17/10/2020 06:30 GMT+7

Thủ Đức - Khát vọng Phố Đông - Kỳ 4: Những dự án giữa chiến tranh

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Năm 1957, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa được thiết kế cho 1.000 xe lưu thông tốc độ 80km/h, với mục tiêu nối đô thành Sài Gòn với Khu công nghiệp Biên Hòa lúc ấy cũng đang trong kế hoạch hình thành và phát triển các khu đô thị, kỹ nghệ 2 bên đường.

Thủ Đức - Khát vọng Phố Đông - Kỳ 4: Những dự án giữa chiến tranh - Ảnh 1.

Sơ đồ xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa năm 1957 - Ảnh: TTLTQG2

"8-8-1957: Xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa được thiết lập.

18-11-1960: Ký thỏa ước vay Quỹ Phát triển kinh tế 12.700.000 USD lập Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức.

29-12-1960: Một khu kỹ nghệ được thiết lập tại Thủ Đức gồm: nhà máy nhiệt điện, trạm biến điện Đa Nhim, sân dự trữ than Nông Sơn, nhà máy ximăng và một cơ sở giang thuyền.

28-4-1961: Khánh thành xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa.

12-12-1966: Khánh thành Nhà máy lọc nước Thủ Đức...".

Huyết mạch

Những dòng vắn tắt thông báo sự sinh thành, phát triển của thành phố, xã hội này phải khó khăn lắm mới nhặt được ra giữa tin tức chiến sự ngồn ngộn trong bộ sách Việc từng ngày của tác giả Đoàn Thêm.

Đến hôm nay, từ TP.HCM tới Biên Hòa đã có thêm nhiều lựa chọn: xe thẳng tiến đường Phạm Văn Đồng thênh thang, hay nhấn ga trên cao tốc Long Thành, nhưng quốc lộ 1 xuyên giữa quận 2, Thủ Đức, quận 9 vẫn là con đường huyết mạch và đã phải mở rộng đến 140 - 160m chiều ngang cho mười mấy làn xe cùng lưu thông mà nhiều lúc vẫn xảy ra ùn tắc, kẹt xe.

Tính chất huyết mạch này đã được trù tính từ khi con đường còn nằm trên bản vẽ.

Năm 1957, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa được thiết kế cho 1.000 xe lưu thông với tốc độ 80km/h, với mục tiêu nối đô thành Sài Gòn với Khu công nghiệp Biên Hòa lúc ấy cũng đang trong kế hoạch hình thành và phát triển các khu đô thị, kỹ nghệ hai bên đường.

Sắc lệnh của tổng thống Việt Nam cộng hòa khi ấy là ông Ngô Đình Diệm ghi rõ: "1. Cho phép kiến tạo một xa lộ từ Sài Gòn đến Biên Hòa. 2. Để thực hiện công tác này sẽ sử dụng: một giải đất rộng 100m từ Sài Gòn đến Biên Hòa theo họa đồ; hai giải đất chạy dọc suốt hai bên xa lộ, mỗi giải rộng 950m tính từ ranh giới xa lộ ra phía ngoài (dự phòng thiết lập các cơ sở công ích)".

Bốn làn xe, rộng 21m, dài 31km từ cầu Phan Thanh Giản (tức cầu Điện Biên Phủ hiện nay - PV) tới ngã tư Tam Hiệp - Biên Hòa với hai cây cầu lớn: cầu Sài Gòn và cầu Đồng Nai, thi công bằng công nghệ trải nhựa hiện đại nhất lúc đó, được gắn đèn cao áp thủy ngân tự thắp sáng, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa thẳng và phẳng đủ để gây ấn tượng sâu đậm cho người Sài Gòn.

Đến bây giờ, ngã tư Tây Hòa quận 9 vẫn được người dân quen gọi là "ngã tư RMK", nơi Hãng RMK-BRJ phụ trách thi công xa lộ đã dựng trại làm đại bản doanh.

Con đường khánh thành tháng 4, đến tháng 6-1961 Phủ tổng thống tiếp tục ra văn thư thành lập một ủy ban liên bộ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ làm cố vấn với nhiệm vụ: "Đi xem tận chỗ hai bên xa lộ để trù tính sự ứng dụng của từng vùng và phân định vị trí, diện tích có thể dành công tác kiến thiết nào: khu dân cư, cư xá, khu công viên, cắm trại... để tránh nạn xây cất bừa bãi, mất mỹ quan, sau này khó chỉnh trang lại được.

Với các sở đất được chọn, đề nghị phải kèm theo họa đồ chi tiết".

Thay đổi dành cho Sài Gòn

Đường đi đến đâu, đổi thay đến đó. Năm 1960, khu kỹ nghệ đã được thành lập ở Thủ Đức, bắt đầu xây dựng dọc xa lộ những nhà máy vẫn còn đóng vai trò thiết yếu đến tận sau này: Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức, Nhà máy Lọc nước Thủ Đức, Nhà máy Ximăng Hà Tiên (dừng hoạt động năm 2016 và được tháo dỡ năm 2019 - PV)...

Khu đại học Thủ Đức cũng được ký quyết định thành lập vào tháng 5-1961, ngay sau khi khánh thành xa lộ với mục đích cung cấp nhân lực cho khu kỹ nghệ và phát triển dân cư trình độ cao ở Thủ Đức.

Những dòng thông tin trong Việc từng ngày cũng thay đổi theo: "19-5-1965 - Bộ Công chánh giải thích nguyên do nạn cúp điện luân phiên tại Sài Gòn - Gia Định: hệ thống điện Đa Nhim bị hư hại, mất hẳn 14.000kW, chỉ còn 64.000kW, trong khi công suất tối thiểu là 78.500kW;

9-9-1965: Giới hữu quyền cho biết tại Sài Gòn - Gia Định điện sẽ bị cắt nhiều hơn, mỗi khu sẽ không có điện 3 ngày/lần và có thể kéo dài suốt ngày hoặc suốt đêm; 21-9-1965: Bộ Công chánh quả quyết đến cuối tháng 12 này sẽ không còn nạn cắt điện tại đô thành Sài Gòn và Gia Định".

Năm 1966, Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức vận hành và phát điện tổ máy hơi nước đầu tiên, công suất 33.000kW. Đến 25-9-1972, nhà máy chính thức khánh thành với công suất 132.000kW, đáp ứng 60% công suất thực dụng tại Sài Gòn.

Cho đến lúc bấy giờ, ngay tại Sài Gòn vẫn còn 30% số nhà ở chưa được mắc điện. Có Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức, hệ thống phân phối điện tiếp tục được phát triển.

Kế hoạch xây dựng tiếp một nhà máy thứ hai với công suất 250.000kW cũng đã lập xong, dự kiến khởi công đầu năm 1973 và khánh thành năm 1975 để phục vụ dân số Sài Gòn đã lên đến trên 2 triệu người. Nhưng dự án này đã không thể triển khai vì cuộc chiến tranh đang đi vào giai đoạn cuối.

Ngoài việc dòng điện được cung cấp đều đặn hơn, năm 1966 người dân Sài Gòn còn tin vui: Nhà máy Lọc nước Thủ Đức đã dẫn được nguồn nước sông Đồng Nai ngọt lành khi đó về tận từng nhà. Công suất tối đa 680.000m3/ngày, 90% các gia đình ở Sài Gòn đã được sử dụng nước sạch.

Thế nhưng lượng di dân cơ học vào Sài Gòn ngày càng cao, đến năm 1972 đã lên đến 3,3 triệu người, khả năng cung cấp nước nhanh chóng quá tải, chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Một đường ống nước thứ hai đã lại ngay lập tức được chuẩn bị để nâng công suất.

Nhà máy nước thứ hai cũng được nghiên cứu khả thi để có thể phục vụ đến năm 2000. Nhà máy thứ hai ấy không xây dựng được, nhưng Nhà máy Nước Thủ Đức vẫn nâng được công suất lên gấp nhiều lần ban đầu, đóng vai trò chủ lực trong cung cấp nước cho TP.HCM đến tận ngày nay.

Thủ Đức - Khát vọng Phố Đông - Kỳ 4: Những dự án giữa chiến tranh - Ảnh 2.

Nhà máy Nước Thủ Đức bên cạnh xa lộ Hà Nội hiện nay - Ảnh: TỰ TRUNG

Cam kết

Trong những tập hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia khu vực II, có bản cam kết của ông bộ trưởng Công chánh - Giao thông sẽ "xây dựng nhà máy lọc nước tương xứng với cảnh quan tôn tạo của toàn vùng, không ảnh hưởng đến khu đại học. Phía trước có bồn hoa bãi cỏ, hàng rào cây xanh, hồ nước phản chiếu, các bể lọc nước kỹ thuật nằm phía sau nhà máy hoặc ngầm dưới đất".

Và cũng có cả một tập rất dày đơn của hàng trăm gia đình cư ngụ tại ấp Linh Trung, Thủ Đức, Gia Định đã phải di dời để nhường chỗ cho nhà máy được ra đời. Sổ ghi ý kiến, đề nghị của dân trong cuộc điều tra hành chính đã ghi lại hàng trăm đề nghị tha thiết "xin được ở lại nơi mà tổ phụ chúng tôi đã khai phá", nét chữ nông dân nguệch ngoạc run run.

Nhưng rồi người dân cũng đã phải rời ruộng vườn, tìm cho mình kế sinh nhai khác để đô thành có điện có nước, để Thủ Đức có những khu dân cư, cư xá ngăn nắp hơn và Ủy ban chỉnh trang xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa đã lặp lại nhiều lần trong các biên bản họp xuyên qua nhiều năm và nhiều cuộc chính biến:

"Trừ các cơ sở có tính cách lợi ích công cộng, không một cơ quan, đoàn thể nào được lấy đất của tư nhân để sử dụng vào các công tác không có tính lợi ích công cộng, chỉ nên điều đình với các sản chủ mua đất với giá tương thuận để chứng tỏ sự tôn trọng quyền tư hữu".

Và Thủ Đức những năm 1960 đã dần phát triển trong chiến tranh với nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng...

Trong chiến tranh hay hòa bình thì những con đường bao giờ cũng làm rất tốt chức năng của nó: thay đổi bộ mặt của toàn khu vực. Xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa lập tức trở thành quốc lộ mới (thay thế quốc lộ cũ, tức Kha Vạng Cân - PV) và khu vực đầu tiên được thay đổi chính là Thủ Đức, với những công trình lần lượt mọc lên hai bên đường.

Việc tổ chức "thành phố trong thành phố", sáp nhập ba quận để thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, một mũi nhọn phát triển mới của TP.HCM, vốn chưa có tiền lệ tại Việt Nam nhưng vừa đề xuất đã được sự ủng hộ hồ hởi của cả lãnh đạo và người dân...

Kỳ tới: Khát vọng phát triển

Thủ Đức - Khát vọng Phố Đông - Kỳ 3: Bưng sáu xã anh hùng Thủ Đức - Khát vọng Phố Đông - Kỳ 3: Bưng sáu xã anh hùng

TTO - Giữa khu di tích Bưng sáu xã là một sa bàn thể hiện khu vực bưng sáu xã (Long Trường, Phú Hữu, Phước Long, Tăng Nhơn Phú, Bình Trưng, An Phú) ngày xưa: một màu xanh mịt mùng của rừng dừa nước, cỏ năn, gò tràm, đầm lầy, sông rạch chằng chịt.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên