31/12/2024 19:24 GMT+7

Thủ tướng: Năm 2025 phải huy động mọi nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án lớn

Thủ tướng chỉ đạo trong năm 2025, ngành tài chính phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng thu tiết kiệm chi để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, ưu tiên vốn cho các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao,...

Thủ tướng: năm 2025 phải huy động mọi nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án lớn - Ảnh 1.

Thủ tướng chỉ đạo năm 2025 phải huy động mọi nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án lớn - Ảnh: MOF

Thủ tướng chỉ đạo năm 2025 phải tăng thu, tiết kiệm chi

Chiều 31-12, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác tài chính - ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao công tác thu - chi ngân sách năm 2024. Theo đó, thu ngân sách năm 2024 lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tỉ đồng, thu vượt dự toán hơn 300.000 tỉ đồng, còn chi thì tiết kiệm.

Về nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng đánh giá tình hình kinh tế - chính trị thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Còn nền kinh tế Việt Nam, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu còn hạn chế.

Do đó để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cả năm sau đạt ít nhất 8%, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần tăng thu, tiết kiệm chi. Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách để tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước.

Ông gợi mở phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nghĩ sâu làm lớn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, từ đó mới khai thác mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Theo Thủ tướng, cần tăng thu, tiết kiệm chi để tập trung vốn cho dự án lớn, dự án năng lượng cao tốc đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối quốc tế với Trung Quốc và Lào,…

Cần mạnh dạn đề xuất chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Liên quan đến xây dựng cơ chế chính sách, Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính cần mạnh dạn đề xuất các chính sách về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

"Nhân đây tôi phê bình Bộ Tài chính về việc đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có lúc chưa kịp thời, mà còn thận trọng quá, chưa vượt qua chính mình.

Đơn cử việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho một số nhóm hàng hóa dịch vụ có thuế suất 10%, từ khi có đại dịch COVID-19 đến nay đã 6 lần đề xuất và áp dụng chính sách rồi. Nhưng mỗi lần đề xuất lại cứ rà soát đi, rà soát lại.

Như năm nay thì nên đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho cả năm, nhưng bộ lại chỉ làm trong 6 tháng. 6 tháng nữa, với tình hình kinh tế có nhiều khó khăn như thế này, các đồng chí lại phải tiếp tục đề xuất. Cho nên Bộ Tài chính nên rút kinh nghiệm, làm gì thì làm nên phải chọn cái hiệu quả nhất" - người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Ông cũng nói thêm năm 2024, tổng số miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân ước gần 200.000 tỉ, mà ngân sách vượt thu hơn 300.000 tỉ đồng.

Ba năm vừa rồi đều vượt thu so với dự toán. Rõ ràng chính sách hỗ trợ có tác dụng nên cần mạnh dạn đề xuất.

Năm 2025 phải tinh gọn bộ máy

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính trong năm 2025 phải tập trung cao độ cho công tác tổng kết nghị quyết số 18 và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Trong đó Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hợp nhất, phải quyết liệt triển khai với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Thắng - bộ trưởng Bộ Tài chính - báo cáo số lượng đầu mối giảm trên 2.650 đầu mối, tương đương 31,4%, không duy trì mô hình tổng cục; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngành tài chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Theo Bộ Tài chính, trong đó năm 2024 giảm 679 biên chế so với năm 2023, năm 2026 giảm 3.342 biên chế, tương đương giảm 5% so với năm 2022.

Thủ tướng: năm 2025 phải huy động mọi nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án lớn - Ảnh 1.Thủ tướng: Hoàn thiện thể chế để huy động mọi nguồn lực trong nhân dân

Chiều 23-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chủ trì phiên họp thứ ba của tiểu ban.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên