15/02/2016 11:14 GMT+7

Nháo nhào vì thiếu nước

VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)
VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)

TT - Từ trước tết đến nay, hàng ngàn hộ dân ở thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) không có nước ngọt sử dụng, hằng ngày phải đi đổi từng can nước về xài.

Tỉnh Tiền Giang huy động gần 1.000 máy bơm công suất lớn bơm chuyền cấp 1 từ kênh trục chính lên kênh nội đồng suốt 24/24 giờ để cứu lúa - Ảnh: V.Tr.
Tỉnh Tiền Giang huy động gần 1.000 máy bơm công suất lớn bơm chuyền cấp 1 từ kênh trục chính lên kênh nội đồng suốt 24/24 giờ để cứu lúa - Ảnh: V.Tr.

Trong khi đó, Nhà máy nước BOO Đồng Tâm công suất 50.000 m3/ngày đêm chỉ phát nhỏ giọt để chấp nhận thua lỗ khoảng hơn 400 tỉ đồng.

Ngân sách phải bù lỗ 40% khoản lỗ này. Còn diện tích lúa đông xuân tại các huyện phía đông tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại do hạn, mặn vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày.

Đổi từng can nước

Trưa 14-2, khi chúng tôi đến xã Bình Đông, thị xã Gò Công thì vẫn còn nhiều người chở can nhựa đi đổi nước ngọt.

Ông Nguyễn Hồng Sang, phó chủ tịch UBND xã Bình Đông, nói: “Sáng sớm và chiều tối người dân đi đổi nước nườm nượp. Bây giờ nắng quá họ ít ra đường. Từ nay đến hết mùa khô người dân ở đây sẽ rất khổ vì nước ngọt khan hiếm lắm”.

Mặc cho nắng cháy da, vợ chồng ông Châu Văn Hiếu ở ấp Cộng Lạc chạy xe máy lên nhà người quen ở ấp Hòa Thân ngồi canh hứng hai can nước. Nước chảy nhỏ giọt, ông kiên nhẫn ngồi chờ gần 30 phút mới đầy hai can rồi chở về nhà.

Ông Hiếu kể trước tết vợ chồng ông múc nước kênh lên tắm, sau đó sáu người trong nhà đều bị dị ứng nổi mụn, ngứa không chịu nổi phải đi bệnh viện. Tiền chữa bệnh đợt đó hơn 2 triệu đồng. Giờ gia đình ông không ai dám tắm nước kênh mà chỉ nhúng khăn... tắm khô, để dành nước ngọt nấu ăn.

Theo ông Sang, trên địa bàn xã Bình Đông có ba nguồn cấp nước ngọt, nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 700 hộ ở các ấp Hòa Thân, Cộng Lạc và Hồng Rạng không có nước dù có gắn đồng hồ nước.

Nguyên nhân là trạm cấp nước đặt tại UBND xã do Công ty Cấp nước sinh hoạt nông thôn Tiền Giang quản lý có công suất chỉ đạt tối đa 1.400 m3/ngày đêm nhưng có tới 2.460 hộ sử dụng. Nếu tăng công suất bơm thì không có đủ nước nên phải vận hành bình thường.

Từ trước tết đến nay, những hộ ở xa trạm cấp nước không tài nào hứng được nước. Nhiều hộ phải cắt ống đặt vòi nước ngang mặt đất rồi đào hố đặt thau hứng từng giọt nước, nhưng có khi cả ngày chẳng có giọt nào.

Mấy ngày tết, người dân ở xã Bình Đông đổ xô vào trạm cấp nước tại UBND xã Bình Xuân đổi nước, nhưng mấy hôm nay trạm từ chối đổi vì không đủ cấp cho dân trong xã.

“Mỗi ngày chỉ cấp cho mỗi tuyến ống chừng hai giờ rồi khóa lại, chuyển sang cấp cho tuyến khác. Nước bây giờ khó khăn lắm” - anh Thịnh, quản lý trạm cấp nước, nói.

Cũng vì trạm cấp nước Bình Xuân không cho đổi nước nữa nên mấy trăm hộ dân ở xã Bình Đông nháo nhào chạy khắp nơi, kể cả ra tận xã Tân Trung cách đó 6-7km để đổi nước.

Ông Châu Văn Thanh, trưởng ấp Cộng Lạc, nói ấp của ông đang có tới 160 hộ “khát” nước ngọt. Gia đình ông và người dân phải múc nước sông bị ô nhiễm lên rồi pha thuốc xử lý nước, đợi lắng trong rồi dùng để giặt giũ, rửa chén bát.

Ông nói: “Nấu ăn và tắm phải dùng nước ngọt, chứ nhiều người tắm nước sông bị ngứa đi bệnh viện điều trị tốn bạc triệu”.

UBND thị xã Gò Công cho biết không chỉ xã Bình Đông, Bình Xuân thiếu nước ngọt mà nhiều hộ dân ở các xã Long Hưng, Long Chánh, Long Hòa, Tân Trung cũng không có nước sử dụng. Ước tính không dưới 1.000 hộ đang rất cần nước ngọt.

Thị xã đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí khoảng 4,5 tỉ đồng để kéo đường ống từ nguồn nước máy đô thị đến các khu vực này cấp cho dân. Dự kiến ngay sau tết tỉnh sẽ quyết định vấn đề này vì tình hình rất cấp bách, khô hạn ngày càng gay gắt.

Lúa tiếp tục chết

Trong ngày 14-2, trên khắp cánh đồng gần 30.000ha của các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công có hàng ngàn máy bơm nước chạy hết công suất.

Gần 400 điểm bơm chuyền cấp 1 từ kênh trục chính lên kênh nội đồng (mỗi điểm 4-8 máy bơm công suất lớn) vẫn chạy 24/24 giờ theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Toàn bộ kinh phí thuê máy bơm, nhiên liệu và nhân công trực bơm do ngân sách tỉnh chi với quyết tâm cứu được càng nhiều lúa của dân càng tốt.

Do độ mặn trên sông Tiền ổn định từ tết đến nay nên cống Xuân Hòa tại huyện Chợ Gạo vẫn lấy được nước mặn dưới 1,5g/lít khoảng 4-5 giờ/ngày đêm cấp cho hệ thống kênh vùng ngọt hóa Gò Công.

Ngày 13 và 14-2, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang đã lắp đặt 4 thuyền bơm với 8 máy bơm điện bơm nước vào kênh khi mực nước xuống thấp, không lấy nước trực tiếp qua cống ngăn mặn được.

Tỉnh đã chi hàng tỉ đồng mua 16 thuyền bơm, tất cả đã được tập kết ngay trước cống. Số máy này sẽ được vận hành trong những ngày tới khi mực nước trên sông xuống quá thấp và độ mặn cho phép lấy nước.

Cũng nhờ cống Xuân Hòa còn lấy được nước và các địa phương duy trì bơm chuyền suốt ngày đêm nên hiện nay hầu hết kênh nội đồng ở các huyện phía đông đều có nước để nông dân bơm lên ruộng.

Trưa 14-2, ông Nguyễn Văn Đàng - chủ tịch UBND xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông - cho biết mấy ngày qua nông dân trong xã không ngừng bơm nước cứu lúa, nhưng do một số nơi bị nhiễm phèn, mặn nặng quá nên lúa tiếp tục chết.

Nếu như mùng 1 tết có 242ha lúa chết thì đến mùng 7 đã tăng lên 268ha. Ngoài ra còn 70-80ha ở ấp 2 và ấp 3 đang diễn biến rất xấu. Hai ấp này chỉ còn khoảng 100ha hi vọng cứu được, nhưng năng suất giảm 60-70%.

“Toàn xã còn hơn 500ha đang làm đòng, nếu có đủ nước 20 ngày tới thì có thể thu hoạch được, nhưng năng suất giảm khoảng 20%” - ông Đàng nói.

Còn theo ông Nguyễn Thiện Pháp - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, đến chiều 14-2 diện tích lúa chết do hạn, mặn tại các huyện phía đông được các địa phương báo cáo là 652ha.

“Qua đi kiểm tra thực tế, tôi thấy diện tích lúa thiệt hại còn nhiều hơn. Có thể các địa phương chỉ báo cáo những đám ruộng chết hết, còn những đám chết lởm chởm thì nghĩ rằng chưa thiệt hại 100% nên chưa báo” - ông Pháp nói.

Nhà máy nước lỗ hơn 400 tỉ đồng

Trong khi người dân ở thị xã Gò Công và huyện Tân Phú Đông với hàng ngàn hộ bắt đầu thiếu nước ngọt đến khi có mưa thì Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đặt tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành phát nước cầm chừng suốt hơn bốn năm nay.

Nhà máy nước này có công suất 50.000 m3/ngày đêm, vốn đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng, bắt đầu vận hành phát nước từ cuối năm 2010. Nhà máy nước này do các doanh nghiệp TP.HCM góp 60% vốn, 40% là vốn ngân sách địa phương, trong đó Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang 20%, Quỹ đầu tư phát triển 17,5% và Công ty Cấp nước Tiền Giang 2,5%.

Tuy nhiên, suốt từ đầu năm 2011 đến 2014 nhà máy này chỉ phát nhỏ giọt 20.000 m3/ngày đêm, do đơn vị tiếp nhận là Công ty Cấp nước Tiền Giang chỉ nhận bấy nhiêu đó với giá 1.770 đồng/m3.  Đến năm 2015 giá nước mới tăng lên 6.000 đồng/m3.

Theo ông Lý Minh Ân - giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang, trong ba năm đầu Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đã lỗ tới 374 tỉ đồng, năm 2015 lỗ tiếp khoảng 48 tỉ đồng, đến nay là hơn 400 tỉ đồng.

Hiện đường ống từ nhà máy này đã dẫn tới địa bàn thị xã Gò Công và chỉ còn cách xã Bình Đông (nơi có 700 hộ đang “khát”) khoảng 6km.

VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên