21/07/2020 09:50 GMT+7

Cấp bách giải cứu kinh tế, hỗ trợ hàng không

NGỌC ANH thực hiện
NGỌC ANH thực hiện

TTO - Nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn nhưng chính sách và tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa thiếu vừa chậm. Điều đó thể hiện rất rõ đối với các hãng hàng không.

Cấp bách giải cứu kinh tế, hỗ trợ hàng không - Ảnh 1.

Hành khách bắt đầu đông trở lại, nhưng chưa đủ cho hàng không hết lỗ vì đường bay quốc tế vẫn còn đóng cửa - Ảnh: CÔNG TRUNG

Cho rằng Thủ tướng và Chính phủ phản ứng nhanh, quyết liệt trong việc cứu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng khâu triển khai còn chậm, đủng đỉnh, TS NGUYỄN SĨ DŨNG - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp chống suy thoái, khôi phục kinh tế.

Nâng trần nợ công cần được xem xét nghiêm túc

* Tại hội nghị sơ kết 6 tháng ngành tài chính, Thủ tướng thông tin: Do đại dịch COVID-19, các nước chi hỗ trợ nền kinh tế trung bình 10% GDP. Theo thông lệ quốc tế, Việt Nam có thể chi gần 30 tỉ USD, nhưng ta mới chi khoảng 15.000 tỉ đồng. Theo ông, có phải nền kinh tế nước ta ít bị thiệt hại hơn hay do điều kiện ngân sách của ta còn hạn chế?

- Tôi nghĩ là do cả hai. Nhưng có lẽ do ngân sách của ta hạn chế nhiều hơn. Việt Nam khống chế được dịch sớm hơn nên kinh tế ít bị thiệt hại hơn là điều ai cũng dễ đoán ra. Cho dù đó là một thực tế, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Lý do vì Việt Nam là nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn hơn GDP đến trên dưới 200%. Khi nền kinh tế thế giới còn tiếp tục suy thoái vì đại dịch COVID-19, kinh tế nước ta vẫn còn rất khó khăn. 

Lấy ngành hàng không làm ví dụ, dịch vụ vận chuyển trong nước chỉ chiếm trên dưới 50% doanh thu của các hãng hàng không, trên dưới 50% còn lại là dịch vụ quốc tế. Thế giới còn tiếp tục đóng cửa các sân bay vì đại dịch, các hãng hàng không còn tiếp tục phải làm việc với chỉ 50% công suất. Trang thiết bị, nhân lực phải chi trả 100% chỉ để khai thác 50%, lỗ là điều nhìn thấy trước. Càng kéo dài càng lỗ nặng, trong khi dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA), khoản lỗ và thiệt hại doanh thu do COVID-19 của các hãng hàng không thế giới lên tới 503 tỉ USD. Đến cuối tháng 5-2020, chính phủ các nước đã hỗ trợ hãng hàng không 123 tỉ USD, bằng 23% tổng thiệt hại của các hãng.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, năm nay các hãng bay trong nước thiệt hại khoảng 105.000 tỉ đồng (thiệt hại khoảng 90.000 tỉ đồng doanh thu, lỗ 15.000 tỉ đồng), nhưng gói hỗ trợ lớn nhất cho các hãng hàng không đến nay là việc giảm 30% thuế bảo vệ môi trường trong 5 tháng cuối năm với tổng số tiền gần 400 tỉ đồng. Cùng các chính sách hỗ trợ khác, theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, số tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các hãng chưa bằng 1% thiệt hại của các hãng hàng không.

* Thực trạng đó nói lên điều gì, thưa ông?

- Nói lên rằng hỗ trợ của Nhà nước để các doanh nghiệp, điển hình là các doanh nghiệp hàng không, vượt qua khó khăn là rất cần thiết, cấp bách nhưng chính sách và số tiền hỗ trợ hiện quá nhỏ, không đáng kể. Vấn đề ngân sách nhà nước hạn chế thì Nhà nước vẫn có thể vay nợ để trợ giúp các doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và làm ăn khấm khá sẽ trả lại cho Nhà nước cả gốc lẫn lãi. Nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy.

Tất nhiên làm điều này lại bị vướng trần nợ công. Do đó, nâng trần nợ công cần được xem xét nghiêm túc. Điều này là cần thiết để đẩy mạnh đầu tư công và nâng tổng cầu trong nước lên. Nếu tổng cầu không tăng, các doanh nghiệp cũng khó mà làm ăn thuận lợi được.

Hàng không đâu chỉ có Vietnam Airlines

* Ông vừa đưa ra ví dụ về các hãng hàng không, vậy các hãng này cần chính sách hỗ trợ gì?

- Hỗ trợ các hãng hàng không về cơ bản cũng sẽ như hỗ trợ các doanh nghiệp khác. Đó là hỗ trợ bằng hai nhóm chính sách: chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa bao gồm miễn, giảm, giãn các khoản thuế phí; chính sách tiền tệ như tăng tín dụng, xóa nợ, giảm, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cho vay... Vấn đề là cần xác lập ưu tiên và mức độ hỗ trợ.

* Ông có thể nói rõ hơn về sự ưu tiên, khi chúng ta cũng có cả triệu doanh nghiệp cần hỗ trợ?

- Hàng không cần được ưu tiên vì vai trò quan trọng và tác động lan tỏa của nó với nền kinh tế. Hàng không là một phần rất quan trọng của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Giao thông lại là mạch máu của nền kinh tế. Mạch máu tắc nghẽn, nền kinh tế sẽ "đột quỵ".

Hàng không hồi phục và khỏe khoắn sẽ kéo theo nhiều ngành nghề, dịch vụ phát triển theo. Có rất nhiều ngành và các dịch vụ khác ăn theo hàng không. Lấy ví dụ ngành du lịch chẳng hạn. Hàng không đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho việc kích cầu du lịch hiện nay. Rõ ràng ít ai có thể đi du lịch xa vào những ngày nghỉ cuối tuần bằng tàu xe được. Hay người dân Hà Nội đi du lịch Phú Quốc bằng tàu xe gần như là không tưởng.

* Thực tế Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 cuộc họp bàn hỗ trợ Hãng hàng không quốc gia nhưng chưa tìm ra giải pháp khả thi. Vậy theo ông, nên hỗ trợ Vietnam Airlines và các hãng hàng không như thế nào?

- Tôi cho rằng Chính phủ, với tư cách là cơ quan quản trị công cao nhất của đất nước, cần hỗ trợ tất cả các hãng hàng không chứ không riêng hãng nào. Bởi vì hãng hàng không tư nhân cũng đóng thuế cho Nhà nước như Hãng hàng không quốc gia - Vietnam Airlines. Do đó, việc hỗ trợ phải công bằng nhưng không cào bằng và đặc biệt là phải căn cứ vào vai trò của từng hãng với xã hội, với đất nước cũng như khả năng hồi phục đóng góp trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế của từng hãng.

* TS Vũ Đình Ánh: Ngành vận tải hành khách thiệt hại rất nặng

Gói hỗ trợ tài khóa hướng tới mục tiêu hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế có nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế sẽ có những giải pháp hỗ trợ chung, nhưng cũng cần nhiều giải pháp hỗ trợ những ngành, nghề chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xác định gói giải pháp áp dụng chung cho tất cả, gói nào chỉ hướng vào một số ngành nghề và phải cân đối ngân sách. Mọi chính sách hỗ trợ đều liên quan tới chi ngân sách hoặc giảm thu, hoặc tăng chi. Vì thế, phải cân đối ngân sách để không gây ra bất ổn vĩ mô khi thực hiện các giải pháp hỗ trợ.

Thời gian qua, ngành vận tải hành khách chịu thiệt hại rất nặng, trong đó đặc biệt là vận tải hàng không. Nếu có gói hỗ trợ cho ngành vận tải hành khách thì nên dành cho hàng không sự hỗ trợ lớn hơn, tương xứng với đóng góp của ngành hàng không những năm qua, những khó khăn mà các hãng bay đang gặp phải do dịch bệnh.

* TS Võ Trí Thành: Cần khảo sát thực trạng các doanh nghiệp lớn

Giờ là lúc cần phải điều tra, khảo sát ngay thực trạng của các doanh nghiệp lớn không phân biệt nhà nước hay tư nhân, để hỗ trợ phù hợp cho từng doanh nghiệp. Đây là những trụ cột kinh tế, chủ chuỗi giá trị trong từng ngành, lĩnh vực.

Những doanh nghiệp chủ lực này khó khăn, thua lỗ, nền kinh tế sẽ lâm nguy, việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng lớn, có thể gây khủng hoảng xã hội. Họ cần được ưu tiên hỗ trợ, thậm chí có gói hỗ trợ riêng như hàng không cần vốn lưu động… Bởi những doanh nghiệp lớn có khả năng phục hồi và phát triển sẽ hỗ trợ, vực dậy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc chuỗi giá trị của mình.

Thậm chí trong khi đối thủ của họ ở nước ngoài đang gặp khó khăn, nếu hỗ trợ phù hợp, kịp thời còn giúp tăng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.

BẢO NGỌC ghi

6 nguyên nhân gây chậm trễ

Tôi cho rằng phản ứng của Thủ tướng và Chính phủ để cứu nền kinh tế khỏi suy thoái là rất nhanh và rất quyết liệt. Vấn đề là việc triển khai lại chậm, theo tôi, có 6 nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1 Chủ trương rõ nhưng chính sách không phải bao giờ cũng đủ rõ.

2 Tình trạng đùn đẩy vì sợ trách nhiệm.

3 Quy trình thủ tục phức tạp, rối rắm.

4 Quy định pháp luật chồng chéo, không ít trường hợp xung đột với nhau.

5 Các cơ quan, bộ ngành hợp tác với nhau còn khó khăn và kém hiệu quả.

6 Năng lực triển khai thi hành các chính sách của một số cơ quan công vụ hạn chế.

Ban Kinh tế trung ương ủng hộ xem xét tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM Ban Kinh tế trung ương ủng hộ xem xét tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM

TTO - Ngày 10-7, Ban Kinh tế trung ương đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM về đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030".

NGỌC ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên