Một tiết học sôi động của cô trò Trường THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM) ở môn địa lý với bài “Địa lý địa phương” - Ảnh: Như Hùng |
Trước mắt vẫn sử dụng chương trình - sách giáo khoa hiện hành nhưng mạnh dạn cắt bỏ 20% nội dung, lấy quỹ thời gian này để tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp |
Với tinh thần đó, tôi mạnh dạn đề xuất lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông như sau.
1. Năm học 2017 - 2018
Khảo sát, điều tra thực trạng giáo dục phổ thông mà đối tượng là cấp sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục. Mẫu khảo sát phải mang tính đại diện cho các vùng, miền; tiến hành khảo sát, điều tra nghiêm túc, trung thực, công khai và chịu sự giám sát của cộng đồng thông qua tổ chức đại diện của họ.
2. Năm 2017 - 2020
Đào tạo lại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục. Nội dung đào tạo, hình thức đào tạo, quỹ thời gian ra sao... phải hết sức cân nhắc.
Việc biên soạn nội dung đào tạo cần có ban soạn thảo theo vùng, miền và thành phần gồm cán bộ quản lý, các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên cốt cán tại cơ sở.
Hình thức đào tạo kết hợp giữa tập trung và từ xa, thời gian nên rải đều trong năm học.
Đào tạo giáo viên dạy các bộ môn như nhạc, họa, hướng dẫn hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tư vấn tâm lý học đường... Nhất thiết phải điều hòa cho được (chất lượng) đội ngũ quản lý và giáo viên ở từng cấp học, trên cùng một địa bàn.
Thay đổi kiểm tra, đánh giá, thi cử, cùng với đó là dẹp bỏ được những tiêu cực trong giáo dục như dạy thêm, học thêm; lạm thu; bạo lực học đường. Đổi mới công tác quản lý tài chính, khuyến khích phát triển mô hình tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục công lập; thực hiện khoản thu duy nhất trong nhà trường. Đổi mới công tác quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh quản lý cấp sở, phòng, cơ sở giáo dục.
Sắp xếp lại mạng lưới trường học từ tiểu học đến trung học phổ thông. Tùy điều kiện kinh tế, truyền thống văn hóa, tình hình dân cư, hướng phát triển tại mỗi địa phương để bảo đảm một tỉ lệ hợp lý trường công lập và trường tư thục. Và công lập đúng nghĩa, trường công mà loạn khoản thu thì đó là... hàng giả! Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển trường tư thục, đặc biệt là các trường tư thục phi lợi nhuận. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục.
Từng bước cải thiện đời sống giáo viên, nhân viên (cố gắng đến năm 2022 họ sống được với đồng lương của mình); cải tiến công tác quản lý. Chấm dứt việc quản lý đối phó, mất dân chủ, bệnh thành tích. Đừng nghĩ rằng có chương trình, có sách giáo khoa mới là có thể “quy đổi” (như kiểu quy đổi theo giá - lương - tiền ngày ấy...) ngay nền giáo dục đang ngổn ngang thành quy củ.
Học sinh - nhân vật trung tâm trong nhà trường - sẽ khó mà chuyển ngay. Các em cần được chuẩn bị, đó là phát triển kỹ năng mềm; hiểu biết và ứng dụng công nghệ thông tin; trình độ ngoại ngữ. Thầy trò cùng được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, tâm thế - đổi mới mới có cơ sở thành công.
Trong lúc cơ sở giáo dục tích cực chuẩn bị cho đổi mới thì Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành liên quan làm rõ triết lý giáo dục; các năng lực cốt lõi và phẩm chất của người học sinh mới; xây dựng khung chương trình, biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục biên soạn chương trình nhà trường, có thể cả chương trình của lớp. Việc thí điểm chương trình mới bắt đầu học từ năm học 2020 - 2021, mở rộng thí điểm và tổng kết đánh giá trong năm học 2021 - 2022.
3. Năm học 2022 - 2023
Tiến hành thực hiện đại trà ở các lớp đầu cấp (lớp 1, 6, 10) và cứ thế cho những lớp tiếp theo vào những năm học sau. Năm năm chuẩn bị cho một giai đoạn được thực hiện khoảng 20 năm và quan trọng hơn góp phần đào tạo nguồn lực vô cùng quý giá - con người - là hết sức cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận