Đó là thông tin được bà Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - khẳng định tại Hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng mở rộng năm 2022 khu vực phía Nam sáng 23-5 tại TP.HCM.
Bộ Y tế muốn cung ứng vắc xin tập trung
Chia sẻ lo lắng của nhiều địa phương khi đã hết sạch vắc xin 5 trong 1 từ tháng 2, vắc xin DPT cũng đã bắt đầu hết, bà Dương Thị Hồng nói:
"Tháng 6 tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản đề nghị số lượng đặt hàng vắc xin và thời gian địa phương nhận vắc xin. Khi địa phương ký hợp đồng với nhà sản xuất, nhận vắc xin, cố gắng triển khai tiêm chủng, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu vắc xin đề xuất".
Bà Hồng cho biết thêm, Bộ Y tế đã trình Chính phủ và sẽ có báo cáo trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, mong muốn tiếp tục cung ứng vắc xin tập trung.
Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng khung giá đối với vắc xin nhập khẩu 5 trong 1.
Khi có kết quả thực hiện mua sắm, đấu thầu hoặc đàm phán giá theo quy định hiện hành sẽ có giá chính thức, trên cơ sở đó các địa phương ký hợp đồng nhận vắc xin.
Tại hội nghị, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng mong muốn công tác tiêm chủng mở rộng cần được đầu tư hơn nữa.
Mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bảo vệ sức khỏe trẻ em, đảm bảo các mục tiêu cam kết với các tổ chức quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng.
Cần có chính sách ưu tiên cho các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bổ sung và tiêm vét, sử dụng hiệu quả nguồn vắc xin ngay từ tháng đầu năm 2023.
Tỉ lệ tiêm chủng rất thấp, nguy cơ dịch bệnh quay lại
Trước đó, bà Hoàng Ngọc Mai - đại diện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết tỉ lệ tiêm chủng mở rộng năm 2022 không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm và thấp hơn năm 2021.
Khu vực phía Nam có 90 quận, huyện của 15 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm chủng thấp, dưới 80%.
Về kết quả tiêm vét trong năm 2022, bà Mai cho hay ở khu vực phía Nam chỉ có 16/20 tỉnh thực hiện tiêm vét năm 2021 với 338.026 mũi và năm 2022 là 18 tỉnh với 123.498 mũi tiêm vào quý 1 năm 2023.
"Con số này rất thấp so với số trẻ cần tiêm vét và không làm thay đổi đáng kể tỉ lệ tiêm chủng" - bà Mai kết luận.
Cũng theo bà Mai, thực trạng nêu trên có nguy cơ xảy ra dịch các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi lớn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp nguy cơ bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.
Đề nghị Bộ Y tế cần chủ động hơn
Đại diện nhà sản xuất vắc xin tiêm chủng mở rộng mong muốn Bộ Y tế cần chủ động hơn khi đặt hàng với số lượng chính xác để đơn vị có thời gian chuẩn bị.
"Do thời gian sản xuất kéo dài, nếu muốn cung cấp ổn định thì cần thiết phải có kế hoạch dài hơi hơn, ít nhất là 2 năm, được hơn nữa thì 3 - 5 năm, như vậy sẽ chủ động hơn" - vị này nêu ý kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận