Một người dân huyện Bình Đại, Bến Tre, trữ nước ngọt trên ruộng dưa để tưới nhằm tiết kiệm nước |
Ngày 22-2, ông Cao Văn Trọng - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh vừa kêu gọi mọi người dân tỉnh Bến Tre chia sẻ khó khăn cùng cơ quan chức năng trong việc thiếu nước sinh ngọt sinh hoạt.
Riêng đối với một số cơ quan, đơn vị như các bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn từ 2 sao trở lên phục vụ khách du lịch, tinh sẽ ưu tiên cấp nước ngọt để duy trì hoạt động.
Lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho rằng, hệ thống máy móc thiết bị của bệnh viện bắt buộc phải sử dụng nước ngọt. Mỗi tháng bệnh viện cần khoảng 26.000m³ nước sạch sinh hoạt phục vụ cho các khoa phòng trong điều kiện xài tiết kiệm nhất.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Giao Long, An Hiệp cũng lo sợ thiếu nước ngọt để hoạt động.
Theo ông Trọng, độ mặn 4 phần ngàn trên các sông chính đã xâm nhập sâu, cách cửa sông từ 45-60km, còn độ mặn 1 phần ngàn đã xâm nhập sâu đến 75km cách cửa sông.
Như vậy, cho đến lúc này ranh mặn bao trùm hầu hết đất đai toàn tỉnh Bến Tre.
Cụ thể, độ mặn đo được trên sông Cửa Đại tại trạm Giao Hòa là 8,9‰, tại trạm Mỹ Hóa trên sông Hàm Luông 10,6‰…
”Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nặng nề nhất. Nhưng theo tôi biết, từ trước đến giờ chưa năm nào mặn khốc liệt như năm nay.
Trước thực trạng này, tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành hướng dẫn người dân sông chung, thích nghi với mặn, đồng thời tìm giải pháp lâu dài cho cây trồng, sinh hoạt để giảm thiệt hại”, ông Trọng nói.
Trong khi đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng vừa trích nguồn ngân sách địa phương khoảng 4,5 tỷ đồng để xây dựng đường ống kéo nước sạch và khoan giếng bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho gần 1.000 hộ dân ở các xã Bình Đông, Bình Xuân- Thị xã Gò Công, Tiền Giang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận