Năm 2023 dự kiến sẽ ghi nhận thêm nhiều bước phát triển mới cho Edtech trong nước nếu vượt qua được một số thách thức "hậu COVID-19".
Tại Việt Nam, Galaxy Education là một trong những đơn vị EdTech nổi tiếng và có quy mô lớn nhất. Bắt đầu triển khai các khóa học trực tuyến trên nền tảng HOCMAI cho học sinh hơn 15 năm trước, đến nay đơn vị này đã mở rộng chương trình học online cho hầu hết lứa tuổi, trên nhiều lĩnh vực như giáo dục bổ trợ bậc phổ thông, giáo dục năng lực ngôn ngữ đến lập trình, giáo dục đại học.
Đơn vị hiện có hơn 7 triệu học viên và 600.000 bài giảng online theo nhiều hình thức như ghi hình sẵn (asynchonorous learning), trực tuyến với giáo viên (synchonorous learning) và trực tuyến kết hợp trực tiếp (hybrid learning).
Điểm đến Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Giang Linh - giám đốc điều hành của Galaxy Education - cho biết thị trường EdTech tại Việt Nam bắt đầu hình thành từ khoảng năm 2006 - 2007, song song thời kỳ đầu tiên của nền kinh tế Internet Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ từ năm 2016 đến nay, đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2021, phần lớn do sự thúc đẩy bức bách bởi dịch COVID-19, nhu cầu dạy và học trực tuyến tăng cao, thị trường EdTech mới bắt đầu được xã hội quan tâm rộng rãi.
Ông Linh nhận định xu hướng phát triển EdTech của Việt Nam vô cùng sôi động. Trong năm 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 100 công ty EdTech khởi nghiệp và tận dụng thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.
Một số công ty về EdTech huy động được số lượng vốn lớn từ hàng triệu đến hàng chục triệu USD, có thể kể đến như Topica, ELSA, CoderSchool, Edmicro, Vuihoc hay Educa. Các tập đoàn trong nước cũng tiếp tục đầu tư và mở rộng hệ sinh thái giáo dục trực tuyến của mình như Viettel, FPT, VNPT.
Mới đây, tổng thể bức tranh về Edtech tại khu vực Đông Nam Á và từng nước thành viên đã được các chuyên gia mô tả tại hội nghị thường niên EDUtech Asia - được tổ chức tại Singapore vào tháng 11-2022, thu hút nhiều EdTech tên tuổi trong khu vực Đông Nam Á. Với thị trường Việt Nam, các chuyên gia quốc tế đánh giá ngoài "nội lực" sẵn có, thị trường này được hưởng lợi rất nhiều trong những năm 2021 và 2022 nhờ "ngoại lực".
Cụ thể vào tháng 7-2021, Trung Quốc đưa ra các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào giáo dục khiến nhiều EdTech đang hoạt động phải rút lui. Trong khi đó, theo thống kê của Fintrackr, các EdTech tại Ấn Độ lại ghi nhận tăng trưởng chững lại nên khó tìm được nguồn vốn mới. Năm 2022, ước tính chỉ có vỏn vẹn 5 EdTech Ấn Độ gọi được các khoản vốn đầu tư lớn.
Trong bối cảnh ấy, các chuyên gia quốc tế đưa ra góc nhìn tại EDUtech Asia rằng các EdTech lớn có mong muốn tìm kiếm một môi trường mới, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Xu hướng này sẽ được duy trì trong thời gian tới.
Trong năm 2023, thị trường EdTech Việt Nam nhiều khả năng có thể đạt doanh thu khoảng 3 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng EdTech ở Việt Nam được ghi nhận ở mức đáng kinh ngạc, đạt khoảng 20,2% mỗi năm trong giai đoạn từ 2019 - 2023.
Điểm sáng EdTech TP.HCM
Ông Huỳnh Kim Tước - giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - phân tích trong mắt những người khởi nghiệp về công nghệ, các dữ liệu về "thị trường số" luôn rất được quan tâm.
Ở Việt Nam, số liệu về người dân sở hữu thiết bị di động và tiếp cận mạng Internet luôn được đánh giá ở mức tốt so với các quốc gia trong khu vực. Điển hình tại TP.HCM, theo thống kê trong năm 2021, ước tính khoảng 80 - 85% dân số TP.HCM có truy cập Internet. Tỉ lệ người trưởng thành dùng điện thoại thông minh tại TP.HCM đạt 75,7%, nằm trong nhóm dẫn đầu tại Việt Nam.
Bà Trương Lê Quỳnh Tương - giám đốc ClassIn Đông Nam Á - cho rằng một yếu tố khác khiến thị trường Edtech tại TP.HCM thu hút các nhà đầu tư trong những năm gần đây là việc người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày một tăng cao.
Tại đây, số lượng phụ huynh có hiểu biết về công nghệ khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Phụ huynh cởi mở với những công nghệ mới, đồng thời được đánh giá có mức chi tiêu cho việc học của con thuộc top cao trong khu vực.
Bà Tương đánh giá trong năm 2023, EdTech tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn tiếp tục sôi động khi các "ông lớn" công nghệ giáo dục vẫn nhìn nhận đây là thị trường tiềm năng. Rất nhiều công ty EdTech từ Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ đang lên những kế hoạch đầu tư vào thị trường nước ta.
"Tín hiệu tích cực sau COVID-19 là công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động dạy và học tại Việt Nam. Nhiều thầy cô vẫn sử dụng các công cụ tạo bài giảng điện tử, giao bài tập online... Riêng TP.HCM, Sở GD-ĐT đặt chỉ tiêu 35% cho các hoạt động học tập số, mang tới hy vọng duy trì thói quen áp dụng công nghệ vào giáo dục" - bà Tương nói.
3 tỉ USD
Năm 2021, Báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam ghi nhận Việt Nam đang nằm trong top 10 thị trường Edtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới, tốc độ khoảng 44,3%. Trong khi đó, báo cáo từ tổ chức Ken Research cho biết quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam cũng sẽ chạm mốc 3 tỉ USD vào năm 2023.
Nên có Nhà nước tham gia
Ông Huỳnh Kim Tước cho rằng tương lai của EdTech cũng sẽ chịu ảnh hưởng quan trọng từ phía Nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục có thể tìm kiếm những sản phẩm EdTech hiệu quả và triển khai ứng dụng, xem đây là quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
"Bên cạnh đó, một bài toán khác là các EdTech sẽ cùng kết hợp như thế nào để cho ra đời những dự án, sản phẩm đa công năng thì hiệu quả sẽ gia tăng" - ông Tước nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận