27/05/2024 15:37 GMT+7

Thủ tướng Thái Lan bị điều tra là lời cảnh báo cho ông Thaksin?

Các chuyên gia cho rằng yêu cầu miễn nhiệm đối với Thủ tướng Srettha Thavisin của nhóm nghị sĩ Thái Lan là một tín hiệu cảnh báo về việc sử dụng quyền lực của ông Thaksin.

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra (đeo kính đen) được người ủng hộ tại tỉnh Nakhon Ratchasima chào đón hôm 25-5 - Ảnh: PRASIT TANGPRASERT

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra (đeo kính đen) được người ủng hộ tại tỉnh Nakhon Ratchasima chào đón hôm 25-5 - Ảnh: PRASIT TANGPRASERT

Theo báo Bangkok Post ngày 27-5, giới chuyên gia tại Thái Lan cho rằng việc 40 thượng nghị sĩ nước này đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu điều tra đạo đức đối với Thủ tướng Srettha Thavisin là động thái cảnh báo đối với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra khi ông này thể hiện quyền lực.

Ông Stithorn Thananithichot, giám đốc Văn phòng đổi mới vì dân chủ tại Viện Vua Prajadhipok, nói việc nhóm 40 thượng nghị sĩ Thái Lan không ủng hộ Thủ tướng Thavisin là thông điệp gửi tới ông Thaksin, rằng những nghị sĩ này vẫn còn đủ sức ảnh hưởng để gây rắc rối cho cựu thủ tướng Thái Lan.

Ông Thaksin được cho là lãnh đạo trên thực tế của Đảng Pheu Thai, cũng là đảng của Thủ tướng Srettha Thavisin.

Trước đó hôm 23-5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã thụ lý đơn yêu cầu miễn nhiệm chức vụ thủ tướng với ông Srettha. Việc này diễn ra sau khi ông Srettha bổ nhiệm ông Pichit Chuenban, một cựu luật sư có tiền án, làm bộ trưởng Văn phòng Chính phủ.

"Nhóm thượng nghị sĩ này muốn gửi một thông điệp tới ông Thaksin rằng nếu tình hình leo thang đến mức tòa án tuyên bố ông Srettha phạm tội bổ nhiệm ông Pichit Chuenban làm bộ trưởng Văn phòng Chính phủ dù đã biết về năng lực đáng nghi ngờ của ông ta, điều đó có thể ám chỉ rằng ông Thaksin đã can thiệp vào công việc của ông Srettha và Đảng [Pheu Thai]", ông Stithorn nói.

"Điều này có thể dẫn đến việc giải tán Đảng Pheu Thai khi 40 thượng nghị sĩ khẳng định ông Srettha đã gặp ông Thaksin 3 lần trước khi bổ nhiệm ông Pichit", ông Stithorn nói thêm.

Tuy nhiên ông Stithorn cho biết tình hình có thể không leo thang đến mức giải tán Đảng Pheu Thai vì phe bảo thủ vẫn chưa có lựa chọn khả thi nào để thay thế ông Srettha.

Vì vậy, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) có thể không gửi đơn yêu cầu giải tán đảng và ông Srettha sẽ tiếp tục vai trò thủ tướng ở thời điểm hiện tại.

Giảng viên Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan (Nida) Phichai Ratnatilaka Na Bhuket nói tình hình hiện nay cho thấy ông Srettha khó có thể bị phế truất khỏi chức thủ tướng vì các thế lực cũ vẫn muốn sử dụng Đảng Pheu Thai để cạnh tranh với Đảng Tiến bước (MFP).

"Các nhóm không thích Đảng Pheu Thai, như nhóm 40 thượng nghị sĩ, có thể cảm thấy bị lấn át bởi ông Thaksin, dẫn đến các nỗ lực ngăn cản việc ông này đi quá xa", ông Phichai bình luận.

"Trong khi đó, ông Thaksin tiếp tục duy trì quyền lực thương thuyết của mình để em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, được trở về nước mà không phải nhận án tù", ông này nói thêm.

Tòa Hiến pháp Thái Lan thụ lý đơn của 40 thượng nghị sĩ đòi miễn nhiệm Thủ tướng SretthaTòa Hiến pháp Thái Lan thụ lý đơn của 40 thượng nghị sĩ đòi miễn nhiệm Thủ tướng Srettha

Tòa án Hiến pháp Thái Lan thụ lý đơn khiếu nại của 40 thượng nghị sĩ liên quan đến việc Thủ tướng Srettha Thavisin bổ nhiệm người có tiền án làm bộ trưởng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên