Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Hà Lan thăm chính thức Vương Quốc Bỉ - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Dự kiến, đón đoàn tại sân bay quân sự Melsbroek (Bỉ) có Phó chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ Andries Gryffroy, đại diện Ban tổ chức Diễn đàn ASEAN - EU, Vụ trưởng Vụ Lễ tân ngoại giao Bỉ Oliver Belle, Lãnh sự danh dự tại Antwerp Joseph, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và một số cán bộ nhân viên đại sứ quán.
Theo lịch trình, ngay sau khi đến Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - EU. Lễ đón chính thức và hội đàm giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Vương quốc Bỉ Alexander De Croo được diễn ra ngay sau đó. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ chứng kiến các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng sẽ thăm Đại sứ quán và nói chuyện với cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ.
ASEAN và EU thiết lập quan hệ đối thoại từ năm 1977, sau đó chính thức thể chế hóa với việc ký Hiệp định Hợp tác ASEAN - EEC vào năm 1980. Hai bên nâng quan hệ lên Đối tác tăng cường với việc thông qua Tuyên bố Nuremberg về quan hệ Đối tác tăng cường ASEAN - EU năm 2007.
Theo số liệu của ASEAN, năm 2021, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỉ USD, tăng 18,6% so với năm 2020, và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỉ USD. Theo số liệu của EU, năm 2021, ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 của EU.
EU cũng là một trong những đối tác đầu tiên, tích cực thúc đẩy hợp tác với ASEAN trong ứng phó COVID-19 ngay từ khi dịch bệnh bùng phát. EU cam kết triển khai gói hỗ trợ "Team Europe" trị giá 800 triệu euro hỗ trợ khu vực ASEAN ứng phó COVID-19, bổ sung thêm "Chương trình hỗ trợ Đông Nam Á sẵn sàng ứng phó đại dịch" trị giá 20 triệu euro nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực y tế và điều phối ứng phó dịch bệnh tại khu vực.
Trong quan hệ hợp tác với Vương quốc Bỉ, Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế là cơ chế trao đổi cấp chính phủ về các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ, được thiết lập năm 2011. Vương quốc Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt lên tới 10%.
Trong đó, 10 tháng đầu năm 2022, thương mại hai chiều đạt 4,068 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,4 tỉ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu đạt 622,8 triệu USD.
Đáng chú ý, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước không cạnh tranh, mà mang tính bổ sung cho nhau. Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác.
Về đầu tư, trên cơ sở hai nước ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư vào năm 1991, hoạt động đầu tư có nhiều kết quả.
Tính đến tháng 10-2022, Vương quốc Bỉ có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỉ USD, đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam mới đầu tư sang Vương quốc Bỉ 4 dự án với tổng vốn đầu tư 12,6 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy vận chuyển, logistics…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận