Hãng tin Reuters ngày 15-9 dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Srettha Thavisin với trang tin The Standard (Thái Lan) về chính sách cần sa của nước này.
"Chính sách cần sa (được ủng hộ) là (việc sử dụng) cần sa trong y tế. Về việc sử dụng để giải trí, tôi không đồng ý với điều đó", ông Srettha nói.
Trong khi hầu hết các quốc gia châu Á đều có luật cấm nghiêm ngặt thì vào năm 2022, Thái Lan đã chính thức hợp pháp hóa việc sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối, tiêu thụ và sở hữu cần sa cho mục đích y tế và sức khỏe.
Khi đó ngành công nghiệp cần sa của đất nước này sẽ có giá trị lên tới 1,2 tỉ USD trong vài năm tới, đồng thời hàng nghìn doanh nghiệp liên quan đã mọc lên.
Theo Hãng tin AP, tính đến tháng 2-2023, gần 6.000 giấy phép cho các doanh nghiệp liên quan cần sa đã được phê duyệt, trong đó có hơn 1.600 giấy phép chỉ riêng ở thủ đô Bangkok.
Một làn sóng khách du lịch cũng đã tới Thái Lan sau chính sách này. Ông Kueakarun Thongwilai, quản lý một cửa hàng bán cần sa ở Bangkok, ước tính ít nhất 70-80% khách hàng của ông là người nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc và Philippines, cũng như một số khách đến châu Âu.
Tuy nhiên, tháng 7-2022, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnviraku đã nhấn mạnh chính sách cần sa của Thái Lan "chỉ tập trung vào các mục đích y tế và chăm sóc sức khỏe", chứ không phải cho mục đích giải trí.
Thủ tướng Srettha đồng thời là bộ trưởng tài chính gần đây đã công bố một loạt chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng và chi tiêu để phục hồi nền kinh tế Thái Lan. Trong đó ông đã tuyên bố sẽ tặng 10.000 baht (khoảng 6,8 triệu đồng) qua ví điện tử cho tất cả người dân Thái Lan trên 16 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận