26/08/2022 08:07 GMT+7

Thủ tướng Thái bị đình chỉ, rồi sao nữa?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Với người từng vượt qua 4 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, việc bị đình chỉ chức thủ tướng lần này có thể xem như sự cố ngoài dự tính của ông Prayuth Chan-o-cha.

Thủ tướng Thái bị đình chỉ, rồi sao nữa? - Ảnh 1.

Ông Prayuth bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 - sự kiện đã đưa ông trở thành nhà lãnh đạo dân cử sau 5 năm đứng đầu chính quyền quân sự tại Thái Lan - Ảnh: REUTERS

Điều khoản mà quân đội đưa vào hiến pháp để ngăn chặn các đối thủ giờ lại gây khó cho chính họ.

Ngày 25-8, nhà lãnh đạo 68 tuổi đã dự cuộc họp của Bộ Quốc phòng, chỉ một ngày sau khi ông bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức thủ tướng. 

Theo quyết định của tòa, ông Prayuth vẫn có quyền dự họp nội các với tư cách bộ trưởng quốc phòng. Việc ông nhanh chóng trở lại chính trường là một chỉ dấu cho thấy ông sẽ không từ bỏ quyền lực một cách dễ dàng.

Vì lợi ích của đất nước, tướng Prayuth nên từ chức để chúng tôi có thể bắt đầu quá trình lựa chọn thủ tướng dựa trên hiến pháp nhanh nhất có thể.

Lãnh đạo Đảng Pheu Thai Chonlanan Srikaew kêu gọi trên Facebook vào ngày 25-8.

Quân đội tự làm khó mình?

Đầu tháng này, Đảng Pheu Thai (PTP) đối lập thông báo sẽ nhờ Tòa án Hiến pháp Thái phân xử việc khoảng thời gian gần 5 năm mà ông Prayuth đứng đầu chính quyền quân sự có tính vào 8 năm giới hạn cầm quyền của một thủ tướng như hiến pháp năm 2017 quy định hay không.

Trong bản kiến nghị gửi lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan có 9 thẩm phán vào ngày 22-8, 171 thành viên đối lập của Hạ viện Thái lập luận nhiệm kỳ của ông Prayuth chính thức bắt đầu vào ngày 24-8-2014, tức khoảng 3 tháng sau khi ông lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra của Đảng PTP. Do đó, bản kiến nghị cho rằng nhiệm kỳ của ông Prayuth phải kết thúc vào ngày 23-8-2022.

Lập luận này dựa trên điều 158 trong hiến pháp 2017 do quân đội soạn thảo, trong đó nói một thủ tướng "sẽ không được giữ chức vụ tổng cộng quá 8 năm, dù có giữ nhiệm kỳ liên tiếp hay không".

Điều 158 nhằm ngăn chặn các đối thủ của ông Prayuth và quân đội trở lại nắm quyền, đặc biệt là nhà Shinawatra. Tuy nhiên, nói như một nhà quan sát chính trị Thái Lan, trớ trêu khi điều khoản tưởng là có lợi cho ông Prayuth lại khiến nhiệm kỳ của ông bị đặt dấu hỏi.

Những người ủng hộ và đồng minh chính trị của ông Prayuth cho rằng "đồng hồ nhiệm kỳ" chỉ bắt đầu "tính giờ" khi hiến pháp mới chính thức có hiệu lực vào ngày 6-4-2017. 

Những người khác cho rằng nhiệm kỳ của ông Prayuth chính thức bắt đầu vào ngày 9-6-2019, khi ông nhậm chức sau cuộc tổng tuyển cử dân chủ cùng năm đó. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức sau cuộc đảo chính năm 2014 và tuân theo các quy định trong hiến pháp 2017.

Hai tuần quyết định

Theo quyết định đình chỉ công tác công bố ngày 24-8, ông Prayuth có 15 ngày để phản hồi. Việc kiến nghị của PTP có thành công hay không vẫn còn phải chờ, bởi đối thủ của họ có "sức dẻo dai chính trị" đáng nể. 

Ông Prayuth đã vượt qua 4 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 2019, lần gần nhất là vào tháng trước. Phong trào phản đối chính quyền do thanh niên dẫn dắt, vốn tưởng như sẽ tạo ra áp lực từ chức với ông Prayuth, song cuối cùng không đe dọa được gì tới quyền lực của ông và mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Một vấn đề hiện gây lo ngại, theo giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), là Tòa án Hiến pháp Thái Lan và những cơ quan khác có người do quân đội chỉ định thường ra những phán quyết có lợi cho ông Prayuth và quân đội. 

Ví như vào năm ngoái, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia cho biết họ không thể yêu cầu ông Prayuth công khai tài sản như luật năm 2018 bởi vì ông đã tại vị khi luật này có hiệu lực.

Vào năm 2020, Ủy ban Bầu cử và Tòa án Hiến pháp đã phối hợp trong việc giải thể Đảng Tương lai, đảng đứng thứ ba trong tổng tuyển cử năm 2019, với lý do đảng này nhận được quá nhiều tiền tài trợ từ nhà sáng lập. 

Năm 2019, Tòa án Hiến pháp cũng bác bỏ một thách thức pháp lý liên quan đến việc ông Prayuth và nội các của ông không tuyên thệ đúng hiến pháp trong lễ nhậm chức được phát sóng trực tiếp.

Trong trường hợp Tòa án Hiến pháp chống lại ông Prayuth, việc ông bị lật đổ sẽ là một cơn địa chấn chính trị. Tất cả tính toán chính trị hiện có sẽ đổ vỡ, các đảng sẽ phải chuẩn bị cho việc Thái Lan tổ chức tổng tuyển cử sớm. 

Tuy nhiên, theo giáo sư Thitinan, nhiều khả năng ông Prayuth vẫn sẽ sống sót trong thách thức lần này. Theo dự đoán của ông Thitinan, Tòa án Hiến pháp quyết định giới hạn 8 năm sẽ được tính từ khi hiến pháp 2017 có hiệu lực thay vì năm 2014.

Quyền Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan - người tạo ảnh hưởng ở hậu trường Quyền Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan - người tạo ảnh hưởng ở hậu trường

TTO - Cũng giống như ông Prayut Chan-o-cha, ông Prawit là cựu chỉ huy quân đội trung thành với hoàng gia Thái Lan. Nhưng khác với ông Prayut, ông Prawit thường hoạt động ở hậu trường.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên