Người tị nạn Syria ở khu trại do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ tại Azaz, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters
Liên minh châu Âu (EU) đã chấp nhận chi thêm tiền (khoảng 500 triệu euro) để viện trợ cho khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng các biện pháp cụ thể khác, như điều kiện cấp visa vào EU dễ dàng hơn cho công dân Thổ.
Số tiền trên được thông báo bổ sung vào khoảng 6 tỉ euro (đã giải ngân được 3,2 tỉ) đã chốt từ năm 2016 để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Thổ Nhĩ Kỳ có gánh nặng lớn. Chúng ta phải hiểu điều đó. Nhưng đồng thời chúng ta không thể chấp nhận chuyện người di cư đang bị sử dụng như một nguồn gây áp lực.
Ông JOSEP BORRELL (phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU)
Các quyết định được đưa ra phải nói là nhanh chóng. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU là ông Josep Borrell đã phải bay sang Ankara ngày 4-3 và trong thời gian đàm phán ở đó còn tuyên bố dành 170 triệu euro (không thuộc số tiền 500 triệu euro nêu trên) viện trợ khẩn cấp "cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Syria".
Vì sao châu Âu nhanh chóng quay lại vấn đề người tị nạn Syria đến thế? Câu trả lời chỉ có thể là chuyện Ankara bất ngờ mở cửa biên giới cho người tị nạn tìm cách đến châu Âu. Họ đã làm thực và đã có cả ngàn người di cư, tị nạn tràn đến biên giới Thổ - Hi Lạp.
Châu Âu vì thế buộc phải đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, dẫu vẫn khẳng định "cương quyết không chấp nhận" chuyện dùng người di cư làm phương tiện gây sức ép trong đàm phán.
Nhưng bất kể các tuyên bố như thế nào, mọi người đều thấy đó là chuyện "hai năm rõ mười". Châu Âu đã quá mệt mỏi với chuyện người di cư, nhập cư lậu trong vài năm qua.
Cuộc "đại di cư" vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang quấy phá càng khiến các lãnh đạo chính trị châu Âu sợ hãi. Chưa kể nếu để tình hình vượt biên trái phép ồ ạt thì những đồng tiền đã bỏ ra trong vài năm qua là vô nghĩa.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì khi dùng con bài "mở cửa trại tị nạn"? Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố không hề giấu giếm: "Nếu các nước châu Âu muốn giải quyết vấn đề thì phải ủng hộ các giải pháp chính trị và nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria".
Nói nôm na là giúp Thổ tìm được giải pháp hữu hiệu ở tỉnh Idlib phía tây bắc Syria, nơi mà Ankara đang bảo vệ cho các nhóm đối lập với chính quyền Damascus.
Những cuộc thương thuyết đã được đẩy nhanh đến mức khó ngờ, vì cả hai bên đều hiểu mình phải làm gì và dám làm đến mức nào. Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị tiêu diệt, Ankara lập tức cho đáp trả nhằm vào lực lượng của chính quyền Damascus.
Nga vì thế cũng phải ngồi xuống nói chuyện với Thổ vào ngày 5-3, dù trước đó tuyên bố rằng "Tổng thống Putin đã có lịch làm việc khác trong ngày đó".
Cuộc đàm phán đầy khó khăn kéo dài đến 6 tiếng tại Điện Kremlin ở thủ đô Matxcơva ngày 5-3 giữa ông Putin và ông Erdogan đã đi đến một lệnh ngưng bắn tại Idlib từ 0h sáng 6-3, tức chỉ vài giờ sau khi hai lãnh đạo gật đầu được với nhau.
Liên Hiệp Quốc lẫn EU đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi hai bên duy trì lệnh ngưng bắn này để đi đến những giải pháp tiếp theo hữu hiệu hơn.
Vị phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU là ông Josep Borrell sau chuyến thăm Ankara còn có cuộc gặp ngay với các ngoại trưởng khối EU ở Zagreb, thủ đô của Croatia trong ngày 6-3.
Câu chuyện bàn thảo hẳn nhiên là giải pháp cho vấn đề người tị nạn có thể vào châu Âu. Nhưng một trong những chìa khóa để mở nó lại nằm ở bên Thổ Nhĩ Kỳ. Khó chứ chẳng chơi.
Thỏa thuận Nga - Thổ
Chấm dứt mọi hoạt động giao tranh dọc đường phân định hiện có bắt đầu từ rạng sáng 6-3.
Tạo ra một hành lang an toàn dài 6km về phía bắc và phía nam của đường cao tốc M-4 tại Syria.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc đường cao tốc M-4 từ ngày 15-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận