01/06/2013 08:38 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Mất lòng tin là mất tất cả"

THANH TUẤN - VÕ VĂN THÀNH(từ Singapore)
THANH TUẤN - VÕ VĂN THÀNH(từ Singapore)

TT - “Nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin”. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã bắt đầu bài phát biểu với tư cách diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La lúc 20g12 tối qua theo giờ Singapore.

* Việt Nam - Singapore: hướng tới quan hệ đối tác chiến lược * Nguy cơ chạy đua vũ trang ở Tây Thái Bình Dương

X5pmpNLD.jpgPhóng to
Từ phải qua: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh trước giờ khai mạc hội nghị đối thoại Shangri-La 2013 - Ảnh: VÕ VĂN THÀNH
jWnMtIIG.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013- Ảnh: VÕ VĂN THÀNH

Trong lần xuất hiện đầu tiên trong lịch sử diễn đàn, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh lại “mất lòng tin là mất tất cả” và “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác” và là “liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột”. Ông khẳng định lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán. Và đây chính là cơ sở để Thủ tướng khẳng định các nước trong khu vực cần “xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương”.

Đang có nguy cơ đe dọa hòa bình khu vực

Thủ tướng Việt Nam bày tỏ sự quan ngại về những thách thức với hòa bình và an ninh ở khu vực khi những “cạnh tranh và can dự” mang tính toán “chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế” - điều dẫn tới “chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Trong bối cảnh khu vực, với Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy và đòi hỏi một trật tự thế giới mới cùng sự trở lại của Mỹ với chiến lược tái cân bằng về châu Á, Thủ tướng đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long rằng “sự hợp tác tin cậy và trách nhiệm giữa Mỹ và Trung Quốc” sẽ có lợi cho khu vực. Ông khẳng định “châu Á - Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả các nước trong và ngoài khu vực cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích. Tương lai của châu Á - Thái Bình Dương đã và sẽ tiếp tục được tạo dựng bởi vai trò và sự tương tác của tất cả các quốc gia trong khu vực và cả thế giới”.

Ông nhấn mạnh sự kỳ vọng vào Mỹ và Trung Quốc - “hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất” đối với quan hệ hai nước, của cả khu vực và thế giới. Theo ông, điều này chỉ đạt được nếu có sự củng cố “lòng tin chiến lược” và “thể hiện thông qua những hành động cụ thể mang tính xây dựng” của hai nước lớn.

Trước sự có mặt của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và hàng chục bộ trưởng quốc phòng, gần 350 quan chức và học giả, Thủ tướng Việt Nam cho rằng những diễn biến tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông đang có nguy cơ “đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”, trong đó có cả “an ninh, an toàn và tự do hàng hải”. Theo ông, nguyên nhân của việc này vì “đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”.

Thiếu niềm tin chiến lược

Để xây dựng lòng tin, Thủ tướng Việt Nam cho rằng cần có sự “tuân thủ luật pháp quốc tế”, nhất là từ các nước lớn và phải “nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương”. Ông nhắc tới những cơ chế hợp tác như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)... cũng như Đối thoại Shangri-La đã tạo cơ hội để thúc đẩy “hợp tác an ninh đa phương và tìm giải pháp cho những thách thức đang đặt ra”.

Nhưng ngay trong các diễn đàn này, theo ông, vẫn còn thiếu “lòng tin chiến lược” trong việc thực thi các cơ chế. “Một khi có đủ lòng tin chiến lược, hiệu quả thực thi của các cơ chế hiện có sẽ được nâng lên và chúng ta có thể đẩy nhanh, mở rộng hợp tác, đi đến giải pháp về mọi vấn đề, cho dù là nhạy cảm và khó khăn nhất” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ

Nhân Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Việt Nam có thông báo quan trọng cho biết Việt Nam “đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác” - ông nhấn mạnh.

Ông cho biết với thành quả kinh tế những năm qua, Việt Nam đã “tăng ngân sách quốc phòng ở mức hợp lý. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”.

Theo Thủ tướng, để đạt được “hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng” của khu vực thì không thể thiếu một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương. “ASEAN tự hào là một hình mẫu của nguyên tắc đồng thuận và lòng tin vào nhau trong các quyết định của mình” - ông nói. “Đó là nền tảng tạo sự bình đẳng giữa các thành viên cho dù là một Indonesia với dân số gần 250 triệu người và một Brunei với dân số chưa đến nửa triệu người. Đó cũng là cơ sở để các nước ngoài khu vực gửi gắm lòng tin vào ASEAN với tư cách là “người trung gian thực tâm” trong vai trò dẫn dắt nhiều cơ chế hợp tác khu vực”.

Theo Thủ tướng, “ASEAN chỉ mạnh và phát huy được vai trò của mình khi là một khối đoàn kết thống nhất. Một ASEAN thiếu thống nhất sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai, kể cả các nước ASEAN và các nước đối tác”.

“Chúng ta cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, hợp tác hiệu quả với tất cả các nước để chung tay vun đắp hòa bình và thịnh vượng ở khu vực, chứ không phải là một ASEAN mà các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn” - ông nói. Ông kêu gọi các nước lớn ủng hộ vai trò trung tâm, nguyên tắc đồng thuận và sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng ASEAN.

Liên quan tới vấn đề biển Đông, theo Thủ tướng, ASEAN và Trung Quốc vượt qua chặng đường dài để có Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) năm 2002. Theo ông, “ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược” để thực hiện nghiêm túc DOC và nỗ lực “để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS)”. “ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực” - ông nói.

THANH TUẤN - VÕ VĂN THÀNH(từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên