóc" của dân. Họ không biết thương xót dân.

* Chủ trương để cán bộ không muốn, không dám, không cần và không thể tham nhũng đã được đề ra từ lâu, theo ông, vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện được?

- Để cán bộ không muốn tham nhũng thì lương phải thỏa đáng, đã đến lúc chúng ta phải cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Cần trả lương cho công chức thỏa đáng, đúng với sức lao động của họ, đặc biệt là các nhà trí thức tham gia bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ hai, luật pháp phải rõ ràng.

Thứ ba, cần có cơ chế giám sát tài chính minh bạch. Tôi đi Hàn Quốc, làm việc với Bộ Tài chính Hàn Quốc thì toàn bộ số liệu về tài sản, chi tiêu của cán bộ, công chức chạy trên các màn hình lớn để phục vụ việc giám sát, kể cả tổng thống chi cái gì cũng nắm được.

Còn tại Trung Quốc, họ quy định rõ tiếp đãi khách mà quá 250 USD là tham nhũng, cán bộ tiếp khách thì bữa ăn chỉ mấy chục USD.

Hơn nữa, các quốc gia phát triển đều bỏ văn hóa tiền mặt, mọi chi tiêu và thanh toán của các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, công chức đều thanh toán trực tuyến và có thể giám sát. Nếu có dấu hiệu sẽ bị các cơ quan chức năng theo dõi, điều tra về tham nhũng.

* Nói như ông thì chúng ta cần rất nhiều thời gian nữa để đạt được mục tiêu cán bộ không muốn, không dám, không cần và không thể tham nhũng?

- Nếu quyết tâm làm với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì khoảng 5 năm là chúng ta có thể đạt đến ngưỡng giám sát được tài sản, chi tiêu của cán bộ, công chức, quan chức trong bộ máy.

Ngay cả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt rất dễ làm nhưng nhiều năm qua chúng ta chưa làm được vì thiếu ý chí quyết tâm. Điều này cũng giống như khi cấm đốt pháo hay bắt buộc người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm, ban đầu nhiều người phản đối nhưng khi quyết tâm đủ lớn chúng ta vẫn làm được.

Bộ Công an kiến nghị kiểm soát quyền lực người đứng đầu tại 2 bộ từ vụ Việt ÁBộ Công an kiến nghị kiểm soát quyền lực người đứng đầu tại 2 bộ từ vụ Việt Á

Theo cơ quan điều tra, do có sự buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế dẫn đến Việt Á thông đồng, móc ngoặc với lãnh đạo hai bộ này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên