GS.TS Võ Văn Tới phát biểu trong hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sáng 24-2, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về "Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới".
Đề xuất mô hình "ốc đảo" thí điểm cho trí thức
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Võ Văn Tới cho rằng Việt Nam đã đào tạo, cung ứng trí thức khoa học, nhân tài trên nhiều mảng cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách để thu hút các trí thức Việt Nam - đặc biệt người Việt đang sinh sống tại nước ngoài - về nước làm việc, tuy nhiên vẫn còn một số thách thức.
Theo ông Tới, việc thu hút trí thức khoa học hiện nay không thể chỉ nằm trong những từ ngữ kêu gọi, hứa hẹn, cũng không thể chỉ trông đợi vào tinh thần yêu nước, tự giác. Thay vào đó, cần những hành động, kế hoạch cụ thể từ các phía, bao gồm cơ quan nhà nước.
GS Võ Văn Tới cho rằng 2 yếu tố chính để thu hút đội ngũ trí thức hiệu quả là môi trường làm việc, môi trường sống hấp dẫn và cần có những chính sách thu hút chất xám phù hợp. Các chính sách muốn đi vào thực tế cần có sự quyết tâm và thực tế.
"Tính thực tế có nghĩa là không đưa ra những yêu cầu quá đáng so với những gì chúng ta có thể cho đi. Cần có những cơ chế đơn giản, thông thoáng, mềm dẻo và nhất quán. Tránh những quy định phức tạp chồng chéo và đặc biệt là thay đổi thường xuyên", ông Tới nói.
Cũng theo ông Tới, phát triển đội ngũ trí thức khoa học rất cần những người quản lý có tâm và tầm. Ông giải thích, có "tâm" là đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết, hết lòng vì nhiệm vụ và luôn sẵn lòng giúp những người trí thức thành công. "Tầm" là tầm nhìn bao quát, biết vạch đường lối, biết thu hút nhân tâm, đặt người đúng chỗ phát triển đúng hướng.
GS Võ Văn Tới "hiến kế" có thể thử nghiệm một cơ chế "ốc đảo" thí điểm. Một khu vực, đơn vị có thể được xem như một "ốc đảo" để có thể triển khai thí điểm các chính sách mới về khoa học, công nghệ.
Ở "ốc đảo" này, các trí thức sẽ được tập hợp. Họ được giao quyền tự do nhiều hơn trong hoạt động khoa học công nghệ, miễn là không xâm phạm đến lợi ích, an ninh quốc gia, không vi phạm pháp luật, thay vì chỉ được làm những gì mà các quy định hiện đang cho phép - vốn chưa theo kịp với sự phát triển thực tế.
Ông Lại Xuân Môn - phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Nút thắt kinh phí, tài chính khi thu hút trí thức khoa học
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng với các đặc thù trong hoạt động khoa học và công nghệ, nhiều chính sách ban hành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều tổ chức, cơ quan xây dựng chính sách chưa thực sự coi "khoa học và công nghệ là quốc sách" như Hiến pháp đã quy định.
Ông Trần Văn Nghĩa cho rằng các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa đưa ra được các hành lang pháp lý bảo vệ nhà khoa học trước đặc tính rủi ro của hoạt động nghiên cứu.
"Nhiều quy định hiện chưa cho phép các nhà khoa học linh hoạt trong sử dụng kinh phí trong khi các chi phí cho hoạt động thử nghiệm, thí nghiệm không thể dự toán trước. Các nhà khoa học phải chịu áp lực lớn để hoàn thành các thủ tục về tài chính", ông nói.
Cũng theo ông Nghĩa, với các chính sách hiện hành, thu nhập trung bình của các nhà khoa học là rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến thực tế là nhân lực nghiên cứu phát triển ở các viện nghiên cứu đang giảm sút.
GS.TS Nguyễn Văn Phước - chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM - nhận định cơ chế và chính sách tài chính hiện hành trong các hoạt động khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong giải ngân, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức, tiền của, ảnh hưởng tới chất lượng các công trình nghiên cứu.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng cần hoàn thiện chính sách "đầu ra" đối với những trí thức khoa học được đào tạo theo đặt hàng sau khi tốt nghiệp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát triển tại hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
TP.HCM sẽ có thêm nhiều chính sách thu hút trí thức
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng TP.HCM luôn ý thức sự phát triển của TP phải dựa trên nền tảng tri thức.
TP.HCM hội đủ điều kiện thuận lợi khi sở hữu nhiều viện, trường, có nền kinh tế năng động, thị trường lớn để phát triển về khoa học công nghệ, nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Theo ông Mãi, một trong những cản trở là cơ chế chính sách quy tụ, kết nối, phát huy đội ngũ trí thức. Hiện nay, TP đã có nhiều chính sách để thu hút trí thức về công tác tại các cơ quan, các chính sách tập trung vào tiền lương, điều kiện ăn ở đi lại, nhưng sau một thời gian số thu hút được còn khá khiêm tốn.
Theo ông Mãi, TP.HCM sẽ có thêm các chính sách tập hợp trí thức trong và ngoài TP thông qua các chương trình phát triển TP, thông qua cơ chế đặt hàng và những hình thức phù hợp khác...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận