Người dân và doanh nghiệp quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo nhiều chuyên gia, việc giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa nhằm hỗ trợ cho người làm công ăn lương trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, nuôi dưỡng nguồn thu và vừa nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản đang tồn đọng hiện nay.
Thế nhưng, trong dự thảo nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã "bỏ rơi" người làm công ăn lương, đặc biệt là người nộp thuế TNCN.
Thu nhập giảm mạnh vẫn bị tạm trừ thuế
Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, nhiều DN đóng cửa, người lao động mất việc hoặc giảm lương nhưng hằng tháng vẫn cứ bị tạm khấu trừ số tiền thuế TNCN bằng đúng số thuế trước khi dịch COVID-19 bùng phát vì dựa trên... thu nhập bình quân của năm ngoái.
Chị Kim Loan (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết do dịch bùng phát mạnh trong 2 tháng qua nên công ty cho nhân viên nghỉ làm luân phiên. Ban đầu công ty trừ vào ngày phép nhưng rồi hết phép nên công ty đã giảm lương vì không kham nổi các chi phí phát sinh trong khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
"Dịch đã kéo dài 3 tháng, khiến người làm công ăn lương như tôi thật sự khó khăn. Đã thế tháng nào cũng bị tạm khấu trừ thuế TNCN. Trong khi các DN, hộ kinh doanh đều đã được đề xuất các chính sách hỗ trợ", chị Loan bức xúc.
Tương tự, cùng với việc cho nhân viên làm việc tại nhà từ 2 tháng nay, công ty của anh Thanh Tài (Q.7) cũng giảm tiền lương và nhiều khoản hỗ trợ khác cho nhân viên. Thế nhưng, khoản tạm khấu trừ thuế TNCN hằng tháng vẫn cố định theo mức thu nhập của năm ngoái.
"Tôi thấy cơ quan thuế công bố số thu từ thuế TNCN liên tục tăng cao những năm gần đây. Vậy trong lúc khó khăn này, cơ quan thuế không chia sẻ cho người lao động bằng cách miễn thuế TNCN cho người làm công ăn lương trong 6 tháng cuối năm như đã từng làm năm 2009?", anh Tài nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty giấy vi tính Liên Sơn (TP.HCM), cho rằng việc miễn thuế với người làm công ăn lương trong lúc này là thật sự cần thiết và thể hiện sự chia sẻ của cơ quan quản lý với người dân trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay.
Dẫn trường hợp công ty này phải tạm dừng hoạt động từ ngày 15-7 đến nay do dịch bệnh và chi phí duy trì sản xuất quá cao, ông Linh cho biết người lao động của công ty chỉ còn hưởng lương cơ bản 4,5 triệu đồng/tháng.
"Như vậy, có thể thấy rằng trên thực tế số người làm công ăn lương có mức thu nhập đến mức nộp thuế trong thời điểm hiện nay không phải quá nhiều nên rất cần chính sách hỗ trợ họ. Thực chất nhất là nên miễn thuế TNCN 6 tháng cuối năm", ông Linh nói.
Nguồn: Bộ Tài chính - Đồ họa: T.ĐẠT
Nên miễn thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Ngọc Tú (giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội), cho rằng Bộ Tài chính cần xem xét trình Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền tính toán giảm ít nhất 50% tiền thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm nay cho người làm công ăn lương.
Bởi trong lúc khó khăn, bên cạnh việc chia sẻ với DN và người lao động bị mất việc làm theo gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, Nhà nước cũng cần có chính sách chia sẻ khó khăn với người nộp thuế TNCN.
Theo ông Tú, trong khoảng 20 năm trở lại đây, mỗi khi Nhà nước miễn, giảm thuế, phí và lệ phí cho người tiêu dùng và người nộp thuế, số tiền thuế thu được không những không giảm mà còn tăng cao hơn so với dự toán và so với cùng kỳ năm trước.
Như năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, VN đưa ra một loạt các chính sách giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng tổng số thu năm 2020 vẫn cao hơn năm 2019 khi chưa có đại dịch này.
"7 tháng đầu năm nay cũng vậy, tổng thu ngân sách nhà nước bằng 67,8% dự toán và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ngân sách nhà nước đủ khả năng để đảm bảo yêu cầu chi tiêu và miễn giảm thuế, hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch", ông Tú nói.
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cũng cho rằng giảm thuế TNCN đối với những người làm công ăn lương là vô cùng cần thiết. Đặc biệt nên miễn, giảm thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm cho những người đang đóng thuế ở bậc 1-3, tương đương với thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở xuống.
"Một gia đình có 2 vợ chồng 2 đứa con, do tác động của dịch mà 1 người bị mất việc và không có thu nhập, người còn lại có thu nhập 20 - 25 triệu đồng/tháng mà vẫn phải nộp thuế TNCN là hết sức khó khăn", ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, việc Bộ Tài chính không đề xuất chính sách hỗ trợ thuế nào cho người làm công ăn lương là rất "lạ" trong bối cảnh hiện nay vì dịch đã kéo dài 2 năm.
"Nên miễn thuế TNCN 6 tháng cuối năm cho người làm công ăn lương, vừa hỗ trợ cho người dân vừa nuôi dưỡng nguồn thu để khi kinh tế phục hồi lực lượng này lại lao động và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước", ông Sơn nói.
Số thu thuế TNCN không bị ảnh hưởng nhiều
Trong năm 2009, Chính phủ đã quyết định gia hạn tiền thuế TNCN của 5 tháng đầu năm, do hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu giảm sút sau cuộc khủng hoảng tài chính trước đó, gây ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động.
Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào giữa năm 2009, Chính phủ đã trình và Quốc hội đồng ý miễn 6 tháng tiền thuế TNCN để hỗ trợ người nộp thuế, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài từ năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân nói chung, người làm công ăn lương còn khó khăn hơn năm 2009. Do đó, theo các chuyên gia, cần miễn thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm 2021 cho hơn 7 triệu người làm công ăn lương và khoản thiếu hụt này có thể được bù đắp từ nhiều nguồn khác như thu thuế TNCN từ lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, bất động sản...
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy 6 tháng qua, số thu từ thuế TNCN ước đạt trên 73.000 tỉ đồng, bằng gần 68% dự toán cả năm, đạt tiến độ cao nhất so với các sắc thuế khác, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…
Ông Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế): Miễn, giảm thuế cũng là biện pháp kích cầu
Không chỉ DN và hộ kinh doanh mà người nộp thuế TNCN cũng cần được hỗ trợ bởi đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh và nhằm đảm bảo công bằng bởi đời sống của người lao động, trong đó có người nộp thuế, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh kéo dài.
Nếu được miễn hay giảm tiền thuế TNCN, người nộp thuế sẽ giảm bớt lo âu về gánh nặng chi tiêu, có thể tăng mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ...Thị trường được khơi thông, DN sẽ bán được hàng hóa, có nguồn tiền để đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh. DN có doanh thu, có lợi nhuận sẽ quay lại đóng thuế cho ngân sách nhà nước. Như vậy, với chính sách giảm thuế hỗ trợ người nộp thuế, cả người dân, DN và Nhà nước cùng được lợi.
Có thể nói, đó cũng là một biện pháp kích cầu rất tốt. Chẳng hạn, nhờ giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước được áp dụng 6 tháng cuối năm 2021 mà số xe tiêu thụ được tăng mạnh, ngân sách cũng tăng thu hơn 11.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa (giám đốc Công ty luật TNHH Việt Tín Nghĩa): Chưa được giảm thuế lại bị chiếm dụng tiền
Do ảnh hưởng bởi COVID-19, thu nhập của người làm công ăn lương hầu hết bị sụt giảm, thậm chí giảm mạnh trong năm 2021. Như vậy, số thuế TNCN mà họ phải nộp cũng sẽ thấp hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, cơ quan chi trả vẫn căn cứ mức thu nhập của năm ngoái để khấu trừ thuế TNCN là điều bất hợp lý, rất khó chấp nhận.
Đương nhiên nếu số thuế phải nộp thấp hơn, người nộp thuế TNCN sẽ được hoàn thuế. Nhưng trong lúc khó khăn này, một số tiền lẽ ra có thể được giữ lại để trang trải chi phí cho cuộc sống đã bị chiếm dụng đến tháng 3 năm sau.
Số liệu mà cơ quan thuế công bố có thể thấy số thuế TNCN những năm gần đây liên tục tăng. Người làm công ăn lương đã đóng góp rất nhiều cho ngân sách nên lúc này cần có sự hỗ trợ ngược lại từ Nhà nước, phải giảm thuế TNCN chứ không nên chiếm dụng tiền của người nộp thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận