02/03/2020 20:46 GMT+7

Thông báo đóng cửa, Leflair bị tố còn 'dính' công nợ hàng chục tỉ đồng

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Ước tính số công nợ mà sàn thương mại điện tử này chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD, trong khi đó, khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản chưa đến 50.000 USD. Văn phòng làm việc đã đóng cửa trong tuần này.

Thông báo đóng cửa, Leflair bị tố còn dính công nợ hàng chục tỉ đồng - Ảnh 1.

Trang thương mại điện tử Leflair đã chọn cách chia tay thị trường Việt Nam không yên ả

Đầu tháng 2-2020, trang thương mại điện tử Leflair bất ngờ gửi thông báo đến các nhà cung cấp về việc sẽ đóng cửa trang thương mại điện tử tại Việt Nam sau 4 năm hoạt động.

Việc thông báo diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, khiến nhiều nhà cung cấp lẫn nhân viên doanh nghiệp này bất ngờ.

Tuy nhiên, trong khi công nợ cũng như tiền lương, thưởng tết đang được hai bên giải quyết thì ngày 1-3, các nhà cung cấp phát hiện văn phòng của nhà bán lẻ trực tuyến này không còn hoạt động, tạm đóng cửa.

Theo phản ánh của các nhà cung cấp, từ sau tết đến nay họ vẫn đang nỗ lực giải quyết công nợ với ban lãnh đạo doanh nghiệp, phía đại diện Leflair chỉ hứa hẹn và đưa ra một số phương án. Tuy nhiên, việc văn phòng không còn hoạt động khiến họ lo lắng.

Trong buổi làm việc với các nhà cung cấp, đại diện Leflair nói ước số công nợ mà sàn thương mại điện tử này chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD, trong khi đó khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản chưa đến 50.000 USD.

Bà N., một nhà cung cấp đang có công nợ hơn 1 tỉ đồng với Leflair, cho biết trong một cuộc gặp gần đây, đại diện công ty nói doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính và đang gặp gỡ một số nhà đầu tư khác nhau.

Nếu bán thành công, công nợ với nhà cung cấp sẽ được giải quyết và trang thương mại tiếp tục hoạt động.

Thông báo đóng cửa, Leflair bị tố còn dính công nợ hàng chục tỉ đồng - Ảnh 2.

Văn phòng Leflair ở quận 10, TP.HCM đã đóng cửa trong tuần này - Ảnh: J.S.

Theo dự kiến, giữa tháng 2-2020 là thời điểm Leflair phải thanh toán tiền hàng với các nhà cung cấp trước khi trang ngưng hoạt động. Nhưng thực tế có rất nhiều nhà cung cấp chủ yếu là sản phẩm chăm sóc nhà cửa, đồ dùng gia đình có công nợ trước đó hơn 2 tháng, số tiền nợ ghi nhận lên đến cả vài tỉ đồng.

Ngoài bị tố nợ tiền hàng của nhà cung cấp, tiền lương nhân viên, Leflair còn "kẹt" tiền của khách hàng, những người đã đặt mua hàng trên trang web này và thanh toán xong nhưng chưa nhận được hàng.

Chị Hồng, khách hàng đã ba lần đặt mua đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm… trên trang Leflair, cho biết đã chuyển khoản tổng cộng khoảng 2,2 triệu. Sau vài ngày, chị nhận email của Leflair báo hủy đơn hàng và sẽ hoàn tiền sau. Tuy vậy, đến nay chị vẫn chưa nhận lại được tiền, cũng không liên hệ với công ty được nữa.

"Hàng trong kho của doanh nghiệp này vẫn còn nhưng không lấy ra được. Tôi nghĩ doanh nghiệp đang có vấn đề với đơn vị cho thuê kho hàng" - chị L., một nhà cung cấp khác, cho biết.

Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với phía Leflair nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Leflair được thành lập năm 2015 bởi 2 doanh nhân người Pháp Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, sàn chuyên bán các loại hàng hiệu từ mỹ phẩm đến thời trang, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hiệu cao cấp chính hãng từ các thương hiệu hàng đầu thế giới với mức giá hấp dẫn.

Trong thông báo gửi đến nhà cung cấp, Leflair cho biết trong 4 năm tồn tại, sàn thương mại điện tử chuyên hàng hiệu đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu mỗi năm ước tính hàng chục triệu USD với giá trị đơn hàng trên mỗi khách được đánh giá cao nhất trên thị trường.

Năm ngoái, Leflair công bố vòng gọi vốn Series B từ 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management có trị giá 7 triệu USD, đưa tổng giá trị các vòng gọi vốn của công ty từ lúc thành lập đến nay đạt gần 12 triệu USD.

Một phần tiền gọi vốn được ban điều hành tập trung trả nợ, phần còn lại đầu tư cho hệ thống vận hành.

Tuy nhiên, sàn đã gặp áp lực lớn trong việc gọi vốn và tạo lợi nhuận do "có quá nhiều áp lực đè nén lên chúng tôi khi phải tìm nguồn vốn và tạo lợi nhuận. Sự biến đổi thị trường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đã không tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp như Leflair".

Theo thông tin làm việc với nhà cung cấp, hiện công ty chỉ còn gần 50.000 USD trong tài khoản.

Trong thông báo gửi đến các nhà cung cấp ngày 2-3, đại diện Leflair cho biết sẽ sắp xếp một buổi đối thoại vào ngày 10-3 tới đây với đại diện một số nhà cung cấp, chứ không thể tất cả 500 nhà cung cấp.

Thông báo cũng cho biết để đảm bảo công tác hòa giải, văn phòng công ty sẽ đóng cửa trong tuần này.

Leflair đã tung “chiêu” gì để phục vụ những tín đồ hàng hiệu tại Việt Nam? Leflair đã tung “chiêu” gì để phục vụ những tín đồ hàng hiệu tại Việt Nam?

Nhu cầu tiêu dùng hàng hiệu tại Việt Nam ngày càng tăng. Để làm hài lòng khách hàng với số tiền rủng rỉnh, Leflair đã có những bước đi hiệu quả và khác biệt.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên