Các đại biểu từ Bộ GD-ĐT tham gia hội thảo sáng 14-12 - Ảnh: M.G.
Đây là các ý kiến phát biểu tại hội thảo "Thực trạng đào tạo e-learning tại Việt Nam, xu hướng thế giới và các yếu tố phát triển các loại hình đào tạo trên ở Việt Nam" diễn ra ngày 14-12 tại Trường ĐH Mở TP.HCM.
Đào tạo e-learning (trực tuyến) phát triển từ lâu ở các nước phát triển. Tại Việt Nam đã được triển khai ở nhiều trường ĐH, giai đoạn 2013-2018 Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tốc độ phát triển e-learning.
Một trong những yếu tố dẫn đến tốc độ phát triển nhanh chóng này là mức chi cho giáo dục của chính phủ và người dân cao, tỉ lệ người dùng Internet cao, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Báo cáo cho thấy năm 2018 người dân Việt Nam chi 9 tỉ USD cho giáo dục. Chi tiêu cho giáo dục chiếm gần ½ tổng chi tiêu của gia đình.
Hiện có 16 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam cung cấp các khóa học trực tuyến hoàn toàn, kết hợp hoặc một phần các môn học. Đào tạo trực tuyến đơn giản và dễ tiếp cận người học, linh hoạt, chủ động định hướng, tùy biến học tập…
Tuy nhiên hình thức này cũng có nhược điểm là thực hành thí nghiệm không được như đào tạo truyền thống, rèn luyện kỹ năng bị hạn chế, hạ tầng công nghệ, giáo trình… chưa đáp ứng được yêu cầu, sự tiếp cận công nghệ của giảng viên, tài liệu học tập bị sao chép khiến giảng viên ngại đưa tài liệu lên mạng, chưa có quy chế đào tạo….
Theo các ý kiến, việc thúc đẩy phát triển e-learning là cần thiết nhưng cần đảm bảo các yếu tố về hạ tầng công nghệ, pháp lý liên quan hình thức này phải hoàn thiện, chính sách chất lượng phải đảm bảo và thống nhất. Giảng viên cũng phải được trang bị kỹ năng công nghệ cũng như sư phạm phù hợp, xây dựng nội dung học liệu chất lượng và có thể chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục.
Một trong những nội dung được nhiều ý kiến đề xuất là việc Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các quy định về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức đào tạo trực tuyến. Hiện nay bộ đã ban hành nhiều quy chế đào tạo với nhiều bậc và loại hình đào tạo nhưng chưa có quy chế đào tạo trực tuyến.
Quy chế đào tạo từ xa mới chỉ ghi nhận hình thức đào tạo từ xa qua mạng với một số quy định về điều kiện cũng như cách thức triển khai đào tạo và kiểm tra, đánh giá.
Ghi nhận những ý kiến này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ GD-ĐT đang xây dựng và sẽ sớm ban hành quy chế đào tạo chính quy trực tuyến, tạo hành lang pháp lý để các trường đẩy mạnh hình thức đào tạo này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận