Kỳ 1: Cha, con và nỗi đau đất lở Kỳ 2: Một đời người, ba đời cồn
Phóng to |
Bà Út Nghiêm - Ảnh: Tấn Đức |
Đại gia đình bà Út Nghiêm
Xế trưa, khu nhà trọ cạnh giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, thuộc ấp 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM vắng hoe. Bà Út Nghiêm (71 tuổi) đưa mắt ngó ra sân. Bà có năm người con, ba con gái đầu đã lập gia đình, sinh cho bà sáu cháu ngoại, tất cả đều ở trọ chung trong căn nhà không rộng lắm này, vậy mà nhà lúc nào cũng vắng lặng bởi ai cũng tất bật với chuyện mưu sinh. Quê bà ở cồn Tào, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (An Giang), nhưng nay địa danh ấy đã trở thành sông. Anh em, họ hàng nội ngoại của bà có hàng chục gia đình bao đời sinh sống ở đó, giờ lưu lạc mỗi người một nơi. Họ hàng bặt tin nhau đã đành, điều làm bà xót xa nhất là mỗi khi nhớ tới người chồng đã quá cố. “Người ta sống có mái nhà, chết có nấm mồ, vậy mà chồng tui chẳng đặng phần nào. Ông mất đã hơn 20 năm, nhưng từ đó tới giờ vẫn an nghỉ tạm trên phần đất của một người tốt bụng ở xã Vĩnh Hòa” - giọng bà Út Nghiêm trầm lại.
Cồn Tào. Bãi dâu. Bến nước... Những địa danh đã mất nhưng luôn có sức lay động kỳ lạ đối với bà. Bà bảo ngày trước cồn Tào rất thịnh hành nghề trồng dâu nuôi tằm, góp phần làm nên thương hiệu lụa Tân Châu nổi tiếng. Hàng ngày ghe thuyền, tàu buôn từ Campuchia về, từ miệt đồng bằng đổ ngược lên đều ghé qua đây trao đổi hàng, bến chợ lúc nào cũng đông đúc. Nhà có chiếc ghe tam bản, chồng ngược xuôi mua bán gạo củi, khô cá, vợ con ở nhà chăm sóc gần chục công vườn rẫy, cuộc sống gia đình bà thuộc hàng khá giả nhất xóm giữa cồn Tào. Nhưng tình thế đã thay đổi khi đất từ đầu cồn sạt lở dài xuống. Trong hơn chục năm, gia đình bà Út Nghiêm đã bốn, năm lần dọn nhà chạy lở.
Năm 1991 chồng qua đời, nhà đất cũng lở hết, mấy mẹ con bà Út Nghiêm lâm vào cảnh vô gia cư. Không còn sự lựa chọn nào, anh con trai duy nhất của bà Út Nghiêm khi mới 15 tuổi đã một mình lên TP.HCM tìm việc. Lúc đầu anh phụ bàn cho quán ăn rồi chuyển sang làm công nhân, nhân viên giao hàng tại một cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở huyện Bình Chánh...
Vài năm sau bà Út cùng gia đình ba người con gái cũng rời quê ra đi. Từ đó tới nay đại gia đình này đã qua bốn chỗ trọ. Tới đâu họ cũng ở cùng để tiết kiệm chi phí thuê nhà và san sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Ngày nào cũng vậy, từ lúc 4-5 giờ sáng mọi người đã rời nhà, bươn chải lo cho gia đình riêng của mình tới tối mịt mới gặp nhau. “Mất hết đất đai, nhà cửa, không còn quê quán để trở về nhưng bù lại mấy đứa nhỏ rất đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau. Đó là niềm an ủi lớn nhất của tui” - bà Út Nghiêm cho biết.
Đường về quê xa lắm
Xói lở là tiến trình phổ biến và tất yếu Nhiều năm nghiên cứu về địa chất, thủy văn đồng bằng sông Cửu Long, tiến sĩ Hà Quang Hải - trưởng khoa môi trường Đại học Khoa học - tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM - nhận định: “Trên hai thập niên trở lại đây, sự xói lở bờ sông Tiền, sông Hậu xảy ra với quy mô lớn và tần suất cao. Những điểm xói lở mạnh là các đoạn Tân Châu, Hồng Ngự, Sa Đéc (thuộc bờ sông Tiền) và TP Long Xuyên, TP Cần Thơ (thuộc bờ sông Hậu). Xói lở hằng năm đã cuốn đi mỗi đoạn hàng trăm hecta đất canh tác, phá hủy nhiều nhà dân và trường học, bệnh viện, đồng thời cướp đi sinh mạng của dân cư sinh sống ven sông. Cấu trúc bờ bằng các tầng đất yếu, địa hình đồng bằng bằng phẳng, dòng chảy có nhiều uốn khúc, chế độ dòng chảy phức tạp... là nguyên nhân gây xói lở, bồi tụ ven hai bờ sông, lòng sông. Đây là một tiến trình phổ biến và tất yếu của các sông trên vùng đồng bằng ngập lụt”. |
Bà Út Lộng (57 tuổi) đang trông hai đứa bé trong một phòng trọ giãi bày: “Trước đây tui cũng có nhà cửa “ngon lành lắm” ở Phú Thuận B. Nhà cách mé sông mấy chục thước, vậy mà chỉ trong một đêm của năm Canh Thìn 2000 đã tuột xuống sông. May đêm đó hai mẹ con tui đi ngủ nhờ chỗ khác nên thoát nạn trong gang tấc...”. Mất nhà mất đất, bà Út Lộng cùng cô con gái Thúy Loan đi nhổ cỏ, đánh lá mía, hái đậu thuê để sống. Một ngày quần quật hai mẹ con được trả công 36.000 đồng. Nhưng ở xứ cồn đất đai ngày càng thu hẹp, đời sống nhiều hộ nông dân còn khó khăn, ít ai chịu bỏ tiền ra thuê nên thu nhập của mẹ con bà cũng bữa có bữa không. Một lần tình cờ nghe loa phóng thanh của xã thông báo tuyển lao động làm việc tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, vậy là mẹ con bà đưa nhau đi. “Tui thèm nhất là ngày tết, ngày giỗ cha mẹ được về thăm quê, nhưng ba năm rồi chưa thực hiện được” - bà Út Lộng tâm sự.
Tại khu nhà trọ Út Đông có hơn 20 gia đình quê ở cồn Châu Ma. Vợ chồng anh Trương Văn Sủi - Võ Thị Múi trước đây có hơn 3 công đất rẫy, nhưng thứ tài sản đáng giá nhất của gia đình đã bị lở hết. Thấy nhiều người mất đất bỏ quê lên thành, chị Múi cũng rủ chồng ra đi. Anh Sủi suy đi tính lại bảo: “Mình quen sống nghề ruộng rẫy, lên TP bon chen không sống nổi đâu”.
Rồi vợ chồng và ba đứa con anh chuyển qua ở đậu trên chiếc ghe bầu, đi thuê đất cồn bãi ở các địa phương lân cận để tiếp tục sống bằng nghề ruộng rẫy. Cầm cự tới năm 2005 rồi cũng phải bán ghe, đưa nhau lên thành phố. Vợ chồng anh đã đứng tuổi, xin làm công nhân nơi nào cũng lắc đầu. Ba đứa con trai thì ngược lại đang ở tuổi vị thành niên, không doanh nghiệp nào dám nhận. Thế là cả nhà kéo nhau đi làm phụ hồ... Hôm nhận được điện thoại báo tin mẹ chồng ở quê lâm trọng bệnh, chị Múi mượn tạm vài trăm ngàn đồng cho chồng về quê, còn chị và ba đứa con ở lại vừa đi làm kiếm tiền trả nợ, vừa nghe ngóng tin tức quê nhà. “Đường về quê coi vậy mà xa quá, không thể có mặt bên mẹ chồng lúc ngặt nghèo, thiệt có lỗi nhưng biết sao bây giờ” - chị Múi tâm sự.
Đó là hoàn cảnh chung của hàng ngàn gia đình thuộc diện sạt lở, mất đất mất nhà. Dòng người đổ lên các khu công nghiệp, đô thị lớn mưu sinh đang có xu hướng gia tăng. “Chúng tôi đã cố gắng bố trí nền nhà tái định cư, tìm quỹ đất sản xuất cấp cho nông dân vùng sạt lở, nhưng người đông mà đất ít, không đáp ứng kịp, nên tính đến nay đã có hơn ngàn lao động phải rời quê đi làm ăn xa” - ông Châu Văn Nguyên, chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu, nói.
_________________-
Bên bờ thị xã Sa Đéc từng có một ngôi làng sầm uất, nhưng nay chỉ còn trong nuối tiếc của mọi người. Những dòng sông vẫn chảy và bao lo toan chồng chất lên người dân đôi bờ.
Kỳ tới: Đôi bờ rạch Cái Đôi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận