24/10/2019 21:08 GMT+7

Thu tiền nông thôn mới trong trường học là không đúng cách

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Lãnh đạo Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc UBND xã Phú Xuân, huyện Krông Năng nhờ các trường thu hộ tiền huy động trả nợ công trình nông thôn mới là không nên, dễ gây hiểu lầm, áp lực cho trường.

Thu tiền nông thôn mới trong trường học là không đúng cách - Ảnh 1.

Theo lãnh đaoh Phòng Tài chính - kế hoạch Sở GD-ĐT Đắk Lắk chủ trương huy động kinh phí để cải thiện cơ sở vật chất trường học là tốt nhưng xã nhờ trường thu hộ là chưa phù hợp. Trong ảnh: Một tiết học thể dục tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh, xã Phú Xuân - Ảnh: TRUNG TÂN

Liên quan đến việc "Xây công trình nông thôn mới, thu tiền từ... học sinh", chiều 24-10, ông Phạm Đăng Khoa, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc thu tiền xây dựng nông thôn mới từ học sinh dễ gây hiểu nhầm, phản cảm.

"Xã đã xây dựng kế hoạch, phương án thu nhưng lại nhờ các trường thu hộ từ học sinh là không phù hợp. Đề nghị UBND xã Phú Xuân, sau khi hoàn thiện phương án mới, sẽ thu theo hộ gia đình, tránh gây hiểu lầm, áp lực cho các nhà trường", ông Khoa đề nghị.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Sở Giáo dục - đào tại Đắk Lắk cho biết thêm việc huy đóng góp của toàn xã hội trong xây dựng cơ sở vật chất trường học phải thực hiện theo Pháp lệnh 34 ngày 20-4-2007 (về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn… ).

Theo vị này, việc UBND huyện Krông Năng dùng một phần kinh phí để đầu tư xây dựng công trình đạt mục tiêu về đích nông thôn mới (trong trường học), trong đó có phần vốn đối ứng của địa phương thụ hưởng là đúng quy định. Xã cũng đã bàn bạc, thống nhất và thu tiền theo hộ gia đình trên địa bàn theo quy định.

Tuy nhiên, theo tinh thần Pháp lệnh 34, việc này (huy động vốn) phải được công khai đến tận thôn, buôn để người dân cùng bàn bạc, thống nhất mới triển khai thực hiện. Không rõ xã Phú Xuân đã làm đầy đủ thủ tục theo điều 11 của Pháp lệnh 34 chưa?.

Cũng theo vị này, việc xã nhờ trường thu hộ tiền đóng góp xây dựng nông thôn mới vô tình khiến người dân cho rằng các trường lạm thu.

Về mức thu, vị này khẳng định xã cũng phải  bàn bạc và phải được người dân thống nhất rồi mới triển khai…

"Thu bao nhiêu, hình thức thu như thế nào cũng được vì luật không cấm nhưng nhất thiết phải được bàn bạc và do người dân quyết định trên cơ sở phương án ban đầu", vị này phân tích.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, do còn nợ gần 9 tỉ đồng vốn đối ứng (trong tổng số hơn 27,6 tỉ đồng) xây dựng các công trình trường học nhưng không có nguồn chi trả nên UBND xã Phú Xuân ra chủ trương vận động kinh phí toàn dân để trả nợ.

Sẽ giảm tiền đối ứng cho nhân dân

img_2610

Trường mẫu giáo trung tâm xã Phú Xuân đang được hoàn thiện nhưng đang nợ vốn đối ứng - Ảnh: TRUNG TÂN

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Krông Năng cho biết đã yêu cầu huyện Krông Năng đề nghị xã Phú Xuân điều chỉnh lại một số nội dung trong kế hoạch, phương án vận động không phù hợp.

Theo đó, việc vận động đóng góp của người dân phải được bàn bạc, thống nhất từ cơ sở và trên tinh thần tự nguyện…

Theo UBND huyện Krông Năng, trong khi nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế, việc UBND xã Phú Xuân huy động nguồn lực xã hội để đạt các tiêu chí nông thôn mới hết sức cần thiết.

Tuy nhiên trong cách làm chưa đồng bộ, chưa đảm bảo đúng các quy định về vận động kinh phí xã hội hóa.

Theo lãnh đạo huyện, thời gian tới HĐND huyện Krông Năng sẽ lập đoàn giám sát việc huy động nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới tại tất cả các địa phương, trong đó có xã Phú Xuân.

Đồng thời sẽ bàn bạc, thống nhất điều chỉnh nghị quyết theo hướng giảm mức đối ứng của nhân dân trong các công trình trường học vào kỳ họp HĐND huyện cuối năm 2019.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên