05/04/2013 07:28 GMT+7

Thu lại được bao nhiêu từ 32.000 tỉ USD trốn thuế?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Cyprus đang trên bờ vực phá sản trong khi châu Âu mở hàng loạt cuộc điều tra nhắm vào nạn rửa tiền và các tài khoản bí mật của giới nhà giàu, quan chức.

Các thiên đường thuế đang đứng trước sức ép, còn giới nhà giàu đang tự hỏi liệu tài sản của họ có còn an toàn?

XXXEo4Fw.jpgPhóng to
Tuần hành ở Nicosia, Cyprus ngày 2-4 trong bối cảnh chính quyền tung ra cuộc điều tra nguyên nhân khủng hoảng tài chính - Ảnh: Reuters

Tờ Guardian ngày 3-4 cho biết đang nắm giữ 2 triệu email, tài liệu nội bộ mà phần lớn rò rỉ từ thị trường tài chính quần đảo Virgin thuộc Anh, một thiên đường thuế ở Caribê, trong đó điểm mặt hàng ngàn chủ nhân giấu mặt trên toàn thế giới, từ tổng thống đến tài phiệt với những tài khoản kếch sù có tổng trị giá lên đến 32.000 tỉ USD. Trước đó, danh tánh hơn 1 triệu tài khoản nước ngoài tại quần đảo nhỏ bé này hầu như không bao giờ bị tiết lộ, thậm chí quan chức địa phương cũng không thể hình dung nổi.

Do còn đang phối hợp với Tổ chức phóng viên điều tra quốc tế và một số hãng truyền thông quốc tế, tờ báo này hứa hẹn sẽ công bố thông tin chi tiết trong tuần này. Việc điểm mặt chỉ tên “có thể hủy hoại nặng nề niềm tin của những người giàu nhất thế giới, khi họ không còn chắc chắn rằng lượng tài sản của mình sẽ không bị chính phủ hoặc hàng xóm phát hiện” - tờ báo viết và cảnh báo điều này có thể gây ra cú sốc lớn cho dịch vụ thương mại quốc tế đang nở rộ trên toàn cầu.

Bê bối lan rộng

Tài liệu của Guardian cho thấy ngoài công dân Anh, còn có những quan chức và tài phiệt nước ngoài mở công ty bình phong và tài khoản chui ở Virgin là Canada, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Pakistan, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan... Một số cái tên có cổ phần hoặc sở hữu công ty ở Virgin được điểm qua như Jean - Jacques Augier - thủ quỹ chiến dịch tranh cử năm 2012 của Tổng thống Pháp François Hollande, tổng thống Azerbaijan và gia đình hay vợ Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov. Phó chủ tịch hạ viện Bayartsogt Sangajav của Mông Cổ cho biết ông sẽ cân nhắc từ chức sau khi bị phát hiện mở công ty bí mật và có tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ.

Trước khi Guardian công bố “danh sách đen” này, bê bối đã lan rộng tại nhiều nước. Tại Pháp, Tổng thống François Hollande ngày 3-4 cho biết ông cảm thấy vô cùng “sửng sốt và tức giận” sau khi hay tin cựu bộ trưởng ngân sách Jerome Cahuzac thừa nhận có tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ trong hai thập niên qua. Ông Hollande khẳng định sẽ điều tra rõ ngọn ngành vụ việc của ông Cahuzac, người vừa từ chức trong tháng trước vì liên quan đến cuộc điều tra trốn thuế, khi nhấn mạnh đó là “một sai lầm không thể tha thứ” khi lừa dối cả quốc gia.

Chính phủ Cyprus ngày 3-4 cũng chính thức điều tra nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ tài chính buộc nước này phải ngửa tay xin tiền để giải cứu ngành ngân hàng. Cuộc điều tra của các thẩm phán tòa án tối cao nước này sẽ xem xét mọi cá nhân có trách nhiệm “chính trị, dân sự và hình sự” trong các sự kiện từ năm 2006, bao gồm cả Tổng thống Nicos Anastasiades và gia đình. Theo báo chí địa phương, ngay trước khi Cyprus quyết định tịch thu 60% tiền ký gửi trên 128.000 euro trong các ngân hàng, một công ty bên vợ của ông Anastasiades đã âm thầm chuyển 27 triệu USD khỏi Laiki, ngân hàng lớn thứ hai Cyprus.

“Công chúng có quyền được biết toàn cảnh vấn đề, những hành động nào, những sai lầm nào và ai là người phạm sai lầm đó” - cựu bộ trưởng tài chính Michael Sarris tuyên bố với Reuters. Chính ông Sarris cũng vừa từ chức ngày 2-4 để chuẩn bị cho việc điều tra vai trò của ông khi làm chủ tịch Ngân hàng Laiki. Những khoản đầu tư rủi ro cao của Laiki là nguyên nhân khiến ngân hàng này phải giải thể, khiến cuộc khủng hoảng tài chính thêm trầm trọng.

Thiên đường thuế có còn an toàn?

Sau sự cố Cyprus, các thiên đường như Malta, Thụy Sĩ, Luxembourg, quần đảo Cayman, Dubai... đã nhảy vào mời mọc các chủ tài khoản nào muốn rời khỏi đảo quốc này. Báo New York Times mô tả các thiên đường thuế trên thế giới như những con kền kền đang lượn lờ trên làn sóng rút tiền khỏi Cyprus hiện vẫn diễn ra bất chấp những biện pháp ngăn chặn của chính phủ. Dù vậy, trước đó một số khách hàng đã nhanh tay chuyển tài sản khi ngửi thấy mùi rắc rối ở Cyprus. Khoảng 18% tiền gửi của các công dân châu Âu đã được rút khỏi các ngân hàng Cyprus chỉ trong tháng 1-2013.

Nhưng sự sụp đổ của Cyprus lại đã khiến các khách hàng cảnh giác với các thiên đường thuế. Trước hết, nguy cơ nằm trong chính mô hình hoạt động của các thiên đường. Cyprus không phải là nước duy nhất mà số tiền gửi trong ngân hàng lớn gấp nhiều lần GDP. Luxembourg cũng có các tài khoản ngân hàng lớn gấp 22,5 lần nền kinh tế, lớn hơn nhiều so với Cyprus... Trong khi đó, chính phủ các nước vẫn đang tiếp tục mạnh tay với các thiên đường trốn thuế và nạn rửa tiền. Các công tố Mỹ mới đây đã yêu cầu Liechtenstein, một thiên đường thuế tại châu Âu, cung cấp thông tin cho cuộc điều tra thuế mới nhất sau vụ Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ. Tờ Wall Street Journal mới đây đưa tin hàng loạt trường hợp trốn thuế đang chờ điều tra.

“Thật không đúng khi các tập đoàn quốc tế với doanh thu khổng lồ trên toàn châu Âu, ở Mỹ nhưng chỉ đóng thuế tại những thiên đường thuế bé tẹo” - Thủ tướng Đức Angela Merkel vạch rõ. Vào tháng 1-2013, bà đã kêu gọi các nước G8 và thế giới mạnh tay hơn với các thiên đường thuế. Trước đó, Tổ chức Phát triển và hợp tác toàn cầu (đặt tại Paris) cũng kêu gọi cải tổ khẩn cấp toàn bộ luật thuế để ngăn các công ty né tránh hàng tỉ USD tiền thuế.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên