06/03/2023 09:22 GMT+7

Thiếu thiết bị y tế: Bắt đầu 'cởi trói' cho bệnh viện

Chính phủ vừa ban hành nghị định 07 sửa đổi, bổ sung nghị định 98 và nghị quyết 30 sửa đổi nghị quyết 144. Điều này được kỳ vọng sẽ "cởi trói" cho ngành y tế.

Bệnh nhân chờ chụp cộng hưởng từ tại khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Bệnh nhân chờ chụp cộng hưởng từ tại khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Thực tế của việc sửa đổi này đã "cởi trói" hay chưa?

Đa số doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị y tế và các giám đốc bệnh viện đều cho rằng gần như "cởi trói" được các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị và vật tư y tế. Nhưng vẫn còn vướng mắc cần tiếp tục kiến nghị tháo gỡ.

Không cần tham khảo "ba báo giá"

Nghị quyết 30 của Chính phủ sửa đổi khoản 4 nghị quyết số 144. Đây được cho là "điểm nghẽn" mà rất nhiều bệnh viện kiến nghị và mong đợi giải quyết.

Nếu như trước đây nghị quyết 144 chỉ chấp nhận cho cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp (máy mượn, đặt) theo thời hạn hợp đồng trước ngày 5-11-2022; hoặc chỉ cho phép thanh toán đến ngày 5-11-2023 đối với hợp đồng ký sau ngày 5-11-2022.

Lần này, nghị quyết sửa đổi cho phép các hợp đồng sau ngày 5-11-2022 được thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. 

Sẽ vẫn được thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua nếu hết hợp đồng theo quy định.

Xây dựng giá gói thầu là vấn đề nhiều bệnh viện gặp khó khăn nhất. Nếu như trước đây các bệnh viện đều vướng quy định tham khảo "ba báo giá", nay nghị quyết 30 cho phép được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. 

Theo đó, khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất, chủ đầu tư (bệnh viện) xem xét giao hội đồng khoa học của đơn vị xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn. Trên cơ sở này tổ chức lấy báo giá theo quy định.

Thay đổi này không còn yêu cầu tham khảo "ba báo giá", các bệnh viện được phép xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu theo quy định. 

Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối cung cấp báo giá, bệnh viện được sử dụng các báo giá đã nhận làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Ngoài ra, các bệnh viện được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư. 

Có thể dựa vào kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày.

Nghị quyết 30 nêu rõ Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế trong quý 2-2023. Các vấn đề bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, phải hoàn thành trong quý 3-2023.

Nay nút thắt về không đủ ba báo giá đã được mở, nhưng trình tự làm thủ tục đấu thầu mua sắm buộc phải có chủ trương, mà chủ trương buộc phải tuân thủ trình tự Luật đầu tư công, nghị định 40 chưa đề cập.
Giám đốc một bệnh viện hạng 1 ở TP.HCM

Vẫn lo an toàn cho đơn vị thực hiện quy định

Một cán bộ phụ trách kế hoạch tài chính của Sở Y tế TP.HCM chia sẻ với nghị quyết 30 của Chính phủ đã gần như tháo gỡ được các vướng mắc quan trọng của ngành y tế. "Tôi thấy Chính phủ đã nỗ lực giải quyết các vấn đề của ngành. 

Dĩ nhiên sẽ còn một vài vướng mắc và chỉ phát sinh trong thực tiễn thực hiện, do đó cần phải tiếp tục kiến nghị tháo gỡ trong thời gian tới", cán bộ này nói.

Trong khi đó, giám đốc một bệnh viện hạng 1 ở TP.HCM chia sẻ nghị quyết 30 của Chính phủ vừa ban hành đã tạm thời mở nút thắt liên quan đến việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm, kể cả việc mượn thiết bị xét nghiệm của công ty trúng thầu hóa chất sinh phẩm.

Theo ông này, quy định cho phép sử dụng đến hết số lượng hóa chất trong hợp đồng hoặc đến khi có các văn bản hướng dẫn mới (với hợp đồng ký sau ngày 5-11-2022) tạm thời chấp nhận được. 

Tuy vậy, về lâu dài đây là vấn đề cần được tính toán, bởi có thể xảy ra tình trạng tương tự với hợp đồng đã ký trước ngày 5-11-2023 khi thực hiện hết hợp đồng. 

"Quy định ba báo giá tuy được tháo gỡ nhưng việc dùng câu từ cho áp dụng thí điểm, theo tôi chưa thực sự an toàn cho các đơn vị thực hiện", giám đốc bệnh viện này nói.

Từ các thực tế nêu trên, ông này đề xuất cần có chính sách thay đổi về việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị. 

"Việt Nam nên có một trung tâm tiếp liệu quốc gia, chuyên lo việc thỏa thuận mua sắm trang thiết bị giá gốc về cung ứng cho các cơ sở y tế công lập mà không cần phải qua đấu thầu. Việc này sẽ giúp giảm thời gian, công sức đấu thầu", vị này nói.

Bệnh nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy được xe đón và chở qua Bệnh viện Ngoại thần kinh quốc tế (quận Tân Phú) để chụp MRI, CT-Scantheo chỉ định - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Bệnh nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy được xe đón và chở qua Bệnh viện Ngoại thần kinh quốc tế (quận Tân Phú) để chụp MRI, CT-Scantheo chỉ định - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

"Cần bỏ kiểm định với thiết bị mới"

Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng có nhiều kiến nghị. Ông Nguyễn Tăng Hòa, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển y tế An Sinh, cho rằng có nhiều thay đổi quan trọng trong nghị định 07 của Chính phủ vừa ban hành.

Cụ thể là giảm số lần bổ sung hồ sơ từ năm xuống còn ba lần; gia hạn giấy phép nhập khẩu từ năm 2018 sử dụng thêm hai năm; số lưu hành đã cấp từ 1-1-2014 tiếp tục sử dụng đến 31-12-2024; chỉ thực hiện kê khai giá đối với trang thiết bị y tế khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp trang thiết bị y tế, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của quỹ BHYT; Bộ Y tế không cấp giấy phép nhập khẩu cho thiết bị y tế cũ...

Tuy nhiên, theo ông Hòa, các sửa đổi này mới chỉ mang tính chất "chữa cháy", chỉ giải quyết được phần ngọn, còn căn cơ của các bất cập vẫn chưa giải quyết được. "Đây có thể là nghị định thứ tư nhưng chưa giải quyết được nhiều vấn đề. 

Trong khi đó giấy phép cũ vẫn phải gia hạn tiếp và hiện nay tồn đọng rất nhiều bộ hồ sơ đăng ký lưu hành ở Bộ Y tế. Quan trọng nhất là vấn đề này nhưng chưa có cách tháo gỡ", ông Hòa nói.

Vấn đề lớn nhất, theo ông Hòa, vẫn là "tồn đọng quá nhiều hồ sơ xin đăng ký lưu hành". Hồ sơ nhiều, phức tạp, nhân sự thiếu nhưng lại qua quá nhiều khâu thẩm định nên rất chậm, thậm chí hết hạn. 

Điều này tạo ra nghịch lý ở chỗ hàng hóa bị ách tắc ở cảng gây thiệt hại cho doanh nghiệp, trong khi bệnh viện lại thiếu vật tư y tế...

Ngay cả doanh nghiệp của ông Hòa hiện đang có một số lô hàng nhập từ năm 2022 vẫn chưa thể nhận được hàng. 

"Nhiều trang thiết bị y tế mới Bộ Y tế vẫn yêu cầu kiểm định và cấp giấy phép con. Việc này cần phải được bỏ. Máy mới xuất xưởng dĩ nhiên đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Có thể hiểu nôm na là chúng ta đang đi xét lại các giấy tờ, chứng chỉ của các hãng, trong khi họ đã được các nước phát triển hơn cấp", ông Hòa kiến nghị.

Cho phép sử dụng thiết bị y tế cho tặng khi nào?

Nghị quyết 30 sửa đổi cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng.

Giám đốc một bệnh viện hạng 1 ở TP.HCM:

Chưa gỡ được khó khăn trong sửa chữa thiết bị y tế bị hỏng

Bên cạnh các khó khăn được tháo gỡ, nghị quyết 30 chưa gỡ được khó khăn trong việc sửa chữa thiết bị y tế bị hư hỏng.

Bởi muốn sửa chữa phải có trong kế hoạch trung hạn năm năm, phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền thông qua HĐND TP theo trình tự Luật đầu tư công và nghị định 40.

Trong nghị quyết 30 không đề cập, có thể khi kiến nghị các đơn vị chỉ báo cáo khó khăn máy hãng độc quyền bị hư chỉ có một báo giá.

Nay nút thắt về không đủ ba báo giá đã được mở, nhưng trình tự làm thủ tục đấu thầu mua sắm buộc phải có chủ trương, mà chủ trương buộc phải tuân thủ trình tự Luật đầu tư công, nghị định 40 chưa đề cập.

Ngay từ khi nghị quyết 30 và nghị định 07 đang được chuẩn bị, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể mua sắm vật tư, tháo gỡ những vướng mắc và chỉ đạo phòng ban chức năng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong phòng chống tham nhũng.
Ông Đào Xuân Cơ (giám đốc Bệnh viện Bạch Mai)

Thở phào vẫn lo vướng mắc

Chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: N.TRẦN

Chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: N.TRẦN

Đó là nhận định chung của nhiều lãnh đạo bệnh viện ở phía Bắc khi cho rằng các văn bản mới có thể đưa hoạt động bệnh viện trở lại bình thường nhưng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh còn là câu chuyện dài...

Nhưng như vậy hoạt động bệnh viện đã ổn định?

Bệnh viện và nhà cung cấp đều mừng

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi nghị quyết 30 được ký, giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang đánh giá: Các hướng dẫn mới cơ bản giải quyết các tồn đọng của bệnh viện chúng tôi.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ cũng cho rằng quy định mới đã gỡ khó bốn điểm.

"Nghị định 07 cho phép tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành thiết bị và sinh phẩm chẩn đoán, đẩy nhanh cấp số đăng ký trang thiết bị, như vậy các doanh nghiệp sẽ nhập được hàng vào và bệnh viện mua sắm được, tránh được tình trạng hàng đã trúng thầu nhưng kẹt ở sân bay, ở cảng.

Nghị quyết 30 cho phép chi trả bảo hiểm cho máy mượn, đặt và hóa chất cho đến khi có hướng dẫn mới", ông Cơ nói và cho hay vừa qua Bạch Mai gọi thầu 2.000 mặt hàng nhưng chỉ 1/3 đủ ba báo giá, có nguy cơ đình trệ khám chữa bệnh nhưng nghị quyết 30 đã gỡ vướng.

Với các thiết bị đã hết thời hạn liên doanh liên kết, theo hợp đồng cũ là thiết bị sẽ thuộc về bệnh viện, nhưng quy định trước nghị quyết 30 là phải thực hiện thủ tục để "sở hữu toàn dân", tuy nhiên có thiết bị không đủ điều kiện về hồ sơ, tiêu chuẩn song về kỹ thuật lại đang hoạt động bình thường.

Do vướng mắc (cũ) những thiết bị này cũng phải đắp chiếu, nhưng nghị quyết 30 hướng dẫn thì thiết bị lại hoạt động được.

Đã hết vướng mắc?

Nhiều bệnh viện hào hứng cho hay sẽ nhanh chóng bắt nhịp để dịch vụ khám chữa bệnh được cung cấp ổn định.

Tuy nhiên còn hai khó khăn, trong đó có vấn đề viện phí. Cụ thể hiện nay viện phí mới thu 2/4 yếu tố cấu thành, dẫn tới giá bảo hiểm chi trả thấp hơn rất nhiều so với giá trị dịch vụ, khoản còn lại người dân phải chi trả từ tiền túi và khoản chi này còn cao (trung bình trên 40%).

Các bệnh viện cũng đang mong quy định về giá dịch vụ theo yêu cầu. Hiện giá này mỗi nơi mỗi khác, có bệnh viện thu tới 700.000 đồng/lượt với yêu cầu "khám giáo sư", nhưng có nơi lại chỉ được thu 120.000 đồng, dẫn tới thu nhập của y bác sĩ rất thấp vì bệnh viện đã tự chủ tài chính hoàn toàn, chảy máu nhân lực chất lượng cao.

Quy định về viện phí theo yêu cầu dự định đã được ban hành cuối năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa có.

Bên cạnh đó, với các thiết bị diện liên doanh liên kết (đã có từ lịch sử nhưng chưa hết hợp đồng) hiện chưa có quy định về chia lợi nhuận giữa bệnh viện và nhà đầu tư, do đó máy (đều là thiết bị giá trị cao) đắp chiếu mà người bệnh/bệnh viện lại không có máy sử dụng. Như ở Bạch Mai có máy chụp PET, CT 256 dãy... thuộc diện này.

LAN ANH

Không cần 3 báo giá: Các bệnh viện ‘thở phào’Không cần 3 báo giá: Các bệnh viện ‘thở phào’

Bệnh viện hạn chế mổ, phải chuyển bệnh nhân, không thể mua sắm, sửa chữa trang thiết bị vì không đủ ba nhà thầu báo giá. Ngay khi có nghị định 07 và nghị quyết 30 của Chính phủ gỡ vướng, các bệnh viện đều “thở phào”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên