Khách hàng nhìn vào gian hàng bán thịt bò bít tết trong một siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 6-2017 - Ảnh: REUTERS
Trong thế giới ẩm thực trứ danh của xứ sở hoa anh đào, các món làm từ thịt bò Nhật "Wagyu" nổi tiếng chẳng kém sashimi cá hồi.
Nhưng không phải ai cũng có thể nếm được hương vị thơm ngon của một trong những loại thịt bò hảo hạng nhất thế giới.
Tìm Wagyu như "mò kim đáy biển"
Và đó là tình cảnh của những người Trung Quốc "đói Wagyu" hiện nay khi thịt bò Nhật bị cấm nhập vào đất nước tỉ dân này sau vụ bò điên.
Tuy nhiên, người ta lại có thể lách luật để thỏa mãn nhu cầu của mình. Tương tự thuật ngữ "rửa tiền", theo báo Nikkei của Nhật, Campuchia đã trở thành "một trung tâm rửa thịt bò Nhật" để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp giàu có tại Trung Quốc.
Mặc dù số lượng thịt bò Nhật nhập vào Campuchia tăng nhanh trong thời gian qua, nhưng việc săn tìm loại thịt này trên thực đơn tại các nhà hàng nổi tiếng hàng đầu Campuchia như thể "mò kim đáy biển".
Khi nghe thông tin Campuchia hiện là quốc gia nhập khẩu thịt bò đông lạnh Nhật lớn nhất thế giới, cô Heang Channy - người bán hàng thịt tại một khu chợ truyền thống ở thủ đô Phnom Penh - đã không khỏi ngạc nhiên: "Thịt bò Nhật à? Không đời nào! Điều đó không thể nào đúng được! Chúng tôi có thấy bao giờ đâu!".
Thế nhưng số liệu của Bộ Tài chính Nhật cho thấy lượng thịt bò đông lạnh xuất sang Campuchia trong năm 2017 đã tăng 50% so với năm 2016, lên tới 544 tấn. Con số này đánh dấu việc Campuchia trở thành nhà nhập khẩu thịt bò Nhật lớn nhất thế giới trong 7 năm liền.
Tuy nhiên, không một siêu thị nào của tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật hay các chuỗi cung cấp thực phẩm địa phương như Lucky Supermaket và Thai Huot Market tại Campuchia lại bán thịt bò Nhật.
Thực tế chỉ có vài nhà hàng Nhật và các nhà hàng Tây phục vụ các món làm từ thịt bò Nhật, nhưng với mức giá "trên trời": 40-50 USD cho một phần 100 gram. Mức giá này cao gần 40 lần so với giá thịt bò địa phương. Người Campuchia có muốn ăn cũng không dám vì cái giá quá chát này.
Theo ông Ly Lavil - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Campuchia (CLRA), lượng tiêu thụ thịt bò trung bình hàng năm tại nước này là 1 người/3 kg. Ông Lavil tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết một số lượng lớn thịt bò Nhật đã được nhập vào Campuchia.
Một gian hàng bán các thực phẩm sản xuất trong nước tại một siêu thị ở Phnom Penh - Ảnh: MOVE TO CAMBODIA
Hợp pháp hóa thịt bò
Vậy câu hỏi đặt ra là số thịt bò khổng lồ trên đã chảy về đâu sau khi đi qua các cơ quan hải quan Campuchia?
Theo báo Nikkei của Nhật, khoảng 7,35 triệu người Trung Quốc đã thăm Nhật Bản trong năm 2017, tăng 15% so với năm trước đó. Tại đây, họ sẵn sàng chi tiền để ăn món thịt Wagyu.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, việc nhập khẩu thịt bò Nhật đã bị cấm từ năm 2001 sau đợt bùng phát dịch bệnh bò điên (BSE).
Theo một doanh nhân người Nhật, dù vậy thịt bò xứ hoa anh đào vẫn được phục vụ tại các nhà hàng Trung Quốc nếu thực khách yêu cầu. Điều này cho thấy thịt bò Nhật hiện diện được trên đất nước tỉ dân là thông qua các con đường phi chính thức.
Hồi tháng 1-2018, trang tin fjsen.com của Trung Quốc tường thuật rằng các quan chức hải quan Trung Quốc đã tịch thu 178,5 kg thịt bò Wagyu được tuồn lậu từ Nhật vào nước này thông qua một sân bay ở TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Trung bình từ 30-40 kg thịt bò đông lạnh bị tịch thu tại sân bay này mỗi năm kể từ năm 2015.
Thịt Wagyu của Nhật là một trong những loại thịt bò hảo hạng nhất thế giới - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, các gói đựng hàng nhỏ như thế chỉ đủ để mang một lượng hàng vừa đủ. Nếu muốn làm giả nguồn gốc xuất xứ và hợp pháp hóa với một lượng lớn, thịt bò Nhật phải được chuyển thông qua một quốc gia thứ ba.
Trong trường hợp này, Campuchia là vùng đất lý tưởng để các thương lái chuyển thịt bò Nhật vào Trung Quốc.
Theo một quan chức làm việc cho một công ty Nhật chuyên về buôn bán thịt, Campuchia - quốc gia hiện có quan hệ chính trị và kinh tế gần gũi với cả Nhật và Trung Quốc - gần như chắc chắn là nơi trung chuyển đưa thịt bò Nhật vào Trung Quốc.
Theo tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc, hồi tháng 6-2015, một nhóm buôn lậu đã bị bắt tại Thượng Hải với tổng cộng 13 tấn thịt bò nhập lậu.
Sau điều tra, lực lượng chức năng mới biết được nhóm này đã nhập thịt bò từ Nhật Bản vào Campuchia, sau đó đổi nhãn mác, làm giả xuất xứ và chuyển tới một nhà chứa đông ở Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan.
Số thịt bò Nhật tiếp tục được đóng gói cùng mít và măng cụt chuyển vào tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ sân bay Côn Minh ở Vân Nam, lô hàng này tiếp tục được phân phối ra các thành phố lớn như Thượng Hải, Hàng Châu…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận