Cửa hàng điện tử ở cảng Klang phát truyền hình trực tiếp thông báo của Thủ tướng Najib Razak giải tán Quốc hội vào ngày 6-4 - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Najib Razak thông báo thông tin giải tán Quốc hội trên đài phát thanh quốc gia RTM và trên đài truyền hình ngay sau cuộc họp nội các tổ chức sáng nay (6-4).
Nhiệm kỳ 5 năm của Thủ tướng Najib chính thức kết thúc vào ngày 24-6 tới, nhưng theo luật ở Malaysia, ông có quyền tuyên bố giải tán Quốc hội vào bất kỳ lúc nào trong thời gian cầm quyền của mình (miễn có sự phê chuẩn của nhà vua) và tổ chức bầu cử sớm.
Đảng của thủ tướng Najib cầm quyền liên tục từ khi Malaysia giành độc lập (năm 1957) và trong thời gian qua, các nhà quan sát cho rằng đảng cầm quyền đã thực thi nhiều biện pháp nhằm đảm bảo chiếm đa số trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới.
Hôm 28-3, Quốc hội Malaysia với đảng cầm quyền chiếm đa số, đã thông qua quyết định phân bổ lại các khu vực bầu cử - động thái được cho là nhằm đảm bảo thắng lợi cho Thủ tướng Najib Razak và đảng liên minh với UMNO (Tổ chức Thống nhất Dân tộc Mã Lai) là hạt nhân.
Quyết định trên được xem là giải pháp chuẩn bị sau kinh nghiệm từ cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Lần đó đảng UMNO chỉ giành được 47% tổng số phiếu bầu, nhưng may mắn lấy được 60% số ghế trong Quốc hội.
Việc điều chỉnh khu vực bầu cử được cho là nhằm tăng số cử tri ủng hộ liên minh đảng cầm quyền vào những khu vực mà họ tính toán là có thể thua đảng đối lập.
Chẳng hạn ở thủ đô Kuala Lumpur và vùng cảng của nó, khu vực bầu cử Klang từng có đến 98.000 cử tri nhưng lại bầu ứng viên đối lập trong hai đợt năm 2008 và 2013. Theo quyết định mới, khu vực này sẽ được tăng thêm 37.937 cử tri trong khi khu vực bầu cử Kuang, ở cách 35 km về phía bắc thuộc về đảng cầm quyền torng kỳ bầu cử 5 năm trước, sẽ bị mất 5.000 cử tri trong số chỉ 25.000 cử tri đã đăng ký.
Theo luật định, cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức trước tháng 8 năm nay nhưng với việc giải tán Quốc hội, chính quyền có thể tổ chức bầu cử trước khi bắt đầu tháng chay Ramadan của người Hồi giáo (ngày 15-5).
Vừa qua, Quốc hội Malaysia đã kịp thông qua luật nghiêm khắc chống tung thông tin giả trên các phương tiện truyền thông lẫn mạng xã hội. Đạo luật chờ thông qua chính thức này phạt đối tượng tung tin giả cả trong lẫn ngoài Malaysia.
Các tổ chức nhân quyền và dân sự cho rằng đạo luật nghiêm khắc này nhằm tạo điều kiện cho liên minh đảng cầm quyền tiếp tục giành chiến thắng, ngăn chặn những tiếng nói đối lập.
Đảng đối lập làm gì?
Hôm 8-3, Liên minh đối lập (PH) tại Malaysia đã công bố bản cương lĩnh tranh cử với nhiều điểm đáng chú ý.
Nổi bật trong cương lĩnh của PH là cam kết giới hạn số nhiệm kỳ của Thủ tướng và Thủ hiến xuống chỉ còn 2 nhiệm kỳ. Ngoài ra, Thủ tướng cũng không được phép nắm giữ ghế Bộ trưởng Tài chính như hiện nay. Ngoài ra, liên minh PH cũng cam kết sẽ giảm số Bộ trưởng trong Văn phòng Thủ tướng từ 10 hiện nay xuống còn 3.
Cựu thủ tướng 92 tuổi Mahathir Mohamad của Malaysia đã tuyên bố ra tranh cử - Ảnh: REUTERS
Những thay đổi nói trên nằm trong nội dung cải cách bộ máy hành chính quốc gia - một trong 5 nội dung được Chủ tịch PH - cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad công bố trong bản cương lĩnh. Bốn nội dung còn lại bao gồm: Giảm gánh nặng (về thuế má, nghĩa vụ…) cho người dân; Xây dựng nền kinh tế đất nước theo hướng công bằng và hợp lý; Khôi phục lại vị thế của bang Sabah và Sarawak như trong Hiệp định Malaysia 1963; và Xây dựng một nước Malaysia bao hàm, ôn hòa và tươi sáng trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, PH cũng đưa ra 5 cam kết và 10 cải cách dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 5 năm đầu cầm quyền nếu như liên minh giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần thứ 14 sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận