15/05/2021 08:42 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Tinh thần là ủng hộ tối đa cho TP.HCM'

L.THANH - B.NGỌC
L.THANH - B.NGỌC

TTO - Nhiều lãnh đạo các bộ ngành cùng các chuyên gia nhận định như vậy sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố ủng hộ đề xuất về tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM, được giữ lại từ 18% lên 23%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tinh thần là ủng hộ tối đa cho TP.HCM - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông của TP.HCM hiện nay đã quá tải, thường xuyên xảy ra kẹt xe. Trong ảnh: kẹt xe trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp - Ảnh: TỰ TRUNG

Tại buổi làm việc với TP.HCM ngày 13-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận ủng hộ đề xuất của TP.HCM về việc tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM từ 18%/năm lên 23%/năm trong những năm tới. "Tinh thần là ủng hộ tối đa cho TP.HCM, sự ủng hộ tối đa này vừa là khuyến khích, vừa là trách nhiệm" - Thủ tướng nói.

Ưu tiên hiệu quả chứ không cào bằng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - giảng viên Học viện Tài chính - cho biết trước đây TP.HCM từng nhận được tỉ lệ điều tiết ngân sách 28%, sau đó giảm xuống 23% trước khi giảm còn 18% trong giai đoạn 2017 - 2021. 

Việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM những năm tới sẽ tốt hơn vì đây là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều địa phương khác. TP.HCM cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nếu bị ách tắc thì nhiều địa phương trong khu vực sẽ ách tắc theo.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Đức Thành - cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - cũng cho rằng chính sách phân bổ ngân sách kiểu "rải mành mành" những năm qua không hiệu quả. 

Vì thế chúng ta phải trở lại tư duy về sự hiệu quả, tôn trọng sự hiệu quả, ưu tiên tính hiệu quả chứ không cào bằng.

Những năm qua, phần lớn ngân sách thu từ TP.HCM được dùng để phân bổ cho các địa phương vùng sâu vùng xa để cân bằng phát triển, nhưng bối cảnh hiện nay điều này không còn phù hợp nữa. 

Ngân sách phải ưu tiên phân bổ cho nơi nào sử dụng tốt nhất, hiệu quả nhất và nơi đó chính là TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước. 

"Nền kinh tế đang đứng trước nhiều cơ hội, nếu chúng ta không kịp nắm bắt sẽ bỏ lỡ cơ hội vươn lên. Nơi nắm bắt cơ hội tốt nhất cả nước hiện nay chính là TP.HCM" - TS Thành nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, việc lãnh đạo Chính phủ ủng hộ tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM cho thấy sự thay đổi quan điểm phát triển, thay vì dàn đều, cào bằng, dàn hàng ngang như trước đây thì chúng ta sẽ hình thành các cực tăng trưởng dẫn dắt nền kinh tế.

"Tất cả dàn hàng ngang đi sẽ chậm hơn, tỉnh này kéo tỉnh kia chậm lại. Dồn cho các cực tăng trưởng bứt phá thì trong tương lai các cực tăng trưởng này sẽ kéo các địa phương khác đi nhanh hơn. 

Về nguyên tắc, nơi nào sử dụng ngân sách hiệu quả hơn nên được phân bổ nhiều hơn. Muốn hình thành cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, chúng ta phải chấp nhận có những địa phương sẽ phải đi sau" - ông Cường nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tinh thần là ủng hộ tối đa cho TP.HCM - Ảnh 2.

Ùn xe kéo dài trên đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP Thủ Đức (TP.HCM) hướng đi trạm thu phí Long Phước - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tháng 10 sẽ trình Quốc hội

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Thủ tướng ủng hộ tối đa mức đề nghị của TP.HCM về tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM. 

Mức đề xuất về tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM cụ thể bao nhiêu thì Thủ tướng giao cho các bộ và địa phương phải tính toán dựa trên tổng thể của đất nước, trong bối cảnh của giai đoạn 2021 - 2025 và cả tình hình kinh tế - xã hội của năm 2022.

"Các bộ sẽ phải bắt tay vào nghiên cứu, đánh giá ngay để đến tháng 8 và 9 sẽ trình Chính phủ xem xét tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM. Sau đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Thẩm quyền quyết định tỉ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương, trong đó có TP.HCM, là của Quốc hội" - ông Tuấn cho biết.

Về phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, Bộ Tài chính cho biết Luật ngân sách nhà nước quy định có 5 khoản thu của các sắc thuế gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. 

Tỉ lệ phân chia này được căn cứ vào dự toán thu ngân sách nhà nước và dự toán chi ngân sách địa phương tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ (chi đầu tư, chi thường xuyên) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Tỉ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương ổn định 5 năm. 

Sau 5 năm, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các địa phương tính toán, xác định tỉ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, TP cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP.HCM về tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM vào đầu năm nay, Bộ Tài chính cho biết năm 2022 - năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, Bộ Tài chính sẽ trình cấp có thẩm quyền xác định tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tinh thần là ủng hộ tối đa cho TP.HCM - Ảnh 3.

Dự án ngăn triều cầu Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng:

Hạ tầng của TP.HCM không còn tương xứng với vai trò đầu tàu kinh tế

bo trương nguyen chi dung 1(read-only)

TP.HCM là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước nhưng đang bị quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội. Hạ tầng của TP.HCM hiện không còn tương xứng với vai trò đầu tàu kinh tế nữa, tăng trưởng của TP.HCM đang chậm lại, cần có cú hích hạ tầng để TP.HCM bứt phá. Muốn vậy cần bổ sung thêm nguồn lực để TP.HCM đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển của TP.HCM những năm qua.

Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của TP.HCM cần có sự hỗ trợ một phần của trung ương để TP.HCM tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp lại cho ngân sách nhà nước nhiều hơn, xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế.

GS.TS Trần Ngọc Thơ (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia):

Hãy làm cho "miếng bánh" nở ra, lan tỏa cả khu vực

Thời gian qua, TP.HCM chỉ được giữ lại tỉ lệ ngân sách 18% là quá ít. Việc nâng mức ngân sách để lại cho TP.HCM đáng lý phải từ nhiều năm trước và cần phải hiểu đây không phải ăn bớt "miếng bánh" mà là làm cho "miếng bánh" này nở ra, tạo ra được nhiều sự lan tỏa hơn.

TP.HCM hiện nay như một đoàn tàu đã cạn kiệt năng lượng, việc tăng ngân sách để lại chỉ giúp cho đoàn tàu này có thể chạy tiếp, chứ không thể chạy nhanh hơn. Cần phải suy nghĩ đến việc không chỉ tăng thêm 5% mà có thể nâng tỉ lệ ngân sách được để lại là 30%.

Điều quan trọng là TP.HCM phải tính toán được hiệu quả, tác động lan tỏa của việc sử dụng ngân sách này. Chúng ta muốn hướng đến TP.HCM thông minh thì việc sử dụng dòng tiền phải thông minh để tạo nên sự khác biệt.

Vấn đề tác động lan tỏa không nên nhìn nhận chỉ ở chỗ tăng thu ngân sách mà còn là tạo thêm công ăn việc làm, tạo môi trường đầu tư tốt hơn để các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào TP.HCM.

Nếu TP.HCM đưa ra những ý tưởng táo bạo, chứng minh được hiệu quả tăng thêm, lan tỏa của việc tăng tỉ lệ ngân sách để lại, tôi tin sẽ nhận được sự ủng hộ của trung ương.

Mặt khác, TP.HCM phải chủ động xã hội hóa trong việc huy động nguồn vốn đầu tư như Thủ tướng đã nói. Trong thời gian qua, đầu tư công của TP.HCM có những khởi sắc nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề phải suy nghĩ.

Hiện nay xu hướng của thế giới là nền kinh tế số, số hóa, do đó cần phải đầu tư liên quan đến công nghệ, kinh tế số để tạo ra sức lan tỏa, biến TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ thay vì thu hút những nhà sản xuất.

TS Trần Du Lịch:

TP.HCM không thể phát triển riêng cho TP.HCM

Việc TP.HCM đề nghị nâng tỉ lệ ngân sách được giữ lại lên 23% là vấn đề đã đặt ra từ năm 2017, khi tỉ lệ ngân sách giữ lại đã giảm từ 23% xuống còn 18%. Việc Thủ tướng đồng tình với đề xuất này của TP.HCM, theo tôi, là chỉ đạo tích cực.

Việc nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách nhằm giúp TP.HCM có thêm nguồn lực về tài chính, phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh nâng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM, điều cơ bản hơn cần nghiên cứu là làm sao để TP.HCM tăng thu hơn nữa và phần tăng thu riêng của chính quyền đô thị này phải để tái đầu tư, nâng phúc lợi cho người dân mới quan trọng.

Cần nghiên cứu lại về cơ chế ngân sách hiện nay, làm sao TP.HCM chủ động tăng được nguồn thu, nguồn thu này chi cho đầu tư phát triển chứ không đưa cho cân đối chung.

Ngoài ra, TP.HCM cần phải nỗ lực giải quyết vấn đề giao thông kết nối vùng, hiện vùng kinh tế trọng điểm, vùng tạo động lực nhưng giao thông kết nối, liên vùng quá kém.

TP.HCM không thể phát triển riêng cho TP.HCM mà phát triển chung cho vùng kinh tế phía Nam. Do đó, trung ương cần có cơ chế để giải quyết bài toán giao thông liên vùng càng sớm càng tốt cho sự phát triển của vùng.

Ông Cấn Văn Lực (giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV):

Công bằng hơn trong phân bổ ngân sách

Việc Chính phủ ủng hộ đề xuất nâng điều tiết ngân sách lên cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 theo tôi sẽ giúp TP.HCM có thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng vốn dĩ chưa được quan tâm đúng mức thời gian qua.

Qua đó cũng giúp công bằng hơn trong phân bổ ngân sách, vì hiện nay TP.HCM là địa phương có tỉ lệ ngân sách được giữ lại thấp nhất trong cả nước. Những địa phương thu ngân sách nhiều thì cũng nên được giữ lại ở mức xứng đáng. Đó cũng là động lực để TP.HCM tiếp tục phấn đấu.

Trên thực tế nếu tỉ lệ điều tiết ngân sách từ mức 18% tăng lên 23% là mức tăng tương đối, đó chỉ là vốn mồi. TP.HCM phải tiếp tục thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để từ đó lan tỏa sang thu hút các dòng vốn khác.

NGỌC HIỂN - A.HỒNG ghi

Để lại 1 đồng, TP.HCM có thể làm tăng 2-3 đồng cho trung ương

Chủ tịch nước nhận định như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi để vận động bầu cử cùng với các ứng cử viên đơn vị bầu cử số 10, TP.HCM ngày 14-5.

Cùng đơn vị bầu cử với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn có bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP, ông Trần Đức Cường - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hiệp - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và thiếu tướng Phan Văn Xựng - chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM.

112-5674 1(read-only)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các cử tri huyện Củ Chi - Ảnh: TỰ TRUNG

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện nay TP.HCM cần phải giải quyết tốt nhiều vấn đề về chống ngập, ùn tắc giao thông, môi trường.

Ông đã có ý kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc ủng hộ trình Quốc hội, Bộ Chính trị việc nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM để TP.HCM có điều kiện phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, giải quyết các vấn đề bức xúc của TP.HCM.

Theo ông, có thể thực hiện tăng điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ năm 2022. Mỗi 1% ngân sách cho TP.HCM là 2.200 tỉ đồng. Để lại 1 đồng cho TP.HCM thì TP.HCM có thể làm tăng 2-3 đồng cho ngân sách trung ương.

Cũng tại hội nghị, có cử tri đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật đất đai hiện hành do có nhiều bất cập, gây khó khăn, bất lợi cho người dân.

Trao đổi lại, Chủ tịch nước cho biết nhiều lần ông có ý kiến, Luật đất đai bên cạnh tiến bộ còn nhiều bất cập, gây thất thoát trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gây khó khăn, chậm trễ cho người dân.

Do vậy, theo Chủ tịch nước, cuối năm nay Ban Chấp hành trung ương sẽ nghe Chính phủ trình việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật đất đai phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo nguồn lực phát triển đất nước từ đất đai.

Giải quyết quyền lợi đúng đắn, kịp thời cho người dân. Điều tiết thu nhập từ chênh lệch địa tô, tránh thất thoát.

Nói về việc thực hiện quy hoạch khu đô thị Tây Bắc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc quy hoạch phải có thời hạn, công khai rõ ràng. Nếu trong thời hạn, chủ đầu tư không triển khai thì phải thu hồi.

Không thể cho chuyện cắm quy hoạch trên bản đồ rồi để mãi làm người dân khổ sở. Ông đề nghị cần rà soát, xem xét lại quy hoạch khu đô thị Tây Bắc, nếu phù hợp phải tập trung triển khai sớm để bà con yên tâm.

T.LONG

Trước năm 2025 phải xong đường vành đai 3

Sáng 14-5 tại TP.HCM, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng với Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có buổi làm việc với các bộ ngành, địa phương liên quan dự án đường vành đai 3, vành đai 4.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đồng quan điểm tập trung nguồn lực sớm hoàn thành tuyến đường vành 3, 4. Các địa phương cũng kiến nghị tháo gỡ về cơ chế giải phóng mặt bằng cũng như nguồn vốn thực hiện dự án.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ra nghị quyết để các địa phương có cơ chế giải phóng mặt bằng cho dự án, địa phương nào làm chậm thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Các bộ ngành sẽ có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục, đôn đốc thực hiện. Tùy theo tình hình, nếu dự án nào khó khăn về vốn thì kiến nghị Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần.

qd_vanhdai2_8 1(read-only)

Một đoạn đường vành đai 2 đoạn qua TP Thủ Đức (TP.HCM) ngưng thi công (ảnh chụp ngày 13-3) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng cần phải có đề án sớm về đường vành đai 3, vành đai 4 để trình Quốc hội điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với quá trình thực hiện.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay các quyết định trước đây Thủ tướng đã phân cấp thực hiện nhưng đến nay dự án vẫn chưa thực hiện xong.

Đường vành đai 3 chỉ mới hoàn thành một đoạn Bình Dương 16,3km, còn lại chưa có tỉnh nào làm. Mà dự án càng chậm giải phóng mặt bằng, chi phí lại tăng.

Nếu theo phương thức cũ, tư duy bao cấp chờ vốn ngân sách sẽ khó xong đường vành đai 3, vành đai 4. Dự án nào rất cần thiết mới đầu tư công. Chủ yếu hiện nay là phải thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa bằng hình thức đối tác công tư (PPP).

Ông Bình yêu cầu các bộ ngành trung ương phải hướng dẫn các địa phương lập phương án nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Trong đó, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan và các địa phương để tháo gỡ vướng mắc, cần thiết sẽ kiến nghị sửa luật trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội để triển khai nhanh dự án.

"Chúng ta phải quyết tâm làm nhanh, quyết liệt. Đường vành đai 3 phải xong trước năm 2025. Vành đai 4 hoàn thành càng sớm càng tốt, đừng để kéo dài đến 2030. Vành đai 2 của TP.HCM phải xong trong năm 2022" - ông Bình chỉ đạo.

ĐỨC PHÚ

Nâng điều tiết ngân sách lên 23% có lợi gì cho TP.HCM? Nâng điều tiết ngân sách lên 23% có lợi gì cho TP.HCM?

TTO - Việc Chính phủ đồng ý trình Quốc hội đề xuất nâng điều tiết ngân sách lên cho TP.HCM được các chuyên gia nhận định là câu chuyện rất tích cực để TP phát triển hơn nữa.

L.THANH - B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên