22/01/2019 11:01 GMT+7

Thiếu nữ bị bán qua biên giới - Kỳ 2: Ngôi nhà cho người trở về

HÀ THANH - MINH PHƯỢNG
HÀ THANH - MINH PHƯỢNG

TTO - Suốt 9 năm nay, ngôi nhà nhân ái do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Lào Cai thành lập đã tiếp nhận, hỗ trợ 200 nạn nhân bị lừa bán qua Trung Quốc trở về.

Thiếu nữ bị bán qua biên giới - Kỳ 2: Ngôi nhà cho người trở về - Ảnh 1.

Ở nhà nhân ái, các nạn nhân trẻ được học văn hóa, học nghề, chữa trị tâm lý để sống tiếp một cuộc sống mới - Ảnh: HÀ THANH

Ngôi nhà nhân ái ra đời với các hoạt động hỗ trợ, giúp các em có nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập trong thời gian chưa có khả năng hòa nhập với gia đình, cộng đồng.

Ông NGUYỄN TƯỜNG LONG (chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai)

180 em lần lượt hòa nhập được với gia đình, cộng đồng, có công việc ổn định.

Ngôi nhà nằm khiêm tốn trong khu chợ Duyên Hải ở thành phố Lào Cai. Thời điểm này đang có 20 em đang sống ở đây, tiếp tục học tập, chữa bệnh, điều trị tâm lý, rèn luyện kỹ năng sống, học nghề, trang bị kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người trước khi hòanhập cộng đồng.

Về được là tốt rồi!

Lý Trang Điền - 17 tuổi, người Dao Tuyển, quê huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc về sống tại nhà nhân ái hơn sáu tháng nay. Ở cùng các chị, các bạn có chung hoàn cảnh, Điền đã bớt ám ảnh khi nhớ lại quá khứ.

Ở đây, Điền tiếp tục theo học lớp 10, được điều trị tâm lý, tham gia vui chơi, sinh hoạt cùng mọi người. Cứ ba tháng Điền lại về bảnthăm cha mẹ một lần.16 tuổi, học lớp 9, Điền bị chính cậu bạn cũ lừa bán sang Trung Quốc.

Một tối bạn nhắn tin rủ đi sinh nhật ở thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai). "Bạn cũ rủ đi, chẳng sao đâu" - nghĩ thế nên Điền đồng ý để cậu bạn đến tận cổng nhà đón. Vậy là em bị bán.

Rồi Điền bị gả bán cho một người đàn ông Trung Quốc hơn mình chục tuổi.

"Bình thường em hay đi chợ. Đến một hôm em đi chợ rồi đi thẳng vào đồn cảnh sát mà em thấy trước đó. Em kể chuyện của mình, họ giữ em ở đấy. Họ đưa em ra tỉnh, ở đó ba hôm rồi đưa lên đồn Hà Khẩu (Trung Quốc - PV)" - Điền kể lại.

"Ở Trung Quốc, em chỉ mong về nhà. Nhưng về nhà gia đình không có điều kiện, em không được học tiếp cấp III. Em nói với bố rằng con muốn đi học", nói đến đây cô gái trẻ bật khóc, không còn cố tỏ ra mạnh mẽ như vẻ ngoài ban đầu.

Rồi Điền tự an ủi chính mình, tiếp tục câu chuyện: "Không sao, về được là tốt rồi. Bố bảo em: Thôi mày cứ lên trên này (nhà nhân ái - PV) học, học xong cấp III để lấy cái bằng, nếu không muốn học nữa thì ra ngoài xin việc làm".

Tháng 7-2018, Điền vào nhà nhân ái, được hỗ trợ học tiếp lớp 10.

Cô thiếu nữ 17 tuổi nói sẽ gắng học hết cấp III, nếu được hỗ trợ nữa sẽ tiếp tục học ngành y, dược vì "ở nhà nhân ái có chị đang theo học ngành này".

Cùng sống trong nhà nhân ái với Điền là cô gái Sùng Thị Dứ, 18 tuổi, huyện Sa Pa, Lào Cai. Thoạt nhìn không ai nghĩ cô gái có làn da trắng hồng, mái tóc đen dài, dáng người nhỏ nhắn này đã phải trải qua năm tháng ở Trung Quốc với những ngày cầm cuốc quần quật trên nương.

Trong suốt câu chuyện của mình, Dứ ngập ngừng, cúi gằm nhìn đôi tay đan vào nhau.

Một lần đi chợ thấy công an Trung Quốc, Dứ liền chạy đến níu tay họ. Công an đưa cô về đồn, hỏi cô có tự nguyện sang không, Dứ lắc đầu nói bị bán sang. Cô bị giữ ở đồn ba tháng chờ đại sứ quán xác nhận.

Tháng 9-2018, Dứ về nhà nhân ái.Lớn tuổi nhất ở ngôi nhà này là Hờ Tả Mẩy. May mắn hơn Điền, cô gái này được giải cứu ngay khi các đối tượng buôn người đang giao dịch ở biên giới.Mẩy xin về nhà nhân ái chứ không về quê.

Cô xin theo học nghề may. Đến nay, đôi tay của Mẩy đã thuần thục từng đường kim mũi chỉ. Cứ ba ngày cô may được sáu cái áo, mỗi áo được tiền công 25.000 đồng.

Thiếu nữ bị bán qua biên giới - Kỳ 2: Ngôi nhà cho người trở về - Ảnh 3.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai áp giải hai đối tượng mua bán người - Ảnh: TRUNG DŨNG

Ngôi nhà làm lại cuộc đời

Trở về từ Trung Quốc, trải qua cú sốc đầu đời, người may mắn được bố mẹ hiểu, làng xóm cảm thông, người không may bị dè bỉu, xì xào.

Như chia sẻ của Giàng Thị Miên: "Về đến nhà, làng xóm chẳng ai nói thương hay may quá, mày đã về. Họ bảo thà mày chết thì bố mẹ không mất nhiều tiền như thế (tiền đi tìm - PV). Nhiều lần mình chỉ muốn tự tử, nghĩ đến cái chết thôi".

Bà Nguyễn Thị Dung (55 tuổi) như một người mẹ ở ngôi nhà nhân ái với bảy năm gắn bó. Mỗi tuần bà ngủ lại năm đêm ở nhà nhân ái để hỗ trợ, chăm sóc các em. Hai buổi tối còn lại có hai nhân viên thay phiên.

"Các em ở đây mỗi người một hoàn cảnh, tâm hồn nhạy cảm nên phải tâm lý, nhẹ nhàng, coi các em như con cháu trong nhà mình mới có thể gần gũi được.

Ở đây tôi là người lớn tuổi nhất, gần gũi với các em nên các em thường chia sẻ với tôi cả chuyện khó nói" - bà Dung tâm sự.

Những ngày đầu vào nhà nhân ái các nạn nhân còn rụt rè, chưa thể chia sẻ câu chuyện của mình. Nhưng đến đây rồi, có các chị, các em cùng chung hoàn cảnh nên dễ dàng đồng cảm, yêu thương nhau.

Chín năm trôi qua kể từ ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Tường Long, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai, cho biết ngôi nhà nhân ái là cơ sở hỗ trợ mang tính toàn diện cho các nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc.

Từ khâu tiếp nhận ban đầu, các em được ăn ở, sinh hoạt, học tập, thi tiếp vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và được chăm sóc, chữa bệnh, 100% nạn nhân được mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tư vấn tâm lý.

"Trong quá trình bị buôn bán, các nạn nhân bị sang chấn tâm lý nặng nề, tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần, các em đang có chiều hướng mặc cảm, tự ti, nhiều em mang vết thương trên người, có em nghĩ đến chuyện tự sát, có nạn nhân mang thai.

Có em lúc đi mất hết giấy tờ tùy thân, nên khi quay về rất khó khăn trong việc nhập khẩu trở lại.

Ngôi nhà nhân ái ra đời với các hoạt động hỗ trợ, giúp các em có nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập trong thời gian chưa có khả năng về hòa nhập với gia đình, cộng đồng" - ông Nguyễn Tường Long cho biết.

Tốt nghiệp đại học, có nghề, có việc làm

nha nhan ai_4 4(read-only)

Bức tranh này được treo trong nhà nhân ái, do chính các nạn nhân được giải cứu vẽ, như nói lên mong ước cuộc sống thanh bình - Ảnh: HÀ THANH

Trong số 200 nạn nhân sống ở nhà nhân ái, đến nay đã có nhiều em tốt nghiệp đại học.

Các em được Tổ chức Vòng tay thái bình cấp học bổng, hỗ trợ học các nghề may, làm tóc nghệ thuật, có em làm pha chế ở khách sạn 3-4 sao... Nhiều em có thu nhập tốt, 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Tường Long cho biết hiện nay, nhà nhân ái đang tập trung vào công tác truyền thông tại cộng đồng, trang bị kiến thức cho các nạn nhân ở nhà nhân ái để các em tự tin đứng lên tuyên truyền trực tiếp tại các phiên chợ ở quê, trường học, để qua những câu chuyện thực tế ấy góp phần ngăn ngừa tình trạng bị lừa bán qua biên giới nhức nhối như hiện nay.

(*): Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Kỳ cuối: Đứng dậy sau cú sốc tuổi 15

HÀ THANH - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên