Sáng 1-6, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình tới các đại biểu Quốc hội về các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và tỉ giá...
Đánh giá việc điều hành lãi suất, tín dụng, chính sách tiền tệ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là đầy thách thức, bà Hồng chia sẻ mọi nhiệm vụ đều khó, nên mục tiêu ưu tiên của ngân hàng là kiên định giữ ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ và theo dõi sát tình hình.
Chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn
Mặc dù việc giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp và được quan tâm chỉ đạo, song theo bà thống đốc, giảm lãi suất cần đặt trong bối cảnh ổn định vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Trong đó, năm 2022 phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn do lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh, mạnh. Dẫn chứng là lạm phát trong nước bình quân tăng 3,15%, cao hơn năm 2021 và nửa cuối năm 2022 còn có xu hướng tăng nhanh. Vì vậy, việc điều hành "không thể chủ quan” với lạm phát.
Thêm nữa, áp lực mất giá tiền đồng khi các nước thắt chặt tiền tệ, đồng USD tăng nhanh. Bà nhắc lại tháng 9, 10 năm ngoái áp lực mất giá VND lên tới 9-10%, nên nếu không có giải pháp linh hoạt, đồng bộ thì khó ổn định tỉ giá.
Nhờ đó đồng Việt Nam chỉ mất giá 3,5% trong 2022.
“Ở thời điểm đó điều hành thị trường rất khó khăn nên Thủ tướng cập nhật báo cáo hằng ngày”, bà Hồng kể lại.
Đến khi tỉ giá ổn định trở lại, lạm phát tăng chậm, bà cho biết những tháng đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước đã ba lần điều chỉnh lãi suất. Hiện mặt bằng lãi suất các khoản vay mới giảm bình quân 0,9%/năm so với cuối năm 2021.
Do sự cố SCB, ưu tiên ổn định hệ thống
Về điều hành tín dụng, bà Nguyễn Thị Hồng nhắc lại tháng 10-2022 - thời điểm diễn ra tình trạng rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB. Nhận định đây là vấn đề “chưa từng có trong lịch sử, nguy cơ lan truyền tới hệ thống ngân hàng rất lớn”, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước phải ưu tiên ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động tổ chức tín dụng.
“Các giải pháp phải hướng tới điều này, nên không thể điều chỉnh room tín dụng vào tháng 10. Khi thanh khoản ổn định mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng”, bà Hồng nói và khẳng định thêm việc ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống trong bối cảnh đó là đúng đắn.
Giải trình về các ý kiến cho rằng doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, bà Hồng cho biết cơ chế chính sách cho vay không thay đổi. Năm 2022 tín dụng tăng 14,16%, 5 tháng đầu năm chỉ tăng 3%, mặc dù là mức thấp nhưng bà cho rằng “không thể nói do chính sách”.
"Dư địa room tín dụng của các tổ chức tín dụng thoải mái, thanh khoản hệ thống dư thừa. Không có lý do gì tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền lại không cho vay”, bà Hồng nói.
Theo bà, trên cơ sở phân loại nhóm doanh nghiệp cần tập trung tháo gỡ nhóm không có đầu ra thị trường, không có nhu cầu vay vốn bằng giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn cần có giải pháp như bảo lãnh vay vốn.
Riêng với bất động sản, bà Hồng cho hay tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức chung. Khó khăn của doanh nghiệp chiếm tới 70% là do pháp lý, nên cần tập trung tháo gỡ, kích thích tín dụng cho xây dựng, bất động sản và người mua nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận