03/09/2019 10:30 GMT+7

Thôi kiểu học 'biết tuốt', được không?

NGUYỄN THỊ ÁNH THỦY - LÊ TẤN THỜI
NGUYỄN THỊ ÁNH THỦY - LÊ TẤN THỜI

TTO - Tích phân, đạo hàm, phản ứng hóa học… học xong ra đời không cần đến thì có nên bắt học sinh học quá nhiều và kiểm tra quá khắt khe? Còn môn giáo dục công dân, các môn kỹ năng sống rất cần sao không được học một cách tử tế?

Thôi kiểu học biết tuốt, được không? - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Chấm dứt kiểu học 'biết tuốt'

Đọc bài viết Biết tuốt để làm gì?, tôi rất tâm đắc. Trước thềm năm học mới, tôi có vài ý kiến như sau.

Thứ nhất, con cái chúng ta học quá nhiều điều vô bổ, những thứ mà ra đời không cần đến như tích phân, đạo hàm, phản ứng hóa học… trong khi có những môn rất cần sao không được học một cách tử tế, ví dụ môn giáo dục công dân, các môn kỹ năng sống... 

Nói thế không có nghĩa là không cho các cháu học những nội dung như tôi vừa nói, vẫn phải học nhưng không nên quá khắt khe với những cháu không có năng khiếu, thậm chí không thích. Có kiểm tra, có thi cử nhưng không chấm điểm.

Thứ hai, đối với các cháu bậc tiểu học, đặc biệt các cháu học lớp 1 càng không nên bắt học nhiều quá, nhồi nhét nhiều quá, sự học là cả đời, chứ có phải một vài năm đâu! Tôi thật không thể hiểu nổi mới lớp 1 mà nhiều cháu đã phải đi học thêm, học ở trường cả ngày rồi tối còn đi học thêm. 

Cháu tôi năm nay vào lớp 1, thật thương khi tôi hỏi "đi học có vui không?" thì cháu trả lời "ở trường không có đồ chơi". Đối với đứa trẻ 6 tuổi vẫn còn có suy nghĩ đến trường là có cầu tuột, có xích đu và các loại đồ chơi để chơi, vậy thì chúng ta phải từ từ để cho các cháu quen dần với môi trường học tập mới, ở lứa tuổi này chơi nhiều hơn là học! Một bước ngoặt lớn trong đời các cháu, nếu không khéo các cháu sẽ bị khủng hoảng!

NGUYỄN THỊ ÁNH THỦY (quận 3, TP.HCM)

Thoát khỏi cách dạy và học theo 3 chữ T

Mặc dù đã có nhiều thay đổi theo xu hướng giáo dục thế giới, nhưng việc dạy và học tại nhiều cơ sở giáo dục hiện nay vẫn theo phương cách của 3 chữ T - Teaching, Training và Testing.

Chữ T đầu tiên là Teaching (giảng dạy). Thông qua những phương pháp sư phạm, người giáo viên sẽ truyền thụ đến người học những kiến thức cần đạt được theo từng cấp độ lớp học thông qua chuẩn kiến thức mà Bộ GD-ĐT quy định. Với những quy định như thế, đa số giáo viên dù muốn hay không cũng phải đứng ở góc độ là người truyền đạt kiến thức nhiều hơn là người mang lại niềm cảm hứng cho học trò mình.

Chữ T thứ hai là Training (huấn luyện). Người học sẽ được chỉ dẫn những cách làm thế nào để đạt kết quả tốt khi làm bài kiểm tra hay bài thi. Đa số giáo viên luôn chọn những phương pháp an toàn: đó là căn cứ vào những nội dung trọng tâm, định dạng đề thi để thiết kế những tiết ôn tập, luyện thi với thời gian thật chuẩn xác, từng câu trả lời thật khớp với nội dung bài học, thậm chí đúng từng dấu chấm, dấu phẩy. Hiện tượng văn mẫu là một minh chứng cho chữ T thứ hai này.

Chữ T thứ ba là Testing (kiểm tra hay thi). Sau khi tiếp thu được kiến thức cũng như những thủ thuật làm bài, người học sẽ trải qua những kỳ thi để đánh giá kết quả học tập của mình. Điều đáng nói ở đây là hầu hết bài thi đều được thiết kế theo kiểu kiểm tra kiến thức nhiều hơn là kiểm tra kỹ năng.

Cái vòng luẩn quẩn của 3 chữ T này làm nhiều thế hệ người học trở thành những công cụ tiếp nhận kiến thức thụ động và ít có cơ hội phát huy việc sử dụng kiến thức linh hoạt vào trong đời sống hằng ngày. 

Giáo viên cần tổ chức, hướng dẫn học sinh tiếp cận kiến thức theo hướng học và hành, tiệm cận với cuộc sống hằng ngày nhưng cũng rất cần những định hướng thông thoáng hơn nữa để thoát khỏi 3 chữ T trong việc dạy và học như hiện nay.

LÊ TẤN THỜI (An Giang)

Biết tuốt để làm gì? Biết tuốt để làm gì?

TTO - Năm học mới bắt đầu, con trẻ cắp sách tới trường cũng là lúc những ưu tư về sự học của con có cơ hội trỗi dậy. Trong đó đặc biệt là chuyện thời đại khác rồi, xã hội khác rồi, việc học của con cũng sẽ phải khác.

NGUYỄN THỊ ÁNH THỦY - LÊ TẤN THỜI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên