18/06/2021 08:37 GMT+7

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: 836.000 liều vắc xin COVID-19 sẽ được tiêm ở TP.HCM trong 5-7 ngày tới

HOÀNG LỘC - LAN ANH
HOÀNG LỘC - LAN ANH

TTO - Khoảng 836.000 liều vắc xin, trong đó có 786.000 liều do Nhật Bản tài trợ, sẽ được sử dụng cho "chiến dịch tiêm chủng" tại TP.HCM, dự kiến bắt đầu từ ngày 19-6, chiếm 86% trong tổng số vắc xin sử dụng đợt này trên toàn quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: 836.000 liều vắc xin COVID-19 sẽ được tiêm ở TP.HCM trong 5-7 ngày tới - Ảnh 1.

vắc xin AstraZeneca với 836.000 liều đã sẵn sàng để tiêm cho một số đối tượng tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sáng qua 17-6, chỉ vài giờ sau khi từ Nhật Bản đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), lô vắc xin AstraZeneca gồm 786.000 liều, được sản xuất tại Nhật Bản, đã được Vietnam Airlines vận chuyển miễn phí tới TP.HCM.

Việc được phân bổ tới 86% trong tổng số lô vắc xin nhập về, theo Bộ Y tế, thể hiện sự ưu tiên của Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo vắc xin quốc gia với TP.HCM nhằm giúp địa phương sớm bao phủ tiêm chủng.

Hơn 1.000 điểm tiêm, công suất 200.000 liều/ngày

Trước khi vắc xin về đến VN, bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với Sở Y tế TP.HCM về "chiến dịch tiêm chủng" tại địa phương này.

Với 786.000 liều vắc xin được chuyển tới TP.HCM vào sáng 17-6, Ban chỉ đạo tiêm chủng quốc gia yêu cầu ngành y tế TP.HCM cần xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm chủng: tiêm trong thời gian 5-7 ngày. Trong đó, kế hoạch tiêm chủng cụ thể về phân bổ số lượng, đối tượng tiêm chủng, lịch tiêm chủng, kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, kế hoạch ứng trực cấp cứu...

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết từ trước đó ngành y tế TP đã xây dựng các kế hoạch triển khai tiêm chủng với nhiều kịch bản khác nhau dựa trên số vắc xin được phân bổ từ 500.000 - 10 triệu liều.

Với 836.000 liều đợt này, sẽ tiêm tập trung cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21 và dự kiến tiêm cho công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN, KCX).

Cũng theo bác sĩ Nam, ngành y tế tổ chức các điểm tiêm chủng gồm các trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm tiêm lưu động với khoảng 1.000 điểm tiêm, trung bình mỗi điểm có thể tiêm cho 200 người/ngày và tổng công suất chung đạt 200.000 người/ngày.

Để đảm bảo tiêm chủng an toàn và đúng tiến độ, ngành y tế TP.HCM sẽ huy động tổng lực các lực lượng từ các đơn vị y tế trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn, các bệnh viện đa khoa; quận, huyện và cả các bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế, trạm y tế... tham gia.

"Các điểm tiêm phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định, đảm bảo yêu cầu về giãn cách, an toàn phòng chống dịch COVID-19, sàng lọc đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tư vấn đầy đủ cho đối tượng được tiêm, đồng thời có kế hoạch thu gom xử lý rác thải y tế tại điểm tiêm chủng" - bác sĩ Nam nói.

Bác sĩ Nam cho biết thêm tại các điểm tiêm sẽ được chuẩn bị hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu, đồng thời bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm, mỗi đội gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng.

Các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn sẵn sàng vận chuyển người đến bệnh viện khi cần thiết, tổ chức theo dõi sau tiêm, cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: 836.000 liều vắc xin COVID-19 sẽ được tiêm ở TP.HCM trong 5-7 ngày tới - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra lô vắc xin vừa về đến TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhanh nhưng phải an toàn

Tại buổi kiểm tra thực tế lô vắc xin 836.000 liều đang lưu trữ, bảo quản trong kho của Viện Pasteur TP.HCM chiều 17-6, ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết trong 2 ngày nữa (ngày 19-6) sẽ bắt đầu tổ chức tiêm chủng, dự kiến chiến dịch tiêm chủng này sẽ được thực hiện trong vòng 5-7 ngày.

Vắc xin được chia làm hai gói, trong đó 786.000 liều được tiêm cho các đối tượng thuộc nghị quyết 21. Mỗi lọ vắc xin có thể tiêm được 12 mũi và với số vắc xin mà TP.HCM vừa được phân bổ có thể tiêm được 960.000 mũi, mở ra hy vọng vắc xin sẽ được tiêm bao phủ cho đối tượng thuộc nghị quyết 21 tại TP.HCM.

Theo ông Sơn, lô vắc xin này phải mất khoảng 48 giờ để kiểm định, sau khi có chứng nhận đảm bảo an toàn, chất lượng sẽ phân phối cho TP.HCM.

Ngành y tế TP.HCM chịu trách nhiệm huy động tổng lực các lực lượng y tế từ cơ sở cho đến trung ương; các bệnh viện thuộc quân đội, công an... để tiêm cho các đối tượng. "Tinh thần tiêm chủng phải nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người tham gia tiêm chủng" - ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sơn, để tránh tụ tập đông người khi tiêm, TP.HCM phải đảm bảo nguyên tắc chờ đúng lịch hẹn, khi tiêm đảm bảo giãn cách và sau khi tiêm nghỉ ít nhất nửa tiếng và có trà đường để uống.

Ngành y tế TP.HCM cần xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm chủng.

Các kế hoạch cần cụ thể về phân bổ số lượng, đối tượng tiêm chủng, lịch tiêm chủng, kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, kế hoạch ứng trực cấp cứu và xây dựng số điện thoại hotline giải đáp thắc mắc sau tiêm chủng.

Với vắc xin AstraZeneca, tỉ lệ có phản ứng nhẹ sau tiêm như sốt, tiêu chảy, đau tại chỗ tiêm... chiếm khoảng 30% số người được tiêm.

Tỉ lệ có phản ứng nặng hơn (như phù mạch tại vị trí tiêm, kẹt huyết áp, sốc phản vệ, thậm chí đã có ca tử vong) chiếm tỉ lệ khoảng 0,1%. Vì vậy, Bộ Y tế có chủ trương "tiêm đến đâu an toàn đến đó" trong chiến dịch này.

Theo ông Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, TP cần diễn tập chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tiêm chủng 1.000 điểm tiêm, 200.000 người được tiêm chủng/ngày sắp tới.

Đặc biệt, cần vận dụng các nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu có sẵn vào kế hoạch tiêm chủng để thông tin về thời gian, địa điểm đến đối tượng được tiêm cụ thể nhằm hạn chế sự tập trung đông người, đảm bảo các quy định phòng chống dịch.

"Ngoài ra, cần có kế hoạch tập huấn cho các lực lượng tham gia tiêm chủng. Người trực tiếp giải đáp thông tin tiêm chủng phải "chuẩn" nhằm đảm bảo truyền đạt thông tin chính xác" - ông Lân nói, đồng thời cho rằng cần xin ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc tiêm phòng cho người trên 65 tuổi nhằm đảm bảo quy định về mặt pháp lý.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: 836.000 liều vắc xin COVID-19 sẽ được tiêm ở TP.HCM trong 5-7 ngày tới - Ảnh 3.

Đồ hoạ: TUẤN ANH

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng (phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM):

Không tập trung đông người khi tiêm

Trước khi tiêm TP.HCM cần chủ động xây dựng danh sách, phân chia các đối tượng tiêm theo từng nhóm, mốc thời gian nhằm hạn chế tập trung đông người và cần bố trí phù hợp về không gian để theo dõi sau tiêm cũng như tuân thủ các khuyến cáo 5K.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống hotline cũng như số điện thoại tư vấn để người được tiêm chủng có thể liên hệ khi cần, các hệ thống này cần đảm bảo về khả năng tiếp nhận hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuộc gọi đồng thời nhằm đáp ứng khi triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn.

Mới có hơn 1,8 triệu người được tiêm chủng

Tính đến ngày 17-6, cả nước mới có trên 1,8 triệu người được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, với trên 72.000 người được tiêm đủ 2 mũi.

Số người được tiêm 1 mũi chiếm 2,5% dân số có chỉ định tiêm ngừa (18 tuổi trở lên), số tiêm đủ 2 mũi mới chiếm trên 0,1% số người có chỉ định tiêm chủng. Do vậy, đợt tiêm chủng tại TP.HCM lần này sẽ là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất tính từ khi VN bắt đầu tiêm ngừa COVID-19 (từ tháng 3-2021).

Song song với việc triển khai tiêm lô vắc xin này, TP.HCM cũng đang tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 trên 10 nhóm đối tượng tiêm với số lượng khoảng 73.000 liều.

Chiến dịch tiêm chủng này được tổ chức tiêm mũi 1 từ ngày 3-6 và sẽ hoàn thành tiêm vét trước ngày 15-8 theo yêu cầu của Bộ Y tế. Trước đó, TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm vắc xin đợt 1 từ ngày 8-3 và đợt 2 từ ngày 19-4 với tổng số người được tiêm là 73.571.

Huy động 1.032 đội tiêm vắc xin

Giám đốc Sở Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi các cơ sở tiêm chủng trên toàn TP về việc khẩn trương tổ chức các đội tham gia tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21.

Theo đó toàn TP sẽ có 13 nhóm cơ sở y tế (bao gồm từ cơ sở y tế phường, xã đến trung ương; công lập và tư nhân; các viện và hệ thống tiêm chủng VNVC) được huy động với tổng số 1.032 đội tiêm vắc xin, mỗi đội ít nhất 3 nhân viên. Các nhân viên trực tiếp tham gia tiêm chủng này phải được tập huấn chuyên môn tiêm chủng.

Vì sao Nhật Bản tặng Việt Nam 1 triệu liều vắc xin? Vì sao Nhật Bản tặng Việt Nam 1 triệu liều vắc xin?

TTO - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, ông Nobuhiro Watanabe, cho biết 800.000 liều vắc xin COVID-19 được gửi tới TP.HCM trong ngày 17-6 sẽ giúp mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung, với TP.HCM nói riêng, càng thêm sâu sắc.

HOÀNG LỘC - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên