14/03/2023 10:15 GMT+7

Thời hoa đỏ ở Gạc Ma

35 năm đã qua, không biết đã bao lần ôn lại buổi sáng 14-3-1988 vệ quốc bi tráng ấy ở Gạc Ma, nhưng những nhân chứng lịch sử của Gạc Ma đến dự họp mặt tại quân cảng của Lữ đoàn 125 vào chiều 13-3 này vẫn cứ bồi hồi, xúc động.

Thời hoa đỏ ở Gạc Ma - Ảnh 1.

Các cựu binh Gạc Ma đến quân cảng Lữ đoàn 125 tham gia lễ giỗ 35 năm 64 đồng đội hy sinh ở Gạc Ma - Ảnh: HỮU HẠNH

Những nhân chứng lịch sử của Gạc Ma nhớ rõ ràng từng chi tiết như mọi việc mới ngày hôm qua, mới sáng nay.

"Họp mặt mỗi năm mỗi vắng vì ai rồi cũng bị thời gian bào mòn, nhưng câu chuyện Gạc Ma thì không. Đấy là "thời hoa đỏ" của chúng tôi, là thời thanh xuân được "Tổ quốc gọi tên mình", không bao giờ quên..." - ông Uông Xuân Thọ, nguyên máy trưởng tàu 605, luôn sẵn lòng sống lại những thời khắc của tuổi 20, vớt san hô chặn giữ cọc cờ chủ quyền, phơi nắng phơi sóng trên nhà cao cẳng, pongtong, và kể cả phơi mình trước làn đạn đối phương... 

Thời hoa đỏ ở Gạc Ma - Ảnh 2.

Thiếu tá Lê Lệnh Sơn, nguyên thuyền trưởng HQ605, tìm tên đồng đội trên bia đá - Ảnh: HỮU HẠNH

Các chứng nhân lịch sử bi hùng Nguyễn Đại Thắng, Lê Lệnh Sơn, Võ Tá Du, Phạm Xuân Lịch, Lê Tiến Dũng... mỗi người mỗi câu chuyện để ngày 14-3 được tái hiện, từ vòng tròn bất tử quanh lá cờ Gạc Ma đến chiếc xuồng chở thương binh bập bềnh hơn 10 hải lý về tận đảo Sinh Tồn.

Người của thời ấy hôm nay chỉ đại tá Lê Văn Sơn, phó lữ đoàn trưởng 125, còn công tác, ngày ấy mới là học viên năm thứ 2 Học viện Hải quân. 

"Lúc ấy, học viên chúng tôi được huy động ra giữ đảo. Bỏ sách vở lên tàu, hai người bạn của tôi cũng nằm trong số 64 liệt sĩ. Sau sự kiện ấy, mấy năm sau về bờ, công tác ở Hải đội Trường Sa, cứ đến 14-3 chúng tôi lại tổ chức đổ gạo, thả hoa, thắp hương cúng vọng các liệt sĩ. 

Các tàu xuất bến ngày 14-3 đều có lệ cúng cẩn thận, dù khi ấy chỉ dựng được chiếc nhà tranh bên Nhơn Trạch. Hồi ấy chưa tổ chức được những hoạt động tương xứng với sự kiện, nhưng một nén nhang âm thầm cũng an ủi được anh em, đồng đội tôi...", đại tá Sơn tâm sự.

Thời hoa đỏ ở Gạc Ma - Ảnh 3.

Các học viên Học viện Hải quân lên tàu ra đảo tháng 3-1988 - Ảnh tư liệu

Hôm nay không chỉ có lễ giỗ ở Lữ đoàn 125, những người cựu binh Gạc Ma cũng đang thả những vòng hoa ở bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), ở Cam Ranh, ở Đà Nẵng... 

Tấm bia đá khắc tên 64 liệt sĩ trước đền thờ của Lữ đoàn 125 ghi quê quán của các anh từ khắp mọi miền đất nước: TP.HCM, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam... 

Báo chí đã từng ghi lại hình ảnh mâm giỗ với 64 chén cơm trên bãi cát Quảng Bình, dáng cụ Hoàng Dỏ còng lưng lặng lẽ vái ra biển sưởi ấm lòng con trai và đồng đội của con suốt mấy mươi năm. 

Tết vừa rồi cụ Dỏ đã từ trần, nhưng nỗi lo các con phải lạnh lẽo của cụ chắc đã vơi vì câu chuyện Gạc Ma nay đã được người người nhắc lại, được giới trẻ khắc ghi trong tim mình.

Thời hoa đỏ ở Gạc Ma - Ảnh 4.

Các cựu binh Gạc Ma tham gia lễ giỗ 35 năm tại Quân cảng Lữ đoàn 125 - Ảnh: HỮU HẠNH

"Mong mỏi của tôi là mời được tất cả những anh em đồng đội ngày ấy quy tụ lại làm một "đêm Trường Sa", và nếu đưa được mọi người lên tàu làm một chuyến Trường Sa, ngắm lại đảo chìm đảo nổi nay đã tiện nghi hiện đại, đã có chỗ ăn ở, giải trí đủ đầy, có rau xanh, có cây cảnh...", đại tá Lê Văn Sơn bày tỏ. 

Ngồi ngoài hiên lắng nghe những ồn ã của cuộc gặp mặt, ông mỉm cười: "Những âm thầm nuôi giữ truyền thống của Lữ 125 đã đến ngày này, ngày Gạc Ma được tiếp nối biết đến, được nhắc lại...".

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - những người nằm lại phía chân trờiKhu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - những người nằm lại phía chân trời

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nằm gần giữa cung đường ven biển từ sân bay quốc tế về Nha Trang. Nơi này ngày càng thu hút nhiều người tìm đến.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên