Thủ tướng Boris Johnson thăm trung tâm y tế Tollgate ở London, ngày 24-7 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, trong chuyến thăm trung tâm y tế Tollgate ở London ngày 24-7, thủ tướng Boris Johnson nói với các nhà báo: "Cho dù virus đến từ... dơi, tê tê hay gốc gác từ đâu, thì nó cũng là một thứ rất, rất khó chịu đối với loài người. Và tôi nghĩ rằng đến giữa năm tới, chúng ta sẽ vượt qua nó".
Nhà lãnh đạo từng trải qua nhiều ngày điều trị tích cực vì nhiễm COVID-19 cũng tỏ ra tự tin: "Đất nước này sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng chúng tôi vẫn đang lo về làn sóng lây nhiễm thứ hai".
Chính phủ Anh đang thúc đẩy chương trình tiêm chủng mở rộng phòng bệnh cúm mùa do lo ngại nguy cơ làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ hai có thể khiến các dịch vụ y tế bị quá tải.
Trước đó, các chuyên gia y tế ở Anh cảnh báo nếu chính phủ không hành động, gần 120.000 người có nguy cơ tử vong tại bệnh viện trong làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ hai.
Theo thông báo của Bộ Y tế Anh, chương trình tiêm chủng mở rộng phòng bệnh cúm mùa sẽ được triển khai vào cuối năm nay, với mục tiêu tiêm phòng bệnh cho hơn 30 triệu người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương nhất như người cao tuổi, người có sẵn bệnh lý nền và trẻ nhỏ.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết đây là chương trình tiêm phòng cúm lớn nhất trong lịch sử y tế của Anh và sẽ giúp bảo vệ Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) khi nước này bước vào mùa đông. Trong khi đó, Cố vấn Y tế trưởng của Chính phủ Anh, ông Chris Whitty, cho rằng tiêm chủng là một trong những biện pháp để giảm tất cả các rủi ro có thể phòng tránh được.
Từ ngày 24-7, vùng England quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng - Ảnh: REUTERS
Kinh tế Anh có dấu hiệu hồi phục
Ngày 24-7, Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit/CIPS công bố kết quả khảo sát cho thấy hoạt động kinh tế khu vực tư nhân ở Anh đã trở lại tăng trưởng trong tháng 7 nhờ các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, làm dấy lên hy vọng kinh tế nước này thoát khỏi suy thoái để phục hồi nhẹ.
Cụ thể, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 7 ở Anh đã tăng ở mức cao trong 61 tháng qua lên 57,1 điểm, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6-2015. Trong khi PMI trong tháng 6 là 47,7 điểm, thấp hơn ngưỡng trung bình 50 điểm.
Nếu PMI xuống dưới 50 điểm, nền kinh tế đó bị đánh giá là đang suy giảm các hoạt động kinh tế. PMI ở Anh đã giảm từ tháng 3 khi dịch COVID-19 bùng phát và lần PMI trên 50 gần đây nhất là vào tháng 2 trước khi dịch COVID-19 bùng phát .
Tuyên bố của hãng Markit/CIPS nêu rõ: "Chỉ số (PMI) trong tháng 7 cho thấy tình hình kinh doanh của nền kinh tế khu vực tư nhân được cải thiện sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy ngành dịch vụ tăng trưởng trở lại trong khi ngành sản xuất chế tạo tăng mạnh hơn so với tháng 6".
Theo nhà kinh tế kinh doanh hàng đầu của hãng IHS Markit, Chris Williamson, số liệu trên làm dấy lên hy vọng nền kinh tế Anh có thể phục hồi trở lại trong quý III-2020 (từ tháng 7 đến tháng 9).
Ông nhận định: "Kinh tế Anh đã khởi đầu quý III với nền tảng vững chắc khi các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trở lại sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Hoạt động kinh doanh tăng trong tháng 7 sẽ làm tăng dự báo cho rằng nền kinh tế Anh sẽ trở lại tăng trưởng trong quý III sau khi mức suy giảm mạnh nhất trong lịch sử hiện đại ghi nhận trong quý II vừa qua".
Tuy nhiên, ông Williamson cảnh báo rằng nước Anh vẫn còn phải "trải qua một chặng đường dài phía trước".
Cùng ngày, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 6 đã tăng mạnh khi các cửa hàng không thiết yếu bắt đầu được mở cửa trở lại sau thời gian phải đóng cửa do dịch bệnh COVID-19.
Doanh số bán lẻ của các vùng England, Scotland và xứ Wales trong tháng 6 đã tăng 13,9% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với mức dự báo của các nhà kinh tế là 8%. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 6 vẫn thấp hơn 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
ONS cho biết doanh số bán lẻ bao gồm doanh số bán hàng trực tuyến, lĩnh vực đã tăng trưởng mạnh trong thời gian đỉnh dịch và tiếp tăng trưởng trong tháng 6. Cụ thể, doanh số bán hàng trực tuyến và qua đặt hàng bằng điện thoại hoặc thư trong tháng 6 đã tăng 53,6% so với mức được ghi nhận trong tháng 2, do nhiều người tiêu dùng tiếp tục tránh việc đến các con phố mua sắm. Tính chung, mua bán trực tuyến chiếm gần 1/3 tổng doanh số trong tháng 6, tăng so với mức khoảng 20% trước khủng hoảng dịch bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận