Trong đó đáng chú ý là quá trình triển khai thi hành việc thu hồi nhà, đất mà theo bản án gặp phải trở ngại như việc tài sản đã được chuyển nhượng trước khi cơ quan điều tra tiến hành kê biên, có sự khác biệt giữa lệnh kê biên tài sản, bản án và thực tế...
Chuyển nhượng qua nhiều người từ trước
Sau khi bản án có hiệu lực, Đà Nẵng đã triển khai thi hành và ban hành quyết định thu hồi tài sản là nhà, đất theo bản án số 158 và bản án sơ thẩm số 20.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện bản án có nhiều vướng mắc và TP cũng nhận được nhiều văn bản của các cá nhân, tập thể kiến nghị liên quan đến các tài sản thực hiện thu hồi.
Trên cơ sở rà soát các tài sản giao Đà Nẵng thu hồi và sau cuộc họp liên ngành các cơ quan trung ương, địa phương, TP đã báo cáo các nhóm vướng mắc.
Trong đó như các tài sản gồm thửa đất B3-13-35, thửa đất B3-13-51 khu đô thị Harbour Ville được chuyển nhượng trước khi cơ quan điều tra tiến hành kê biên (không còn là tài sản của của Phan Văn Anh Vũ và vợ).
Tại thửa đất B3-13-35, sau khi UBND TP Đà Nẵng rà soát lại thì do bị thay đổi diện tích đất sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng nên ngày 28-7-2016, Phan Văn Anh Vũ nộp hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận. Và Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp đổi. Từ 2016 - 2022, thửa đất đã được chuyển nhượng qua nhiều người khác.
Tương tự, thửa đất B3-13-51, Phan Văn Anh Vũ nộp hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận do bị thay đổi diện tích đất sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng và được cấp đổi. Thửa đất này từ năm 2016 - 2018 đã được chuyển nhượng qua bốn người khác nhau.
Ngoài ra là nhóm những tài sản có sự khác biệt giữa lệnh kê biên tài sản, bản án và thực tế: nhà, đất số 20 Bạch Đằng, 7 Bạch Đằng, 37, 39 Pasteur.
Nhóm tài sản liên quan đến vợ, người thân của Phan Văn Anh Vũ và các công ty có liên quan: cơ sở nhà, đất 22 Cô Giang, 7 Bạch Đằng, 100 Bạch Đằng, 2 Hải Phòng, 20 Bạch Đằng, 34 Hoàng Văn Thụ, 45, 47, 73 Nguyễn Thái Học. Những người liên quan đề nghị các nội dung như xem xét lại việc thu hồi tài sản; hủy bỏ lệnh kê biên...
Đà Nẵng đã báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn để thực hiện theo bản án và giải quyết các kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài những tài sản trên, theo tìm hiểu việc thi hành án còn gặp khó ở một số dự án khác như tại khu đô thị quốc tế Đa Phước. Tòa tuyên giao Đà Nẵng thu hồi khu đất 29ha của dự án này, trong khi tài sản trên đất của Công ty Đa Phước và những nhà đầu tư khác không được đề cập.
Gỡ vướng như thế nào?
Luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - cho rằng việc thi hành bản án số 158 cho đến nay vẫn gặp khó do có nhiều nội dung chưa rõ ràng, cần thực hiện các giải pháp phù hợp để xem xét lại bản án mới có thể thi hành được đúng luật.
Theo luật sư Cao, hiện nay nếu UBND TP Đà Nẵng muốn thi hành được một số nội dung bản án số 158 thì không thể đề nghị tòa án ban hành bản án hướng dẫn việc thi hành, mà phải thực sự cần các quy trình pháp lý để cấp có thẩm quyền của TAND tối cao xem xét lại bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Theo quy định tại điều 261, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, không được sửa chữa, bổ sung bản án trừ trường hợp phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai.
Việc sửa chữa, bổ sung bản án không được làm thay đổi bản chất vụ án hoặc bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Điều đó được hiểu là bản án chỉ có thể sửa chữa, bổ sung nếu có lỗi về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai, còn các nội dung khác không được sửa chữa, bổ sung.
Trong khi đó, những vấn đề bản án 158 được nêu ra như tuyên thu hồi tài sản của Phan Văn Anh Vũ nhưng thuộc sở hữu của người khác, tài sản bị kê biên khác với tài sản trên thực tế, tài sản của những cá nhân, tổ chức liên quan khác chưa được xác định, phân tách, nhận định trong vụ án nhưng bị thu hồi...
Những sai sót này trong các bản án không thể dùng các văn bản sửa chữa, bổ sung theo quy định tại điều 261 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc phát hiện đất trước đây của Phan Văn Anh Vũ đứng tên nay rà soát trên thực tế thuộc sở hữu của người khác thì thuộc trường hợp có tình tiết mới.
Theo quy định tại khoản 2, điều 27, Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu bản án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Theo quy định tại điều 372, 373, 399 của Bộ luật Tố tụng hình sự, UBND TP Đà Nẵng là cơ quan phát hiện những vấn đề mới trong bản án số 158 có quyền gửi văn bản cho chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao để tiến hành đề nghị kháng nghị xem xét lại bản án số 158 theo quy định pháp luật.
Sau khi người có thẩm quyền kháng nghị đối với bản án, bản án được cơ quan có thẩm quyền của TAND tối cao xem xét lại, quyết định lại có nội dung phù hợp quy định pháp luật để đảm bảo có thể thi hành, việc thi hành án đối với những vấn đề còn vướng mắc tại bản án số 158 mới được giải quyết triệt để.
UBND TP Đà Nẵng và những người có quyền lợi liên quan cần thực hiện thủ tục theo quy định của luật gửi đến những người có thẩm quyền kháng nghị để được xem xét theo trình tự pháp luật quy định.
Thi hành án cũng "kêu" khó
Suốt thời gian qua, việc thi hành bản án 158 đến chính cơ quan thi hành án dân sự cũng nhiều lần "kêu" khó.
Trong báo cáo kết quả công tác 2023, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng nêu một số vụ điển hình có giá trị lớn, khó thi hành án.
Trong đó có bản án 158, 20 liên quan Phan Văn Anh Vũ và các cựu quan chức Đà Nẵng liên đới bồi thường thiệt hại cho UBND TP Đà Nẵng để sung quỹ nhà nước số tiền trên 4.192 tỉ đồng và lãi chậm thi hành án.
Nguyên nhân gặp khó là do số tiền thi hành án lớn nhưng tài sản chưa xử lý được do vướng mắc về cơ sở pháp lý, liên quan chủ trương chính sách của Nhà nước, địa phương; vướng mắc về hiện trạng tài sản dẫn đến chưa thể xử lý tài sản đảm bảo...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận