Đây là dấu hiệu tích cực nhưng nhiều chuyên gia cho rằng phải quyết liệt mới thu hồi được chủ trương đầu tư các dự án, tránh trường hợp "đánh trống bỏ dùi".
Luật đầu tư và Luật đất đai hiện hành đã có quy định về việc thu hồi với quy trình khá dài về việc chấm dứt chủ trương đầu tư với các chủ đầu tư chậm triển khai dự án (xem đồ họa). Dù vậy nhiều năm qua, việc thu hồi chủ trương đầu tư hay thu hồi lại đất các dự án treo khó khăn, rất ít dự án bị thu hồi.
Dân chai lì cảm xúc vì... dự án treo
"Án treo" là cách ví von của người dân khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng, quận 1, TP.HCM) khi nói về dự án treo ở khu này. Quyền lợi của người dân cũng treo dai dẳng đời này sang đời khác. Hơn 20 năm, dự án làm người dân bị hạn chế đủ thứ quyền về xây dựng, sửa chữa nên không lạ khi nói khu này rất "nhếch nhác", nhà cửa như mê cung.
Từ năm 2000, TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa nhằm thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị, với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 68.000m2 với hơn 1.400 căn nhà dự kiến giải tỏa toàn phần.
Dự án này được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện và đến năm 2007, chuyển sang Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco. Định hướng biến khu vực này thành khu phức hợp hiện đại sau hai lần đổi chủ đầu tư vẫn nằm trên giấy. "Từ lúc chưa chồng đến khi có con, con sinh mấy đứa cháu vẫn chưa thấy gì", một phụ nữ lớn tuổi trong khu Mả Lạng ngán ngẩm.
Chính quyền TP mới đây cũng có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở khác và UBND quận 1 khẩn trương thực hiện kết luận về thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án khu Mả Lạng. Hơn 1.400 hộ dân ở Mả Lạng sẽ được khôi phục quyền mua bán, cho tặng, thừa kế, cầm cố tài sản nhưng vẫn bị giới hạn xây dựng mới.
Ông Minh Đức (một người dân ở khu Mả Lạng) cho biết toàn khu có hơn 500 ngôi nhà dưới 20m2, một số thuê lại từ Nhà nước, một số của tư nhân và nhà tạm tự dựng lên từ thời còn các ngôi mộ. Có những căn nhà chỉ 7m2 nhưng là nơi cư trú của 2 - 3 thế hệ.
Theo ông Đức, đây không phải lần đầu tiên dự án đổi chủ đầu tư, người dân nơi đây chỉ mong được tạo điều kiện mua hóa giá lại chính căn nhà đang ở. Đến khi nào giải tỏa, người dân vẫn sẽ chấp hành, để dân được có giấy tờ hợp pháp và hưởng quyền lợi chính đáng.
Cần thực hiện nghiêm việc thu hồi
Đây không phải là dự án treo đầu tiên TP.HCM quyết liệt thu hồi. Trước đó dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão được chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2007. Đây là dự án có chức năng thương mại, dịch vụ như văn phòng, khách sạn cao cấp...
Tuy nhiên, do vướng mắc về mặt pháp lý, đến năm 2020 TP chủ trương thu hồi và không còn kêu gọi đầu tư. TP điều chỉnh quy hoạch khu vực giúp giữ lại quỹ đất giáo dục, giải quyết nhu cầu sửa chữa, xây dựng của các hộ dân và doanh nghiệp tại đây cũng như chỉnh trang đô thị.
Hay gần đây nhất là dự án Sài Gòn Silicon, lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ hoàn tất thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư dự án Sài Gòn Silicon trong năm 2023. Sau hơn tám năm triển khai, dự án này mới chỉ làm được một vài hạng mục, còn lại để hoang hóa đất đai thành bãi chăn bò.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc thu hồi chủ trương dự án chậm triển khai còn ì ạch, chưa nghiêm. TS Nguyễn Thị Anh, phó trưởng khoa luật Trường kinh tế luật và quản lý nhà nước - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng dự án chậm triển khai không chỉ làm khổ người dân bị quy hoạch treo mà còn làm lãng phí nguồn lực xã hội.
Chính vì vậy, nếu có dấu hiệu của việc nhà đầu tư đã có hành vi "giả tạo" khi lập dự án đầu tư để thực hiện mục đích khác hoặc chậm trễ làm dự án, cơ quan nhà nước cần phải thực hiện nghiêm việc thu hồi lại dự án theo luật định để không còn dự án treo.
Muốn như vậy, các cơ quan quản lý phải liên tục rà soát bằng thanh tra, kiểm tra để phát hiện những chủ đầu tư vi phạm quy định về sử dụng đất, từ đó đề xuất phương án và cho chủ đầu tư thời gian khắc phục. Nếu sau đó chủ đầu tư vẫn không thay đổi phải cương quyết thu hồi dự án.
Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai
Tháng 12-2018, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý điều chỉnh, hủy bỏ thu hồi quyết định với 180 dự án không triển khai thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, trong đó có 80 dự án được HĐND TP thông qua.
Cụ thể, đối với 100 dự án đã được UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện từ năm 2015 - 2018 với tổng diện tích đất là 812,9ha nhưng không thực hiện đúng theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường trình cụ thể, đề xuất UBND TP giải quyết các vấn đề phát sinh sau quá trình công khai, xử lý.
Đối với 80 dự án thuộc trường hợp thu hồi đất đã được HĐND TP thông qua với tổng diện tích đất 281,79ha, UBND TP yêu cầu phải rà soát thật chặt chẽ pháp lý các dự án trình HĐND TP điều chỉnh, hủy bỏ các dự án theo thẩm quyền.
Tại kỳ họp HĐND TP vào tháng 12-2022, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết từ năm 2016 - 2022, HĐND TP.HCM đã có 13 nghị quyết cho phép chuyển mục đích và thu hồi đất đối với 1.532 dự án. Đến thời điểm tháng 12-2022, TP.HCM đã hoàn thành 451 dự án, đang triển khai thực hiện 718 dự án. Trong đó có 357 dự án chậm triển khai, đã hủy 169 dự án, còn lại đang xem xét.
Ông Thắng khẳng định rằng với tất cả dự án đủ điều kiện đưa vào sử dụng đất, triển khai các bước nhưng chậm triển khai mà không có lý do chính đáng thì cơ quan chức năng sẽ quyết liệt xử lý.
Tại Hà Nội, ở một buổi tiếp xúc cử tri tháng 11-2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong tháng 8-2022, Hà Nội đã thu hồi 25 dự án chậm triển khai với khoảng 500ha. Ông Thanh cũng khẳng định Hà Nội quyết tâm thu hồi các dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không mặn mà thực hiện.
Trình tự, thủ tục xử lý, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
* Liên lạc được chủ đầu tư
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản, quyết định xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và ra quyết định thu hồi đất (với trường hợp Nhà nước giao, cho thuê đất làm dự án).
2. Cơ quan đăng ký đầu tư (cấp tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư) quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản.
* Không liên lạc được với chủ đầu tư
1. Lập biên bản về việc dự án đầu tư ngừng hoạt động và không liên lạc được với nhà đầu tư.
2. Gửi văn bản yêu cầu nhà đầu tư liên lạc với cơ quan đăng ký đầu tư để giải quyết việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đến địa chỉ mà nhà đầu tư đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư.
3. Trong 30 ngày mà nhà đầu tư không liên lạc, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện văn bản đề nghị hỗ trợ liên lạc với nhà đầu tư đến UBND cấp xã nơi nhà đầu tư cư trú hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà nhà đầu tư mang quốc tịch (đối với nhà đầu tư nước ngoài), đồng thời đăng tải thông báo yêu cầu nhà đầu tư liên lạc với cơ quan đăng ký đầu tư để giải quyết việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong thời hạn 90 ngày trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.
4. Hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày dự án đầu tư ngừng hoạt động mà không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận