11/12/2019 07:41 GMT+7

TP.HCM muốn tăng tỉ lệ ngân sách để phát triển, chia lại 'chiếc bánh' quá khó?

T.LONG - L.THANH
T.LONG - L.THANH

TTO - TP.HCM đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách được giữ lại để phát triển. “Chiếc bánh” ngân sách sẽ được chia lại ưu tiên cho đầu tàu kinh tế hay tiếp tục cách điều tiết xin - cho lâu nay?

TP.HCM muốn tăng tỉ lệ ngân sách để phát triển, chia lại chiếc bánh quá khó? - Ảnh 1.

Nhà ga Bến Thành, điểm kết nối tuyến metro số 1 và số 2, TP.HCM. TP.HCM cần vốn lớn để làm nhanh các dự án giao thông công cộng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ giới thiệu nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện này.

PGS.TS Võ Trí Hảo (trưởng khoa luật, ĐH Kinh tế TP.HCM): Phân tách ngân sách quốc gia và địa phương

TP.HCM muốn tăng tỉ lệ ngân sách để phát triển, chia lại chiếc bánh quá khó? - Ảnh 2.

Việc phân bổ, điều tiết nguồn ngân sách phải đảm bảo đồng thời đạt được hai mục tiêu: khuyến khích tự chủ, sáng tạo của địa phương và đảm bảo mức sống đồng đều giữa các địa phương. Tuy nhiên, mô hình phân bổ ngân sách của Việt Nam hiện nay có nhiều bất cập.

Việc để các thành phố như TP.HCM làm nhiều nhưng lại được điều tiết tỉ lệ thấp sẽ không tạo động lực để các tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Các địa phương này cũng bị động trong kế hoạch tài chính phát triển địa phương. Ngược lại, có thực tế các tỉnh nghèo dùng vốn ngân sách "xây tượng đài" thay vì đầu tư để phát triển kinh tế.

Cách giải quyết "xin - cho" ngân sách theo tỉ lệ phần trăm điều tiết sẽ không bao giờ giải quyết tận gốc được bất cập nêu trên. Bởi, nếu tăng tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM sẽ phải giảm các tỉnh khác. Các tỉnh này dù không làm ra nhiều tiền nhưng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ trọng trách quốc gia, do vậy họ cũng sẽ có ý kiến. Ngược lại, nếu giữ nguyên tỉ lệ điều tiết ngân sách như hiện tại thì TP.HCM sẽ không có động lực đầu tư phát triển, đột phá gì nữa.

Kinh nghiệm các nước giải quyết bất cập trên bằng cách tách bạch ra những dòng thuế hoàn toàn địa phương được hưởng và dòng thuế thuộc ngân sách quốc gia. Khi đó các dự án cũng sẽ được phân tách ra dự án thuộc địa phương và dự án quốc gia.

Địa phương sẽ được chủ động kế hoạch thực hiện các dự án thuộc thẩm quyền ngân sách của địa phương, còn nhiệm vụ chiến lược quốc gia và phát triển vùng miền sẽ dùng ngân sách trung ương phân bổ. Khi có những nguồn thu riêng được giữ lại, địa phương đó sẽ năng động, sáng tạo để thúc đẩy nguồn thu này. Đây là điều rất quan trọng cần làm.

Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội phân chia ngân sách địa phương và ngân sách trung ương độc lập khi thảo luận về Luật ngân sách trước đây. Muốn giải quyết tận gốc rễ phải sửa đổi cả hiến pháp theo tinh thần chính quyền địa phương là pháp nhân công quyền độc lập.

Tuy nhiên, trước mắt chỉ cần sửa Luật ngân sách theo hướng để ngân sách địa phương độc lập với ngân sách quốc gia. Khi một địa phương biết chắc chắn nguồn thu đó thuộc về mình thì họ sẽ chủ động, khuyến khích năng động, sáng tạo.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường (phó trưởng bộ môn phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính): Có thêm một số loại thuế đặc thù

Theo tôi, trong điều kiện nguồn lực ngân sách hiện nay, cần phải tập trung nguồn lực để tạo động lực phát triển cho các thành phố lớn trước. Phân bổ đồng đều ngân sách như hiện nay về lâu dài sẽ khiến các địa phương không có đủ nguồn lực để phát triển hạ tầng. Hạ tầng tắc nghẽn kéo theo mọi thứ nghẽn thì không sửa chữa kịp. Nhiều quốc gia trong quá trình phát triển đã phải chấp nhận để một số thành phố phát triển trước, thành đầu tàu kéo các thành phố khác phát triển theo.

Nên điều tiết ngân sách theo mức cao hơn để cho những thành phố như TP.HCM phát triển kinh tế nhanh, mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc cân đối tỉ lệ điều tiết ngân sách giữa các tỉnh rất khó. Tăng tỉ lệ điều tiết TP.HCM đồng nghĩa với việc phải giảm tỉ lệ điều tiết cho nhiều tỉnh, thành khác.

Để giải quyết "điểm nghẽn" này, trước mắt cần phải thiết kế cơ chế riêng cho một số tỉnh, thành đang phát triển như TP.HCM có thẩm quyền ban hành, thay đổi, điều chỉnh một số loại thuế suất đặc thù. Đó có thể là các loại thuế, phí đặc thù liên quan đến cư trú, giao thông... Khi đó các địa phương này sẽ có nguồn thu riêng phục vụ cho đầu tư, phát triển.

Kéo dài tình hình điều tiết như hiện nay sẽ rất khó khăn cho TP.HCM phát triển vì nguồn lực không đủ. Khi đó vai trò đầu tàu của TP này bị cản trở, trì níu.

Người dân TP.HCM mong gì?

Mọi người sống và làm việc ở TP.HCM đều cảm nhận nỗi khổ tình trạng giao thông, cầu đường ngày càng chật chội, quá tải, tình trạng ngập nước, bệnh viện quá tải, môi trường ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng... Ai cũng mong muốn tình trạng này phải được cải thiện sớm. Ai cũng mong nguồn vốn ngân sách cho TP được cải thiện trong thời gian sắp tới để có thêm nguồn chi cho các dự án, công trình công cộng. Những mong muốn chính đáng.

Khi được giữ ngân sách nhiều hơn, TP có thể mở rộng cầu đường, nạo vét kênh rạch, xây thêm bệnh viện... để phục vụ kinh tế và giải quyết các vấn đề dân sinh ở một TP dân nhập cư tăng vùn vụt này.

TP.HCM đề xuất tăng tỉ lệ giữ lại cho ngân sách TP từ 18% lên 33% trong lộ trình 10 năm từ 2020 đến 2030. Theo tôi, đề xuất này tốt và còn khiêm tốn quá, ít tham vọng so với tiềm lực và nhu cầu bảo trì và phát triển của TP này.

Tôi cũng có tìm hiểu thông tin về các TP lớn như Thượng Hải hay Thâm Quyến đóng góp thế nào cho chính quyền trung ương Trung Quốc thì thấy rất thú vị là trong giai đoạn từ năm 1949 đến 1990 Thượng Hải từng đóng hơn 80% nguồn thu mỗi năm về trung ương.

Từ những năm 1990, Thượng Hải và Thâm Quyến rất phát triển, giàu có nhưng chỉ còn đóng khoảng 50% nguồn thu về ngân sách trung ương. Họ được giữ lại một nửa để phát triển. Đó là chuyện nước bạn đã làm được từ 30 năm trước rồi.

Bạn đọc HOÀNG VŨ


Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế): Đề xuất hợp lý, nhưng...

untitled-1 copy

Dù đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM rất phù hợp, đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được đáp ứng. TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước với đóng góp 25% tổng số thu ngân sách, 30% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; số lượng doanh nghiệp ở TP.HCM cũng đông nhất.

Nhưng trách nhiệm của đầu tàu là phải kéo các toa tàu. Do đó, việc tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP trong giai đoạn tới cần đặt trong tổng thể cơ cấu ngân sách của cả nước. Vì 1% ngân sách của TP gấp nhiều lần ngân sách của địa phương khó khăn. Nếu tăng tỉ lệ điều tiết cho TP sẽ hụt nguồn chi cho các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo?

Để đảm bảo nguồn đầu tư hạ tầng, lãnh đạo TP có thể đề xuất nguồn vốn từ ngân sách trung ương, từ vốn ODA cho các dự án trên địa bàn. Bởi trách nhiệm đầu tư cho TP.HCM là của cả nước chứ đâu chỉ là của riêng TP.L.THANH ghi

TP.HCM đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách được giữ lại để phát triển. "Chiếc bánh" ngân sách sẽ được chia lại ưu tiên cho đầu tàu kinh tế hay tiếp tục cách điều tiết xin - cho lâu nay?

T.LONG (ghi)

Thu ngân sách liên tục tăng cao, vì sao tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM lại giảm phân nửa? Thu ngân sách liên tục tăng cao, vì sao tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM lại giảm phân nửa?

TTO - Từ khi Luật ngân sách có hiệu lực vào năm 2002, việc phân bổ ngân sách của Việt Nam dường như vẫn còn đó những trục trặc khiến cho các nguyên tắc về công bằng và hiệu quả chưa hài hòa với nhau.

T.LONG - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên