12/09/2012 06:23 GMT+7

Thu "lò gạch"

Ngọc Hà ghi
Ngọc Hà ghi

TT - Người thân, bạn bè vẫn gọi Vũ Khắc Hoàng Thu (xã Hợp Minh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), tân sinh viên khoa dầu khí Trường ĐH Mỏ - địa chất Hà Nội, một cách thân mật và đầy khâm phục là Thu “lò gạch”.

RvwkUeLa.jpgPhóng to
Hoàng Thu làm việc trong lò gạch - Ảnh: Đ.Bình

Ba năm nay, để có tiền theo học Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Yên Bái), phụ giúp người mẹ bệnh tật, cậu học trò mồ côi cha này phải đến lò gạch làm những công việc rất nặng nhọc để kiếm thêm tiền...

Nhà chỉ có hai mẹ con...

GS Phạm Minh Hạc (nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT):

Một chương trình đầy sức sống

Học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ là một chương trình ý nghĩa khi hướng đến sự bù đắp những thiệt thòi cho học sinh nghèo học giỏi, đỗ vào các trường ĐH-CĐ. Nhưng điều đáng nói hơn nữa là qua đó đã khơi gợi được tấm lòng, sự chia sẻ, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của bạn đọc trong cả nước, cùng nuôi dưỡng, giữ gìn đạo lý hiếu học của dân tộc.

Chương trình đã trao học bổng đến tận tay từng em học sinh nghèo thật, học giỏi thật tạo ra hiệu quả thật và hiệu ứng xã hội rộng lớn.

Song ấn tượng lớn nhất đối với tôi chính là sự giúp đỡ của những người từng được nhận học bổng này với những em tân sinh viên nghèo hôm nay. Sự đáp đền nối tiếp học bổng một cách tự nhiên ấy là minh chứng thuyết phục cho sức sống của chương trình. Sự tiếp sức của bạn đọc Tuổi Trẻ với học bổng đã đem đến thông điệp hết sức nhân văn: “Không để bất cứ học sinh nào học giỏi đỗ ĐH mà không thể đến trường vì quá nghèo khó”.

Trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ tẹo nằm sâu mãi trong xóm, sát bên những đồi chè xanh mướt, thấy có khách đến thăm, chị Vũ Thị Mai Hương (mẹ Thu) đang lúi húi bên chiếc máy khâu vội vàng đứng dậy. Sau một hồi loay hoay tìm kiếm nhưng không có đủ chén cho khách uống nước, chị ái ngại: “Nhà chỉ có hai mẹ con, các anh thông cảm cho...”.

Chị Hương tâm sự bố Thu bị cảm, đột ngột ra đi khi Thu mới 2 tuổi. Hai mẹ con chẳng có ruộng nương nên chỉ sống nhờ vào máy khâu. Nhưng giờ “Làm nghề may cũng khó kiếm quá. Chỉ thi thoảng người già may cái quần, áo đơn giản hay sửa chữa vá víu gì thì đem đến. Nhiều lúc thương con, muốn kiếm việc gì khác làm, nhưng sức yếu quá xin làm ôsin cũng không được. Mà có đi xa làm ăn cũng không nỡ vì chỉ có mỗi cháu nó ở nhà” - chị Hương sụt sịt.

Một ông lão đem cái quần cũ tới. Chị Hương vội vàng đứng lên, ngồi vào bàn máy vừa đạp xành xạch vài cái thì máy lại gãy kim. Hì hụi tháo, lắp kim máy, chị Hương chán nản nói: “Cái máy khâu Trung Quốc cũ kỹ này gần bằng tuổi thằng Thu đấy...”.

Ông lão sửa quần buột miệng chen ngang: “Rõ khổ mẹ con nhà này”. Rồi ông quay ra kể với khách mấy năm trước mưa bão làm sập căn nhà gỗ của mẹ con Thu. Căn nhà hiện tại là do xã, dân trong xóm góp công góp sức mới được, nhưng mẹ con Thu vẫn còn nợ 30 triệu đồng...

Nghe ông lão nói chị Hương gạt dòng nước mắt đang chảy lan trên gò má hốc hác, nghẹn giọng: “Thương con mà chẳng làm được gì. Biết đỗ ĐH, nó như muốn tranh thủ làm nhiều hơn. Nhập học đến nơi rồi giờ vẫn ở bên lò gạch...”.

Đóng gạch nuôi ước mơ ĐH

Cách nhà đúng 7km, tại một lò gạch ở xã Minh Tiến, huyện Chấn Yên, Hoàng Thu vẫn đang hì hục gánh gạch từ trên lò cao xuống đất xếp ngay ngắn thành từng chồng.

Trời lất phất mưa, Thu gồng mình gánh gạch. Đoạn đường từ trên lò xuống chỗ xếp gạch chỉ khoảng 100m như quá sức với dáng người ốm gầy của Thu. Đưa tay quệt mồ hôi ngang mặt, Thu hổn hển ngồi phịch xuống nền đất ẩm ướt: “Em chỉ làm nốt hôm nay, tí nữa nhận hết tiền em sẽ tạm nghỉ làm về Hà Nội nhập học”.

Thu mộc mạc tâm sự: “Nhiều lúc cố làm em cũng mệt lắm, muốn nghỉ làm nhưng nghỉ thì lấy đâu tiền học, một mình mẹ với cái máy khâu chỉ phập phù kiếm đồng gạo, đồng rau. Em cũng nghĩ chán rồi, nếu nghỉ học chỉ đi làm thuê thì không thể ngóc đầu được. Làm cái nhà đấy vẫn còn nợ trên 30 triệu đồng cơ, bao giờ mẹ con em mới trả hết nợ, bao giờ mới có tiền chữa dứt điểm bệnh tim và viêm tuyến giáp của mẹ. Chỉ có học thôi anh ạ!”.

Chúng tôi hỏi Thu: “Đỗ hai trường ĐH, sao lại chọn ngành dầu khí mà không phải Trường ĐH Y?”. “Em học chuyên hóa, thi hai trường đỗ cả hai. Nhưng em chọn học dầu khí Trường ĐH Mỏ - địa chất vì học chỉ bốn năm, ra trường có thể dễ kiếm việc hơn. Có việc, có tiền em sẽ đón mẹ lên ở gần để chăm sóc và chữa bệnh. Còn Trường ĐH Y, em nghĩ nếu theo học thì phải 6-7 năm, như thế quá lâu làm sao mẹ con em đủ tiền theo nổi...”.

Có lẽ trong cái nghèo, trong túng bấn nên Thu đã có những suy nghĩ rất thực tế, kiếm tiền bằng mọi cách để không bỏ học. Chính vì thế, ba mùa hè vừa qua và cả những lúc rảnh rỗi, Thu lại đạp xe gần chục kilômet lên lò gạch để đào đất, nhào đất, đóng gạch, gánh gạch thuê với tiền công 50.000 đồng/ngày...

Trở về nhà xếp đồ đạc để chiều lên trường, Thu loay hoay kiếm tìm mà không biết nhét sách vở, quần áo vào đâu. Thấy cái thùng tôn nhỏ đựng gạo, Thu xin mẹ rồi cậu vét số gạo ít ỏi trong thùng cho vào nồi nhỏ để lấy cái thùng tôn đựng sách vở, đồ dùng.

Chúng tôi mời Thu lên xe cùng về Hà Nội, Thu rụt rè: “Em ở lại ăn với mẹ bữa cơm trưa rồi đón xe đi sau”. Dúi vào tay Thu ít tiền, Thu kiên quyết không nhận. Nói mãi, chị Hương mới thay con nhận tiền mà nước mắt lưng tròng...

Trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên phía Bắc

Ngày 12-9 tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ, các Tỉnh đoàn phía Bắc và Thành đoàn Hà Nội phối hợp tổ chức trao 200 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 200 tân sinh viên phía Bắc vừa trúng tuyển các trường ĐH-CĐ tại Hà Nội. Tổng giá trị học bổng là 1 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất) do Giải Golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty CP phân bón Bình Điền, VTV 9, Vietnam Golf và báo Tuổi Trẻ tổ chức) tài trợ.

Ngọc Hà ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên